Nuôi lợn đặc sản thoát nghèo
(Baonghean) - Chi Khê (Con Công) là xã miền núi khó khăn, có nhiều tiềm năng về đất đai, tự nhiên và lao động để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mấy năm gần đây, phong trào chăn nuôi lợn nái đen sinh sản được bà con phát huy thế mạnh, góp phần bảo tồn nguồn gen giống lợn đặc sản, đồng thời nâng cao thu nhập.
Anh Lương Vĩnh Khằm (bản Yên Đình, xã Chi Khê) hiện có 4 con lợn nái đen, 1 con đực giống và 7 con lợn giống sinh sản lứa 2. Trong đó có 2 con nái được xã cấp theo chương trình xây dựng mô hình NTM. Để tận dụng thêm nguồn thu nhập, anh nuôi kèm 5 con lợn trắng để bán thịt. Chuồng nuôi lợn của anh được xây bằng xi măng. Nhà có máy xay xát nên anh dễ dàng thu gom đầy đủ các phụ phẩm cám lúa, ngô để phuc vụ nuôi lợn. Anh cho biết: Nguồn thức ăn có thể tự túc trong dân như rau củ, bèo, chuối, mùng, các phụ phẩm lúa, ngô. Bà con nơi đây không sử dụng các sản phẩm cám công nghiệp để nuôi. Theo tính toán của anh Khằm, lợn nái đen mỗi năm sinh sản 2 lần, chuồng nuôi của anh luôn duy trì ổn định khoảng 8 con giống. Sau 2 - 3 tháng nuôi, mỗi con có thể đạt tối đa 50 kg/con, hoặc bình quân 20 - 30 kg/con. Dịp cuối năm, nhất là Tết nguyên đán, sản phẩm thịt lợn đen được người tiêu dùng tìm mua nhiều nên càng đắt giá, đạt từ 100 - 120 ngàn đồng/kg lợn hơi, gấp 3 lần so với giá thịt lợn trắng (40 - 50 ngàn đồng/kg).
Mô hình nuôi lợn nái đen sinh sản của anh Lương Vĩnh Khằm - bản Yên Đình (Chi Khê). |
Gia đình chị Lộc Thị Yến (bản Yên Đình) hiện nuôi 4 con lợn nái đen, 8 con lợn đang nuôi giống, trong đó có 2 con nái được xã hỗ trợ theo chương trình dự án mô hình NTM. Chị Yến cho hay: nhà tôi năm nào cũng có lợn thịt và lợn giống bán. Thị trường đầu ra cho sản phẩm lợn đen rất chạy. Nuôi được con nào, khách hàng Thành phố Vinh, Con Cuông, nhất là các nhà hàng nội huyện và trong tỉnh đặt mua hết. Dịp Tết, sản phẩm thịt lợn đen tiêu thụ mạnh, không đủ hàng bán cho thị trường. Theo chị Yến, nuôi lợn đen sinh sản không tốn nhiều công sức, phù hợp với tập quán chăn nuôi truyền thống địa phương, mang lại hiệu quả cao hơn so với các vật nuôi khác tại địa phương. Nhờ đó, đã giúp gia đình chị cùng bà con trong bản cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo. “Hai năm gần đây, nhờ được hỗ trợ con giống nên nuôi lợn nái đen sinh sản là “nghề mới tìm về” với bà con chúng tôi đó”. Chị Yến bộc bạch.
Ông Lô Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê, cho biết: Toàn xã Chi Khê hiện có trên 2.500 con lợn. Hai năm gần đây, cùng với xây dựng các mô hình NTM trên địa bàn, xã đã xây dựng đề án “phát triển lợn nái đen sinh sản” nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy nguồn gen lợn quý hiếm của địa phương. Xem đây là hướng đi thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho người dân. Để động viên các hộ nuôi, xã hỗ trợ cấp con giống 2 con/hộ, tương đương 3 triệu đồng/hộ. Đến nay, toàn bản Yên Đình có 13 hộ nuôi theo mô hình dự án mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, bình quân mỗi hộ 3 - 5 con nái. Xuất phát từ hiệu quả chương trình dự án, hiện trên 70% đồng bào dân tộc Thái (800/1.450 hộ dân) trong 9/13 bản của toàn xã Chi Khê đang duy trì chăn nuôi lợn nái đen sinh sản. Nhà nào cũng nuôi từ 2-3 con lợn nái đen. Xã đang có kế hoạch mở rộng việc hỗ trợ, xây dựng mô hình nuôi lợn nái đen sinh sản sang bản Tổng Chai.
Cũng theo ông Lô Hồng Minh, mô hình nuôi lợn nái đen sinh sản thực sự là hướng phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả bền vững nhất. Tuy nhiên hiện nay, bà con đang gặp khó trong vấn đề mở rộng quy mô nuôi. Bên cạnh vấn đề con giống đắt (bình quân gần 2 triệu/con nái) thì vấn đề xử lý chất thải môi trường hiện rất khó khăn. Lâu nay, bà con đều tự xử lý chất thải ra môi trường bằng các hố tự tràn, nên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống dân cư. Hơn nữa, do tập quán chăn nuôi truyền thống nên nhiều hộ không tiêm phòng, ít vệ sinh chuồng trại, trong khi việc mua bán hàng hóa diễn ra ngày càng mạnh, rất dễ nảy sinh nguy cơ phát tán vi khuẩn gây dịch bệnh cho đàn lợn và tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi.
Bài, ảnh: Mai Sơn