Ở một ngôi trường giàu thành tích
(Baonghean.vn) - Nói về đất học Đô Lương, không ai không biết đến các em Nguyễn Tất Nghĩa - hai lần đoạt Huy chương vàng...
(Baonghean.vn) - Nói về đất học Đô Lương, không ai không biết đến các em Nguyễn Tất Nghĩa - hai lần đoạt Huy chương vàng Olimpic Vật lý Châu Á; Tăng Văn Bình – thủ khoa duy nhất đạt 3 điểm 10 kì thi vào đại học; Nguyễn Duy Hải - chàng “phụ hồ” đậu thủ khoa Đại học Ngoại thương… Thế nhưng, ít ai biết rằng Đô Lương còn có một ngôi trường mà 12 năm liên tục dẫn đầu toàn tỉnh về số học sinh giỏi tỉnh và học sinh giỏi quốc gia. Ngôi trường mang tên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Đô Lương…
Đợi thầy giáo Phạm Đình Bưởi - Hiệu trưởng Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Đô Lương trong căn phòng truyền thống của nhà trường, tôi được chứng kiến những thành tích của trường: Huân chương Lao động hạng 3; Cờ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo tặng… và rất nhiều bằng khen của UBND huyện. Đón tôi với ánh mắt vui mừng, thầy Bưởi còn “khoe” thêm hai bằng khen mà thầy mới nhận được sáng nay đó là bằng khen của tỉnh cho Chi bộ trường với thành tích 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, bằng khen dành cho người Bí thư chi bộ đạt tiêu chuẩn “Bí thư cấp ủy cơ sở giỏi”.
Nói về đào tạo ngành giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục thường xuyên chung, nhiều người lắc đầu bởi nhiều năm qua chất lượng học sinh ở những trung tâm này thường không cao. Với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Đô Lương, việc tuyển sinh còn khó khăn hơn, khi trường nằm ở giữa hai ngôi trường: Trường Đô Lương 1 – một trong những ngôi trường cấp 3 giàu truyền thống nhất cả tỉnh và Trường bán công Đô Lương, nơi thu hút số học sinh điểm kế cận. Trên thực tế học sinh vào trường này nhiều năm nay “thường là những học sinh “vét” cuối cùng trong mỗi kì thi tuyển sinh vào cấp 3 của huyện, vì thế phần lớn trình độ non, ý chí cực kì kém, nhiều em còn có tư tưởng mặc cảm - thầy Bưởi thắng thắn nói.
Với đầu vào thấp, 2/3 là học sinh nam nên để vực phong trào học tập, đưa các em vào quy củ, nhà trường xác định phải lấy việc giáo dục đạo đức tư cách làm yếu tố ban đầu. Mục đích là để đưa các em từ ý thức kém vào khuôn khổ, từ nhận thức vô cảm thành có cảm thức, từ nhận thức sai chuyển thành đúng. Và quả thực, có lẽ chưa có một trường cấp 3 nào như ở Trung tâm giáo dục huyện Đô Lương khi mà việc quản lý học sinh được thực hiện ngay từ cổng trường. Nhà trường quy định, học sinh vào trường phải đeo phù hiệu, không được nhuộm tóc, không được sơn móng tay, không được mang theo điện thoại di động vào lớp học...
Việc thực hiện quy chế, học quy chế được triển khai đồng thời cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên toàn trường. Đánh giá năng lực và trả lương cho giáo viên cũng được thông qua chất lượng học sinh của từng lớp học, những giáo viên có nhiều học sinh giỏi, học sinh đậu đại học được khen thưởng công khai, kịp thời. Trường xây dựng quy chế đánh giá cho điểm 1 tiết dạy học trên lớp. Yêu cầu giáo viên phản ánh được tất cả các hoạt động dạy - học, chỉ rõ được những ưu điểm, nhược điểm của thầy trò trong 1 tiết dạy-học, ghi được tên cụ thể học viên vi phạm quy chế trong giờ học.v.v.v... Hàng tuần tổng hợp thông báo lên bảng và làm căn cứ chỉ tiêu xếp loại thi đua của năm học.
Học sinh trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương tham gia Hội thi Thanh niên Nghệ An với An toàn giao thông.
Nhà trường xây dựng hai phòng thi dùng để làm phòng kiểm tra cho tất cả các lớp. Mỗi bài kiểm tra, từ môn chính đến môn phụ sẽ được tổ chức ở phòng này, các phòng được đánh số báo danh, thi theo đề chẵn lẻ như một kì thi thực thụ. Với những đổi mới này, cô giáo Thái Thị Mai Hương cho rằng: đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong nhà trường, đặt ra thách thức buộc mỗi giáo viên phải tự cố gắng, tự đổi mới, tự có ý thức trách nhiệm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.
Cũng chính bởi áp dụng hình thức này từ năm 2000 nên đến năm 2006, khi cả nước triển khai cuộc vận động “2 không” về “nói không với bệnh thành tích trong thi cử” tỷ lệ đậu tốt nghiệp của trường vẫn lên đến hơn 40%, đứng đầu tỉnh, trong khi đó tại một số trung tâm giáo dục thường xuyên khác tỷ lệ chỉ là 0 – 5%. Riêng về học sinh giỏi, 14 năm trở lại đây, 14 lần Trung tâm cử học sinh dự thi học sinh giỏi tỉnh thì có 12 năm liên tục xếp thứ nhất tỷ lệ đậu học sinh giỏi ngành học GDTX (cả chất lượng và số lượng giải). Đặc biệt trong 4 năm học (từ năm học 2008-2009 đến năm học 2011-2012 ) tất cả học sinh trong đội tuyển của tỉnh ngành học GDTX đi thi HSG Quốc gia về giải toán trên máy tính Casiô, đều là học sinh của Trung tâm GDTX Đô Lương. Kết quả của 4 kỳ thi, trung tâm GDTX Đô Lương đã có 12 em được công nhận HSG Quốc gia về giải toán trên máy tính Casiô. Trong đó có 4 giải nhì (Huy chương Bạc), 4 giải ba (Huy chương Đồng) và 4 giải KK. Đặc biệt có những gương học sinh đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, trở thành những học sinh xuất sắc như em Lê Văn Ái (ở xã Thuận Sơn, Đô Lương) đậu giải nhì Quốc gia về giải toán trên máy tính Casiô, giải nhất HSG tỉnh môn toán, giải nhì HSG tỉnh môn Vật lý và thi đậu 2 trường đại học: Học viện quân sự và Trường Đại học Y Thái Bình;em Trần Văn Huy (ở xã Thuận Sơn, Đô Lương,học lớp 12A), đoạt giải nhì HSG Quốc gia về giải toán trên máy tính Casiô, đạt 2 giải nhất HSG tỉnh môn toán và môn hoá học.
Với phương châm “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề”, trong hơn 45 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đô Lương đã đào tạo được hàng nghìn học sinh, phối hợp với Phòng Giáo dục và các xã thị xây dựng một phong trào học tập, chuyển giao công nghệ thông qua các trung tâm học tập cộng đồng... Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho đất nước. Sự nghiệp trồng người đó, đặt trong hoàn cảnh khó khăn chung của hệ thống Giáo dục thường xuyên mới càng thấy có ý nghĩa !..
Mỹ Hà