Nuôi trâu “đổi chữ”
(Baonghean) - Những ngày đầu năm học mới, nhiều hộ nông dân xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) lại rủ nhau dắt trâu đi bán, để có tiền cho con cháu vào giảng đường.
Là một trong những hộ đông con của xã, điều khiến ông Vi Văn Thủy ở bản Piếng Điếm tự hào là 4 người con của ông đều được học hành tại các trường đại học, cao đẳng. Ông Thủy cho biết, mọi chi phí học hành của con cái đều dựa vào tiền bán trâu. Năm 2001, trong khi những người khác chỉ biết ở nhà lo mài dao, sắm rựa, dắt trâu vào rừng kiếm gỗ thì ông Thủy đã biết nuôi trâu dành tiền cho con đi học. “Năm đó, đứa con đầu nhà tôi vừa học xong THPT huyện, thấy đám bạn lên rừng làm gỗ có tiền tiêu cứ nằng nặc đòi ở nhà đi rừng. Tôi khuyên nhủ nó phải học để có nghề nghiệp ổn định. Nhờ bán trâu cho con đi học, giờ nó đã thành cán bộ huyện rồi đấy”.
Ông Vi Văn Thủy đang chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Từ đó, cứ lần lượt đứa lớn ra trường thì đứa bé hơn tiếp bước, hơn 10 năm nay, lúc nào nhà ông cũng có người đi học. Chị Vi Thị Hồng hiện đang công tác tại Kho bạc Nhà nước huyện Quỳ Châu, 2 chị em Vi Thị Hà và Vi Thị Thìn cùng ở Học viện Tài chính (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, Hà được nhận công tác tại Hà Nội, Thìn công tác tại huyện nhà. Hiện, ông đang lo cho cậu út Vi Văn Khiêm theo học tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Chỉ tay về phía đàn trâu đang ăn cỏ, ông Thủy cho biết thêm: “Ngày xưa, nhà tôi nổi tiếng nuôi nhiều trâu, thế mà bây giờ chỉ còn 8 con. Tôi phải để dành đầu tư cho thằng út ăn học. Để con được đi học, có công việc ổn định, dù có bán hết trâu tôi cũng không tiếc”.
Ở bản Na Pa, gia đình ông Lim Văn Sơn cũng nổi tiếng về việc cho con đi học. Nhà ông có 2 người con đều đang học tại Trường Đại học Vinh và Đại học sư phạm Huế. Ông Sơn nuôi khá nhiều bò. Tuy không có giá trị lớn bằng trâu, bù lại bò dễ nuôi và đẻ nhiều hơn. Từ khi các con đi học đến nay gia đình ông đã bán 5 con bò.
Là một trong những xã vùng sâu của huyện Quỳ Châu, đời sống nhân dân phụ thuộc vào nghề nông, việc nuôi trâu, bò dành tiền cho con học chữ, học nghề trở nên phổ biến ở xã Châu Phong. Từ đây, giấc mơ đại học của học sinh nghèo trong xã đã thành hiện thực.
Ông Lang Thái Loan, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Châu Phong cho biết: “Hàng năm, xã có khoảng 5 - 6 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều em theo học tại các trường dạy nghề khắp cả nước. Để con cái được học chữ, học nghề, hầu hết các hộ đều nuôi trâu, bò. Hơn nữa, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng vào cuộc, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vay vốn. Nhờ vậy, phong trào thi đua học tập trong xã Châu Phong ngày càng phát triển”.
Trần Ngọc Lan