Ông chủ lò gạch người Nghệ trên đất Lào

04/06/2013 11:04

Giữa đất Viêng Chăn (Lào) có một chủ doanh nghiệp người dân tộc Thái duy nhất về sản xuất gạch tuynel được người dân Lào yêu mến vì đã tạo việc làm ổn định cho họ. Vốn xuất thân từ huyện miền núi rẻo cao đặc biệt khó khăn của Nghệ An, ông là một tấm gương quyết chí làm giàu.

(Baonghean) - Giữa đất Viêng Chăn (Lào) có một chủ doanh nghiệp người dân tộc Thái duy nhất về sản xuất gạch tuynel được người dân Lào yêu mến vì đã tạo việc làm ổn định cho họ. Vốn xuất thân từ huyện miền núi rẻo cao đặc biệt khó khăn của Nghệ An, ông là một tấm gương quyết chí làm giàu.

Nhà máy gạch tuynel mang tên Vi -la -cô –na có công suất 30 triệu viên/năm, bà con người Lào bản Phôn- khọ (Phone kho), huyện Xay- tha- ni (Saythani), Thủ đô Viêng- chăn (Vientiane) thường gọi là nhà máy gạch Việt. Giám đốc là ông Vi Văn Xúc, quê ở Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Sau hơn 20 năm lăn lộn với thị trường Lào, cách đây 2 năm, ông quyết định gây dựng nhà máy gạch tuynel này. Ông đã đề xuất với Công ty cổ phần Đầu tư Hợp tác Việt- Lào Nghệ An, đầu tư hơn 2 triệu đô la Mỹ phục hồi lại nhà máy mà chủ trước đã phải từ bỏ vì thiếu nhân lực. Dù mới chỉ gần 2 năm hoạt động, nhà máy đã được hồi sinh. Ông Kongchai- Bản Phoneko huyện Saythani cho biết: “Tôi là người chở thuê gạch cho nhà máy này, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng tôi đều ở đây. Mỗi ngày tôi chở được một đến hai chuyến, có ngày thì nhiều hơn. Việc làm có hàng ngày và có thu nhập ổn định, trước tôi cứ lo mua được ô tô rồi thì phải làm gì để kiếm tiền, nay tôi rất yên tâm và gắn bó với nhà máy gạch này”.



Đoàn công tác Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và lãnh đạo các huyện miền núi Nghệ An thăm một phân xưởng của nhà máy gạch Tuy nel Vi-la-cô-na Vientiane

Luật Lao động của Lào quy định các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải cơ cấu 70% lao động là người địa phương của Lào. Tuy nhiên, tâm lý lao động người dân ở đây vốn không ổn định, những lúc lễ, tết họ có thể tự động bỏ việc bất cứ lúc nào. Điều cốt lõi mà ông Vi Văn Xúc nhận ra, đó là, muốn nhà máy hoạt động tốt thì phải duy trì lực lượng lao động. Nắm được tập quán, thói quen của bà con, ông đã chủ động biến nhà máy mình thành chợ lao động. Bà con các bản xung quanh có thể đến nhận việc theo giờ hoặc theo ngày và thanh toán ngay sau khi bàn giao sản phẩm.

Với cách làm này, nhà máy gạch của ông Xúc không bao giờ thiếu lao động, người dân cũng luôn có việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra, ông Vi Văn Xúc còn đưa được hơn 3 chục công nhân là con em các dân tộc thiểu số của 2 huyện vùng cao tỉnh Nghệ An là Tương Dương và Kỳ Sơn sang làm việc. Ông lấy lực lượng này làm nòng cốt cho sự tồn tại của nhà máy và chính họ là những lao động có tay nghề kỹ thuật cao và gắn bó với công ty. Đến nay sản lượng gạch của nhà máy đạt 20 triệu sản phẩm và sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Đến thăm nhà máy gạch của ông chủ vùng cao, ông Lương Quang Kình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Tôi rất phấn khởi vì có một doanh nghiệp người dân tộc thiểu số, anh Vi Văn Xúc, trưởng thành từ phong trào phát triển kinh tế huyện miền núi Kỳ Sơn, vươn tới hoạt động trên đất Lào. Anh có phương pháp sử dụng lao động rất linh hoạt, rất nhân văn và đem lại thu nhập bình quân cho người lao động từ 4 triệu rưỡi đến 5 triệu đồng. Với đà đó, anh đang vươn tới cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác để trở thành doanh nghiệp có sản phẩm hàng đầu trên đất Lào”.

Bên cạnh tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhà máy còn quan hệ tốt với địa phương, chấp hành tốt pháp luật của Lào, góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào. Trong thời gian tới, trên phần đất 5 héc ta của mình, nhà máy sẽ xây dựng khu nhà điều hành và ký túc cho công nhân đàng hoàng khang trang hơn.


Quốc Khánh (VOV/ Vientiane)

Mới nhất
x
Ông chủ lò gạch người Nghệ trên đất Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO