“Nút thắt” về giá điện từ lâu nay đã được tháo gỡ

17/04/2011 18:46

Từ ngày 1/6/2011, giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Với quyết định này, “nút thắt” về giá điện từ bấy lâu nay đã được tháo gỡ vì nó giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giải được bài toán giá điện, giải quyết được căn bản những nguyên nhân tồn tại như thu hút vốn đầu tư, thiếu điện, tổn thất, lãng phí điện năng, giải phóng mặt bằng, sự chậm trễ trong đầu tư các dự án điện.

Ảnh minh họa: Hà Thái/TTXVN

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã từng nhấn mạnh việc điều chỉnh giá điện theo hướng thị trường là tạo điều kiện đưa ngành điện vào cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chủ động tính toán để thay đổi công nghệ, cách thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Có thể khẳng định giá điện Việt Nam đã từng bao cấp cho cả xã hội, kể cả người giàu và thấp hơn nhiều so với những nước có GDP bằng hoặc thấp hơn Việt Nam. Riêng giai đoạn 2000-2010, sản lượng điện sinh hoạt chiếm 40,48% điện thương phẩm, trong đó, lượng điện sinh hoạt được trợ giá cho người dùng điện chiếm tới 69%, tương đương 28% điện thương phẩm. Điều này cũng dễ hiểu khi việc sử dụng điện ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, địa phương còn lãng phí ở quy mô lớn (ước tính từ 15-20%, tương đương từ 1.500-2.800 MW/năm).

Bên cạnh đó, giá điện ở Việt Nam hiện nay tăng thấp hơn nhiều so với các loại nhiên liệu khác trên thị trường như than, củi, khí, gas nên nhiều hộ gia đình đã chuyển sang dùng điện thay thế trong đun nấu, sinh hoạt, góp phần làm phụ tải gia tăng đột biến, nhất là vào giờ cao điểm.

Trên thực tế, gía điện hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá thành phát điện bằng các nguồn than, khí, dầu, mua điện bên ngoài, nhập khẩu điện, làm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư khác không tạo ra được lợi nhuận đủ để đáp ứng tái đầu tư mở rộng hệ thống điện. Do đó, cũng dễ hiểu khi từ năm 2003 đến nay, chúng ta không có thêm dự án BOT nào lớn của nước ngoài đầu tư vào ngành điện .

EVN cho biết tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn này hàng năm chỉ đạt khoảng 1-2%. Riêng năm 2010, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tập đoàn này đã huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu có giá thành cao hơn nhiều so với giá bán điện để cung ứng điện cho xã hội nên khiến cho cân đối tài chính của EVN gặp khó khăn rất lớn.

Theo tính toán của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), với giá bán điện bình quân tăng ở mức 15,28% như đã điều chỉnh từ ngày 1/3 vừa qua, năm 2011, EVN tiếp tục chịu lỗ thêm 3.366 tỷ đồng, đưa tổng mức nợ treo lại sau khi tăng giá điện là 41.851 tỷ đồng. Trong số này, chi phí vận hành bảo dưỡng và chi phí công suất của Nhà máy điện Cà Mau các năm 2008-2009 là 720 tỷ đồng; chi phí tăng thêm do phát điện giá cao năm 2010 là 8.596 tỷ đồng; phân bổ chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 về trước là 1.282 tỷ đồng; phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện 738 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá của tổng dư nợ ngoại tệ đến ngày 11/2/2011 là 25.508 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá là 3.366 tỷ đồng và tổng chi phí lãi vay cho vay vốn lưu động mua dầu phát điện mùa khô 2011 là 970 tỷ đồng.

Mặt khác, do các thiết bị điện chính của Việt Nam hầu hết phải nhập khẩu bằng ngoại tệ, nên mặc dù giá điện có được điều chỉnh tăng nhưng nếu tính theo giá ngoại tệ thì lại có xu hướng giảm đi do trượt giá của đồng Việt Nam.

Các chuyên gia năng lượng cũng nhận định tranh thủ sử dụng điện giá thấp của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như sản xuất sắt, thép, ximăng... đang đem đến công nghệ lạc hậu tiêu thụ điện cao.

Nói theo cách khác, với chính sách giá điện như hiện nay, Việt Nam đang trợ giá cho người nước ngoài. Giá điện thấp cũng không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao. Hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/GDP ở Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và theo chiều hướng tăng (năm 2006 là 1,75; 2008 là 2,02; 2009 là 2,42 và 2010 là 2,0).

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc cải cách ngành điện đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng theo hướng cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và hiệu quả. Ngành điện là ngành thu hút vốn đầu tư lớn nhất trong các ngành kinh tế quốc dân, do đó, cải cách ngành điện phải giải quyết được khâu đầu tư, vốn, trả nợ và giá điện; bảo đảm cung cấp điện đầy đủ và ổn định chứ không lấy thị trường, cạnh tranh làm mục tiêu.

“Chúng ta đã mạnh dạn thực hiện cơ chế giá xăng dầu theo giá thị trường và bước đầu đã thành công. Nếu chúng ta không thực hiện thị trường hóa về giá năng lượng, thì sẽ không cách gì có đủ năng lượng cho quốc gia,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Như vậy cùng với việc giá điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường kể từ ngày 1/6 tới đây, công tác xây dựng, vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và tái cơ cấu hoạt động sẽ là những nhiệm vụ lớn của ngành điện cần phải làm trong thời gian tới./.


Theo TTXVN/Vietnam+

Mới nhất
x
“Nút thắt” về giá điện từ lâu nay đã được tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO