Nuôi ong mật bạc hà kiếm bạc tỉ trên cao nguyên đá
Nghề nuôi ong lấy mật từ hoa bạc hà đã có từ lâu ở Đồng Văn cũng như các huyện miền núi của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, người nuôi chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy trình hợp lý nên sản lượng và chất lượng sản phẩm rất thấp.
4.000 đàn ong… thu 3,5 tỉ đồng
Mỗi gia đình người Mông trên vùng cao nguyên Đồng Văn, từ nhiều đời nay đều có một vài đàn ong nhà nuôi lấy mật làm thuốc và làm bánh vào các dịp tết, lễ hội, cúng bái...
Ong ở đây chủ yếu lấy mật từ cây bạc hà núi, sinh sống trong tự nhiên (loại cây chỉ mọc ở các núi đá vùng cao, nở hoa vào từ tháng 9 đến cuối năm âm lịch) nên mật và phấn của nhụy hoa cho mùi vị rất riêng biệt). Loại mật ong này được chiết xuất nguyên chất, nên từ lâu mật ong bạc hà Đồng Văn đã trở thành một thứ đặc sản quý.
Vài năm gần đây, Đồng Văn ngày càng phát triển, thu hút nhiều du khách khắp nơi và mật ong bạc hà thường là món quà vùng cao độc đáo và hấp dẫn, với giá hiện nay khoảng 300.000/lít đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào nơi đây.
Cán bộ giảng viên của Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong Việt Nam đang hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc đàn ong mật ở Đồng Văn. |
Ông Nguyễn Đức Tính - Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn - cho biết: “Hiện tại toàn huyện có khoảng 4.000 đàn ong, bình quân mỗi đàn cho 3 lít mật/năm, tổng sản lượng toàn huyện đạt 12.000 lít (tương đương với 18 tấn mật) với giá trị khoảng hơn 3,5 tỉ đồng mỗi năm”.
Với những điều kiện được thiên nhiên ưu đãi, nhưng nghề nuôi ong ở Đồng Văn vẫn chưa phát triển so với tiềm năng và đánh mất cơ hội phát triển trong nhiều năm nay.
Thấy rõ hạn chế này, từ tháng 9.2013 (thời điểm chuẩn bị bước vào vụ thu mật ong 2013 - 2014), UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong Việt Nam mở 17 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong với 462 học viên tại các cụm xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhằm đào tạo nghề, giúp cho bà con là các chủ hộ nuôi ong nắm bắt các tiến bộ khoa học đối với mô hình này.
Các giảng viên đều là những người có kinh nghiệm nuôi ong mật, trực tiếp truyền đạt những nội dung chủ yếu và quan trọng như kỹ thuật lựa chọn ong giống, kỹ thuật tạo ong chúa, phân chia đàn ong, những bệnh thường gặp ở ong nuôi…
Cơ hội thoát nghèo
Đầu năm nay, huyện Đồng Văn đã hỗ trợ cho các học viên đã được đào tạo 200.000 đồng/đàn ong, để bà con có điều kiện nhân rộng và chuẩn bị cho mùa thu hoạch 2014.
Tiến sĩ Lê Quang Trung - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong Việt Nam - cho biết: “Với đề án nhân rộng và phát triển đàn ong mật năm 2013, huyện Đồng Văn tin tưởng sẽ nâng cao sản lượng mỗi đàn lên 6 lít/năm. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội để số lượng đàn ong của huyện tăng nhanh, đồng thời người dân có thể thoát nghèo nhờ nghề truyền thống này”.
Gia đình anh Hoàng Thanh Đô (tổ 4, thị trấn Đồng Văn) đến với nghề nuôi ong từ truyền thống của gia đình và niềm đam mê đặc biệt đối với loài côn trùng cánh mỏng này.
Tận dụng khu vực xung quanh nhà có nhiều đồi núi, rộng rãi thuận lợi, anh Đô phát triển đàn ong thường xuyên ở mức 60 đàn, thời điểm bước vào vụ thu mật năm nay, anh đã nhân lên thành 120 đàn. Nhờ có kinh nghiệm nuôi nên mỗi thùng anh để tới 8 đến 10 cầu ong, mỗi thùng ong của anh cho thu tới 10 lít mật. Với giá bán 300.000/lít mật ngay tại nhà, vụ thu hoạch ong bạc hà, gia đình anh Đô thu trên 200 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí đầu tư.
Theo Kinhtenongthon