Ô tô dùng tiếng còi quá to sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng

28/05/2011 17:07

Từ 30.6, người điều khiển ô tô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng. Vấn đề là việc xử phạt liệu có khả thi?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 33 sửa đổi một số điều của Nghị định 34 về xử lý vi phạm giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 30.6. Một trong những quy định của NĐ là người điều khiển ô tô không đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, cần gạt nước, gương chiếu hậu... sẽ bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng. Đặc biệt, người điều khiển ô tô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng.

Người điều khiển ô tô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định
sẽ bị phạt

Chiều 26.5, thượng tá Trần Sơn, Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67) Bộ Công an, cho biết: “Trong 23 hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Giao thông đường bộ, thì việc sử dụng còi hơi trái quy định được coi là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội. Nó gây tiếng ồn quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân ở dọc hai bên đường. Chúng tôi được biết trên thực tế đã có những vụ việc do sử dụng còi hơi có âm lượng lớn gây ra những tai nạn thương tâm cho người đi đường”.

Xử phạt không khó

Còi xe âm lượng bao nhiêu là đúng?

Theo ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm VN, theo quy định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, độ ồn của còi xe được quy định nằm trong ngưỡng từ 65 đến 120 decibel (dB). Các phương tiện cơ giới nếu có còi trên hoặc dưới ngưỡng nói trên đều là vi phạm quy định.

Thượng tá Sơn thừa nhận trong thời gian vừa qua việc xử lý hành vi lắp còi hơi trái quy định tại các địa phương không được nhiều bởi lực lượng chức năng đang gặp không ít khó khăn. “Thứ nhất là những chiếc xe sử dụng loại còi hơi trái quy định lưu thông trên đường chứ không đứng yên một chỗ, hơn nữa người điều khiển những phương tiện này không bao giờ bấm còi trước mặt CSGT nên rất khó phát hiện, xử lý. Thứ hai, quan trọng nhất là khi phát hiện vi phạm, CSGT không đủ phương tiện thiết bị để đo, việc xử lý phải tuân theo các chứng cứ, số liệu cụ thể chứ không phải bằng cảm quan”, thượng tá Sơn cho hay.

Về giải pháp, thượng tá Sơn cho biết C67 sẽ có các kế hoạch phối hợp với Cục Đăng kiểm, Tổng cục Đường bộ VN cũng như chỉ đạo CSGT các địa phương phối hợp với Sở GTVT - là đơn vị có sẵn thiết bị để đo âm thanh còi hơi - tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm về hành vi này.

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 26.5, ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT), cho rằng việc xử lý phương tiện có còi phát ra tiếng ồn quá to không quá khó. Vì theo tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất thì có rất ít loại ô tô trang bị còi hơi, nhưng tại VN đa số chủ phương tiện lắp thêm. Mặt khác, hiện nay thiết bị đo tiếng ồn bán trên thị trường có giá chỉ vài trăm USD nên lực lượng CSGT hoàn toàn có thể mua sắm để xử lý mà không nhất thiết phải phối hợp cùng đăng kiểm.

Theo Thanh niên

Mới nhất
x
Ô tô dùng tiếng còi quá to sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO