Nuôi cá lồng "vượt cạn" ở thượng nguồn sông Lam

26/11/2014 10:29

(Baongehan) - Nghề nuôi cá lồng ở thượng nguồn sông Lam được đồng bào 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn duy trì, phát triển và đem lại nguồn thu nhập khá. Nhưng từ ngày trên dòng sông có 2 đập thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố, nước sông lúc cạn, lúc đầy bất thường, khiến người nuôi cá lồng gặp nhiều khó khăn. Trước thách thức đó, người dân vẫn sáng tạo, thích ứng để duy trì nghề.

Nghề nuôi cá lồng tại huyện Tương Dương hiện có hai hình thức, đó là nuôi trên diện tích lòng hồ thủy điện và trên sông. Hình thức thứ nhất chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây khi 2 nhà máy Thủy điện Khe Bố và Bản Vẽ đi vào hoạt động, còn với các địa bàn ở ven sông thì nghề nuôi cá lồng đã có từ lâu đời. Vùng đất nổi tiếng với nghề nuôi cá lồng là bản Cửa Rào 1 (xã Xá Lượng), có những thời điểm, hơn 50 hộ ở bản làm nghề này. Trong bản có 4 anh em nổi tiếng với nghề là Đậu Văn Việt, Đậu Văn Hạnh, Đậu Văn Toàn, Đậu Văn Phúc cùng 2 anh em Nguyễn Hữu Sỹ và Nguyễn Hữu Quyền được truyền nối qua nhiều đời.

Nuôi cá lồng ở bản Tân Hòa, Bồng Khê (Con Cuông).
Nuôi cá lồng ở bản Tân Hòa, Bồng Khê (Con Cuông).

Những người dân làm nghề ở Cửa Rào luôn gắn kết để hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những khó khăn, vất vả. Ông Đậu Văn Việt chia sẻ: “Trước đây, khi lòng sông chưa cạn, trên địa bàn xã Xá Lượng những người nuôi cá lồng có mức sống khá hơn thuần nông. Thời đó, bà con nuôi cá hàng hóa để bán ở chợ. Giống cá được chọn nuôi là mè, trôi, trắm, chép. Nay sông cạn, bà con vẫn khắc phục khó khăn duy trì ở mức vài chục lồng bè nhỏ hơn, để phù hợp với môi trường nước cạn; phương thức nuôi cũng chuyển sang nuôi tự nhiên. Theo phương thức này, cá nuôi tuy chậm lớn nhưng thịt chắc, thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Đầu ra dễ tiêu thụ, các nhà hàng, khách sạn tìm đến để đặt hàng. Nhờ thế, mỗi lồng cho thu nhập trên 15 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi các giống truyền thống, bà con địa phương còn phát triển thêm các giống đặc sản như cá bống, cá bọp vàng…. Với các giống này, giá bán thường từ 150 đến 160 nghìn đồng/kg. Việc nuôi cá lồng vốn yêu cầu rất khắt khe về nguồn nước, chỉ cần một biến đổi môi trường nhỏ đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Còn nhớ năm 2012, trong một lần thủy điện sửa chữa và thải nước ra sông, vì nước có chứa dầu mỡ và chất thải khác, nhiều lồng cá ở vùng Cửa Rào bị thiệt hại lớn”.

Trước khi có thủy điện, dọc sông Nậm Nơn xuống Thị trấn Hòa Bình hàng năm có khoảng 30 lồng lớn nhỏ. Hiện nay nước sông cạn, nuôi cá trên sông tại các xã Tam Đình, Tam Quang, Tam Thái, Thạch Giám… vắng hẳn. Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: “Hiện nay, tính cả trên dòng chính sông Lam chảy qua địa bàn Tương Dương mới được 26 lồng, năng suất bình quân đạt khoảng đạt 0,3 tấn/lồng. Số lượng lồng trên sông giảm nhưng phát triển mạnh ở vùng lòng hồ Thủy điện Khe Bố và Bản Vẽ. Vừa qua, huyện đã có đề án phát triển cá lồng bè đến năm 2016 và hỗ trợ cho các hộ thực hiện đề án, ngoài chính sách của tỉnh, huyện trích ngân sách đầu tư cho mỗi lồng thêm 6 triệu đồng. Tại lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ hiện đã có 138 lồng và lòng hồ Thủy điện Khe Bố là 12 lồng. Việc đầu tư và phát triển số lượng lồng cá này đã tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương, góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo để ổn định cuộc sống”.

Cá nuôi lồng với trọng lượng hơn 4 kg (ảnh nhỏ)
Cá nuôi lồng với trọng lượng hơn 4 kg (ảnh nhỏ)

Ở huyện Con Cuông, đoạn sông tiếp giáp với Tương Dương, nghề nuôi cá lồng cũng đang được người dân vùng ven sông xem trọng. Sản phẩm cá lồng ở đây chủ yếu là cá trắm cỏ nuôi theo phương thức bán tự nhiên, ngoài thức ăn tự nhiên cá còn được bổ sung thêm thức ăn gồm cỏ, chuối, ngô, đậu... Do nước sông sâu hơn nên bà con làm những chiếc lồng to với số lượng cá nuôi được nhiều hơn. Vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Trần Thị Chính (xã Chi Khê) đã gắn bó với nghề hơn 10 năm nay. Theo ông bà thì trước đây nghề này thường gặp thời điểm khó nhọc từ tháng 7 đến tháng 10 vì mưa lũ. Những lúc đó nước mạnh, ngoài sợ đứt dây chằng, trôi cả lồng còn sợ lưu lượng dòng chảy mạnh, nước đục nhiều tạp chất, khiến cá bị nhiễm bệnh. Đến mùa cạn cũng có nỗi lo riêng.

Mùa này nước xuống thấp, dòng chảy yếu không đủ cung cấp oxi và phù du cho cá. Những năm gần đây, khi xây thủy điện trên sông thì gần như nước cạn quanh năm, còn lúc thủy điện xả nước thì nước sông đột ngột dâng cao như lũ. Lúc này dây neo lồng cá bị chùng nên lồng nổi lên mặt nước, theo dòng chảy mạnh dạt chéo lên bờ, lên bãi. Thường thì bị dạt lên độ cao vài ba mét so với mặt sông. Với khối lượng trung bình 1 lồng cá là 1,5 tấn thì việc bẩy lồng xuống sông khẩn cấp để tránh cá chết cạn là hết sức khó khăn, phải huy động nhiều người dân trong làng mới hi vọng cứu được lồng. Vừa qua, ở xã Chi Khê, lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Hà, ông Phương ở Bãi Ổi và một số hộ ở xã Đỉnh Sơn giáp Con Cuông bị mắc cạn phải cậy nhờ hàng chục người trong xóm đến giúp đỡ.

Nhưng đó còn là may mắn, bởi nếu dây chằng đứt thì lồng bị cuốn phăng xuống hạ lưu. Việc tìm lại là rất khó và vụ nuôi cả năm mất trắng. Đó là lý do làm cho nhiều hộ dân ái ngại duy trì nghề nuôi cá lồng trên sông. Nhưng nhìn vào thực tế, nghề nuôi cá lồng vẫn phát huy hiệu quả, vì thế, theo ông Nguyễn Khắc Sỹ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông: “Cá lồng trên địa bàn giảm sút là do sông cạn, môi trường kém. Mặc dù khó, nhưng bà con các xã Chi Khê, Bồng Khê, Lạng Khê vẫn không bỏ nghề, các xã này hiện vẫn còn 30 chiếc lồng bè to nhỏ. Đời sống của các chủ lồng tuy vất vả, nhưng vẫn khá hơn so với các hộ thuần nông”.

Trên tuyến sông Lam phần qua địa bàn huyện Anh Sơn, số lượng lồng bè có giảm so với thời gian trước đây, hiện chỉ còn khoảng 20 lồng tập trung tại các xã Đỉnh Sơn, Lạng Sơn và Long Sơn. Số lượng lồng cá giảm sút do nguồn nước phía hạ lưu cạn và bị ô nhiễm. Theo ông Pham Sỹ Tuấn (xã Đỉnh Sơn) và nhiều hộ khác, nghề nuôi cá lồng mang lại lợi ích thiết thực, là cứu cánh cho những hộ có ít ruộng đất, góp phần rất lớn để ổn định cuộc sống. Vấn đề đặt ra cho cả vùng thượng nguồn là không phải nước cạn, mà là khi đóng, xả của thủy điện cần kịp thời thông báo cho người nuôi cá. Số lồng cá của 4 huyện dọc sông Lam chưa quá vài trăm lồng, có thể liên hệ trực tiếp bằng điện thoại cho một số hộ để từ đó họ báo cho nhau. Tránh tình trạng như vừa qua, vào nửa đêm thủy điện xả nước, bè cá nổi lên bãi cao, đến khi đóng đột ngột nhiều lồng mắc cạn, cá chết hoặc cả làng phải lao đao, vất vả đẩy lồng cá theo nguồn nước đang rút dần. Bà con nuôi cá lồng rất mong chờ 2 công ty Thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố cùng chính quyền huyện, xã có kế hoạch cụ thể, thông tin cho dân biết để chủ động đối phó mỗi khi điều tiết nguồn nước nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nghề nuôi cá lồng trên sông. Đó cũng là hành động cần thiết để khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng, giải quyết việc làm, nâng thu nhập cho các hộ dân hai bên thượng nguồn sông Lam.

Bài, ảnh: Thanh Quỳnh

Nuôi cá lồng "vượt cạn" ở thượng nguồn sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO