Ô nhiễm môi trường từ các làng nghề
(Baonghean) - Một trong những yếu tố làm ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh ta là hoạt động của các làng nghề.
Phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) là địa phương có làng nghề truyền thống chế biến nước mắm, ruốc, tôm nõn, phơi khô và hấp sấy cá, tép rất phát triển. Vào làng nghề, bên cạnh mùi nước mắm, ruốc dậy lên vị mặn mòi của biển thì còn bốc lên mùi hôi thối do nước thải của làng nghề đổ vào mương thoát nước, nhất là khu vực sát bãi biển, đoạn cuối con mương đổ thẳng ra biển.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (khối 8) cho biết: “Lượng rác và nước thải trong làng đổ vào con mương hàng ngày rất lớn, mỗi ngày có đến hàng nghìn khối nước thải sinh hoạt lẫn nước thải của hộ làm nghề chế biến trong xã chưa qua xử lý đổ cả về đây. Mưa một trận thì nước bẩn, rác thải chảy tràn vào nhà các hộ dân ở cuối mương, nắng lên thì mùi bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân. Mong các cấp, các ngành quan tâm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nghi Thủy để người dân an tâm sinh sống”.
Làng nghề mộc Tây Hồ gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.
Không chỉ ở loại hình làng nghề chế biến thủy hải sản mới gây ô nhiễm, làng nghề làm mộc tưởng chừng ít gây ô nhiễm, nhưng thực tế cũng đang gây ô nhiễm ở mức độ khá cao về tiếng ồn, bụi, hơi dung môi. Có mặt tại làng mộc dân dụng Tây Hồ (Thị trấn Nam Đàn), điều cảm nhận đầu tiên là tiếng ồn phát sinh từ các máy xẻ gỗ, máy cưa, máy tiện, máy bào, máy phun sơn… ầm ĩ. Cùng với tiếng ồn là bụi từ các xưởng mộc bay tận ra đường, đó còn là nồng độ dung môi hữu cơ tại các bộ phận phun sơn hoàn thiện sản phẩm… Ông Phan Công Thanh – Trưởng làng nghề mộc dân dụng Tây Hồ cho biết: “Hiện tại làng nghề có 16 xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng với 29 hộ kinh doanh. Làng nghề được hình thành mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, thủ công dạng hộ, xen trong khu dân cư nên ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người dân trong làng”.
Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn Nghệ An có 384 làng có nghề (chiếm gần 60% tổng số làng trên địa bàn), 102 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, gồm các loại hình như: dệt thổ cẩm, mây tre đan, thêu ren móc sợi, ươm tơ, dệt sợi, chế biến nông sản, chế biến thuỷ hải sản... Nhìn chung, các làng nghề có công nghệ lạc hậu, chủ yếu phân tán, xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc, hoặc gần các đô thị, dọc theo bờ sông hay gần đường giao thông, dẫn đến chưa bố trí hệ thống xử lý chất thải. Chất thải hầu như không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, nước và đất, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng trong các làng nghề.
Từ thực trạng đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm của các làng nghề; Sở Xây dựng quy hoạch khu, cụm công nghiệp làng nghề để di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Cùng với đó là xây dựng quy chế làm việc, quy chế vệ sinh môi trường chung trong làng nghề; phổ biến và khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật xử ly ô nhiễm để cải thiện môi trường lao động, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cho lao động trong các làng nghề truyền thống.
Minh Chi