Nuôi cá vụ 3 ở Tân Kỳ: Khó mở rộng diện tích

09/11/2011 15:28

Đầu tư thâm canh lúa nước ở Tân Kỳ thì 1 ha thu nhập hơn 45 triệu đồng/năm, nhưng nếu kết hợp nuôi cá vụ 3 thì thu nhập 80 triệu đồng/năm. Mô hình làm ăn hiệu quả này được khẳng định trên đồng đất Tân Kỳ, nhưng bởi nhiều lẽ mà mô hình này khó phát triển thành phong trào.

(Baonghean) - Đầu tư thâm canh lúa nước ở Tân Kỳ thì 1 ha thu nhập hơn 45 triệu đồng/năm, nhưng nếu kết hợp nuôi cá vụ 3 thì thu nhập 80 triệu đồng/năm. Mô hình làm ăn hiệu quả này được khẳng định trên đồng đất Tân Kỳ, nhưng bởi nhiều lẽ mà mô hình này khó phát triển thành phong trào.

Với diện tích 1.300 ha có thể đầu tư khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, thì đối với Tân Kỳ nghề này cần được khai thác một cách hiệu quả (từ đầu năm 2011 đến nay, huyện đã nuôi trồng, khai thác 1.357 tấn thủy sản với giá trị đạt 8.652 triệu đồng). Và một trong những cách làm mới thu hút được sự quan tâm của người dân Tân Kỳ là mô hình nuôi cá vụ 3. Cách làm này không khó mà lại cho thu nhập cao, bởi sau vụ 2 lúa đông xuân và hè thu bà con có thể tận dụng ruộng lúa, đầu tư nuôi thêm cá vụ 3. Được cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT và Trung tâm KNKL huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, rồi Nhà nước hỗ trợ tiền giống nuôi… nên năm 2008, Tân Kỳ có trên 150 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá vụ 3. Tuy nhiên, mô hình này tại Tân Kỳ không những khó nhân rộng diện tích mà “co cụm” lại. Thời gian gần đây, mỗi năm huyện chỉ phấn đấu đạt khoảng 50 ha nuôi cá vụ 3 và có năm khó đạt kế hoạch.



Vùng ngập lụt xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) rất khó phát triển mô hình cá - lúa.

Nguyên nhân sụt giảm nhanh diện tích nuôi cá vụ 3 không phải do người dân Tân Kỳ chưa mặn mà với cách làm mới này, mà điều kiện diện tích lúa nước luôn bị động. Là huyện miền núi, nên hệ thống thuỷ lợi phát triển chưa đồng bộ và nguồn nước gặp nhiều khó khăn và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển nghề nuôi cá vụ 3. Thời điểm tiến hành nuôi cá vụ 3 là vào tháng 8 trở đi nên thường dễ bị ngập lụt và có khi lại hạn hán. Chính vì vậy, mới xuất hiện thêm mô hình 1 vụ lúa và 1 vụ cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xẩy ra tình trạng hạn hán kéo dài, không có nguồn nước bổ sung, nên khó cho mô hình nuôi cá ruộng lúa của Tân Kỳ. Vào thời điểm này cách đây không lâu, đến các vùng trọng điểm lúa ở Nghĩa Phúc, Tân An, Kỳ Sơn, Nghĩa Thái… bà con nông dân bàn tính cách làm ruộng nuôi cá, nhưng nay mô hình không còn là đề tài thu hút được sự quan tâm của bà con nữa. Hiện tại chỉ một vài xã đang duy trì mô hình nuôi cá trên đất lúa và điển hình là xã Nghĩa Thái, bà con nông dân đầu tư thâm canh 2 vụ lúa cho năng suất cao và phát triển hệ thống thuỷ lợi để chủ động nuôi cá trên diện tích lớn. Hay tại làng Cừa, nổi tiếng về nghề sản xuất gạch ngói, người dân chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản…

Một vấn đề trở ngại nữa đối với người dân Tân Kỳ trong việc phát triển nghề nuôi cá ruộng lúa là cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp. Biết rằng trồng lúa kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao, nhưng khó thực hiện được vì phần lớn người dân thuộc diện khó khăn, thiếu vốn sản xuất, trong khi đó các công trình kỹ thuật lại không đồng bộ. Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng Phòng NN&PTNT Tân Kỳ, cho hay: “Hiện nay sự hỗ trợ của tỉnh là 1,5 triệu đồng/ha cho người dân chuyển đổi nuôi cá, thiếu bao nhiêu là người dân tự đầu tư, trong khi số tiền để mua cá giống cho 1 ha là khá lớn. Hiện nay do ngân sách khó khăn nên huyện Tân Kỳ vẫn chưa có chính sách hỗ trợ người dân. Đây thực sự là vấn đề khó giải cho mô hình làm cá lúa của huyện”. Được biết, năm 2011 kế hoạch của huyện là làm 50 ha làm cá lúa, nhưng với những khó khăn như đã nêu trên thì người dân Tân Kỳ sẽ phải nỗ lực rất lớn mới hy vọng đạt được kế hoạch đề ra.


Hoàng Vĩnh

Nuôi cá vụ 3 ở Tân Kỳ: Khó mở rộng diện tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO