Ông đồ duy nhất là "bảo tàng sống" về chủ quyền Hoàng Sa
Tròn 80 - ở độ tuổi lẽ ra nghỉ ngơi phận già, thế nhưng nghệ nhân Võ Hiển Đạt ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn cần mẫn sưu tầm tư liệu chủ quyền lãnh hải, góp phần bảo tồn di tích Hải đội Hoàng Sa cho đời sau.
Thuở nhỏ, lúc còn là cậu bé tóc còn để chỏm, ông Đạt được cha đưa đến các bậc cao niên ở trên đảo Lý Sơn học chữ Hán. Những con chữ thâm thúy tự bao giờ đã cuốn hút, đeo đuổi mãi đến khi có vợ rồi có con, ông vẫn tiếp tục mày mò, nghiên cứu học tập để bây giờ trở thành ông đồ duy nhất ở huyện đảo Lý Sơn. Người dân trên đảo hay trìu mến hay gọi ông Đạt là "ông Đồ Hoàng Sa".
Nghệ nhân Võ Hiển Đạt đang phục dựng khinh thuyền Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín
Ở huyện đảo Lý Sơn có hàng chục đền chùa, đình làng, lăng, miếu được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó hơn một nửa di tích liên quan trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biết ông giỏi Nho học, mỗi lần trùng tu đình làng hay nhà thờ hay hệ thống ngôi nhà cổ, các tộc họ thường mời ông Đạt giúp chạm khắc, tạc chữ "thổi hồn" cho di tích. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người lại đến nhà xin ông chữ để cầu mong phúc, lộc cho gia đình mình.
Ông Võ Văn Út, hậu duệ đời thứ 4 của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở thôn Tây, xã An Vĩnh, bộc bạch: " Từ lâu, người dân trên đảo kính mến cụ Đạt như người thầy, người cha. Ai nhờ việc gì cũng tận tụy giúp đỡ hết sức không một chút đắn đo, suy nghĩ. Cụ có công rất lớn trong việc tu sửa, khôi phục, gìn giữ di tích của Hải đội Hoàng Sa trên đất đảo suốt nhiều năm qua".
Ông Đạt còn nhớ như in, vào khoảng năm 1945, trong một lần tộc họ Nguyễn mời vẽ lại đôi liễn đối tại nhà thờ họ Nguyễn ở xã An Hải, ông đã phát hiện mô hình chiếc thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa vẽ trên giấy bản khổ lớn đã ố màu thời gian được tộc họ này cất giữ lâu năm. Ngay lập tức, ông xin phép tộc họ cho ghi chép tỉ mỉ hình dáng, kích thước, chất liệu để làm nên khinh thuyền Hoàng Sa này. Từ bản vẽ này, suốt hai tháng ròng rã, ông Đạt chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm vật liệu trên đảo và một số địa phương ven biển ở đất liền, phục chế lại chiếc thuyền buồm của ông cha ra biển Đông năm xưa.
Dù tuổi đã tròn 80 nhưng ông Đạt vẫn thuộc lòng, tỉ mỉ liệt kê hàng trăm chi tiết để làm nên chiếc thuyền câu khơi hay còn gọi là Khinh thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa. Từ năm 1990 đến nay, ông đã phục dựng nhiều khinh thuyền Hoàng Sa phục vụ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho các tộc họ; trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi và ở Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa.
Bà Đặng Thị Lãnh- vợ ông Đạt kể: "Tuổi ổng đã cao rồi nhưng mỗi lần nghe tui khuyên nghỉ ngơi kẻo ảnh hưởng sức khỏe là ổng la rầy, nói rằng: Bà con có việc nhờ đến mình, không giúp thì lòng không chịu được. Tết, tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm là khoảng thời gian ổng bận rộn nhất".
Đến thăm Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, nhiều du khách lấy làm kinh ngạc những dòng chữ Hán do ông Đạt góp sức chạm khắc tinh xảo trên quần thể tượng đài đội hùng binh.
Nhiều bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn từng ví ông Đạt là “bảo tàng sống” của quê hương Hải đội Hoàng Sa, bởi ngoài vốn chữ Hán uyên thâm ông còn phát hiện nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
Những lúc thư nhàn, ông phiên dịch rồi viết tay cả cuốn Kinh Thi, tự soạn "Gia lễ tổng hợp" (liễn đối, hoành phi, tang tế, hôn lễ..) dày hơn 500 trang. Sáng tác nhiều câu liễn đối có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân đội hùng binh Hoàng Sa được các tộc họ mời chạm khắc trên đình làng, nhà thờ họ như là "thông điệp" lưu lại cho đời sau.
Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận định: “Cụ Đạt có công rất lớn trong việc tái hiện, phục dựng lại khinh thuyền Hoàng Sa. Ngoài ra, ông còn góp phần trùng tu, gìn giữ nét văn hóa biển đặc trưng ở Lý Sơn; phát hiện, dịch nhiều tài liệu quý liên quan chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa".
Theo ông Vũ, Sở Văn hóa đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ông Đạt là một trong 2 nghệ nhân văn hóa dân gian của Quảng Ngãi.
Theo Express