Ông "đồ gàn" "đổi mới"

30/01/2014 09:35

(Baonghean) - Hà Nội chớm vào Xuân, gió bấc vẫn căm căm. Chúng tôi tìm về khu tập thể Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gặp Giáo sư Cao Cự Bội, chuyên gia hàng đầu về kinh tế vĩ mô. Còn gì thú hơn khi được nghe chuyện đời, chuyện nghề ông kể. Một "đồ Nghệ" gàn có "thương hiệu" đã có mặt trong nhóm tiên phong "phất cờ đổi mới" từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Ông "đồ Nghệ" làm kinh tế vĩ mô

Giáo sư Cao Cự Bội sinh năm Bính Tý 1936, quê cha ở làng Xuân Viên xưa, nay là xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, quê mẹ ở làng Phi Cam, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Xa quê, đi nhiều nơi, nhiều nước, đứng ở nhiều giảng đường, hướng dẫn nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, ngồi nhiều ghế hội đồng liên quan đến sự học, nhưng nghĩ về làng quê, ông vẫn nhớ và vẫn cảm thấy lý thú, kỳ lạ về những người làng ông dù đói ăn, thiếu mặc nhưng hầu như ai cũng biết và có thể võ vẽ dăm ba câu tiếng Hán, tiếng Pháp, tức là “biết ngoại ngữ”, ai cũng có thể dùng ca dao, tục ngữ, đọc Kiều trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Người xứ Nghệ theo như nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh nhận xét, thì tuy với một cuộc sống “nghèo khó nhưng không hề hèn kém”. Đó chính là những bậc nấc căn bản để tạc khắc khí chất rất Nghệ nơi ông.

Giáo sư Cao Cự Bội. Ảnh:  Ngô Kiên
Giáo sư Cao Cự Bội. Ảnh:  Ngô Kiên

Tính cách, căn cốt xứ Nghệ đã lặn sâu trong ông đến nỗi, qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, ông vẫn mang danh là người "ăn nói lạ lùng" đối với nhiều vấn đề mang tính "quốc kế dân sinh". Đi khắp nhiều phương, hội nhập cùng nhiều quan điểm, thế mà cứ lẳng lặng một tính cách đồ "gàn", nhưng là thứ "gàn" đã được chắt lọc, bồi đắp nên cống hiến cho đời không ít điều đáng tri ân. Cũng lạ, từ đất quê Diễn Châu nghèo, quẩn quanh kiếm được hạt lúa, củ khoai ấm lòng tháng Ba, ngày Tám đã khó mà rồi nghiệp "vận" vào ông hay ngược lại để khiến năm 17 tuổi, ông xa quê cắp sách học một nghề "trên mây": ngoại hối. Cái nghề vốn dĩ đã xa lạ với lối truyền thụ đa phần thủ cựu, quanh quẩn Hán nôm ở xứ đồng quê cỗi cằn nhưng lắm đam mê sự học. Làm “một lèo” qua Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn, Nghệ An, đậu lại Ngân hàng Trung ương, ông vẫn mang nguyên chất đồ Nghệ mà "chễm chệ" nơi lĩnh vực của những khái niệm về tiền tệ, thặng dư, lạm phát đầy mơ hồ. Nghề học đã mang đầy tính khái niệm, định tính, nơi góp mặt thi thố lại là chốn kinh kỳ "ngựa xe như nước" thế mà vẫn tạo dựng, khẳng định một tiếng nói riêng cho mình, âu cũng là tấm gương về sự học.

Từ khi được Ngân hàng Trung ương cử về học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1960, rồi được giữ lại để giảng dạy, nghiên cứu, làm nghiên cứu sinh, tu nghiệp sinh cao cấp về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, cũng từ đó mà ông trở thành người tham gia tư vấn tích cực về các lĩnh vực chuyên ngành mà ông dày công nghiên cứu. Từ đây, giữa biết bao "rồng tàng, hổ phục", ông lẳng lặng thu nhận, lắng nghe xôn xao những bước chuyển mình đổi gió của thời cuộc bằng đôi tai ông đồ Nghệ bảo thủ, nhưng lại phân tích bằng đầu óc của một kẻ sỹ biết ưu thời, mẫn thế để điềm đạm đưa ra những ý tưởng có sức nặng khó lay chuyển. Câu chuyện "phất cờ đổi mới" những năm đó chỉ là một ví dụ như vậy.

Trở lại câu chuyện này, dường như trong tâm khảm vị giáo sư kinh tế học đáng kính vẫn chưa hết niềm nhiệt huyết đến "cực đoan" một thời. Lý giải từ cực đoan, ông cười bảo: "Cũng là một định tính của "dân choa" đó". Bây giờ, nhắc đến thời kỳ Đổi mới ta thường nhắc đến “khoán 10”, tức muốn nói đến Nghị quyết 10/NQ- TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nhưng “khoán 10” cũng mãi đến năm 5/4/1988 mới ban hành và đi vào thực hiện. Thế nhưng một trong những lĩnh vực tiên phong bung ra hoạt động theo cơ chế thị trường lại chính là lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản. Ngay từ trước 1986, một nhóm nghiên cứu đi khảo sát tình hình sản xuất thủy hải sản ở các tỉnh ven biển phía bắc đã nhận ra nhu cầu “xé rào” của ngư dân đã đẩy đến cao độ, và ông may mắn có mặt trong nhóm nghiên cứu đó. Nhóm nghiên cứu đã nhận ra sự tất yếu phải có cơ chế tự hạch toán đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, và kiên trì đề xuất thực hiện cơ chế để người dân tự chuyển đổi từ năm 1985 đến năm 1986 với phương châm là “lấy bờ nuôi biển, lấy biển nuôi bờ, không chờ nhà nước”.

Đề xuất này được chấp nhận và việc bung mở cơ chế kinh tế thị trường trong xuất khẩu thủy hải sản nhanh chóng giải được thế bí, cuốn phăng tất những nợ nần chồng chất, tháo gỡ được các khó khăn, đem lại hiệu quả kinh tế ngoài sức tưởng tượng. Các thành viên trong nhóm này tiếp tục được mời đi tư vấn cho các lĩnh vực khác, hoạt động khác, từ cụ thể đến vĩ mô, trở thành những người “phất cờ thị trường”, “phất cờ đổi mới”… Cũng cần nhắc lại rằng, thời điểm đó, những khái niệm về "đổi mới" vẫn là một điều gì đó khá "xa xỉ" trong tư duy làm ăn còn đầy bảo thủ và trì trệ. Bởi vậy, để bảo vệ được nó, phải cần đến sự cực đoan, nếu không nói là "gàn". Phải hiểu cái gàn ở đây không phải là thứ gàn dở thông thường mà là một hình thức đặc biệt để bao bọc nhân phẩm, để bảo vệ chính kiến. Để rồi qua đó, Giáo sư Cao Cự Bội được coi là một trong những người khởi xướng quá trình đổi mới hệ thống Tài chính - Tiền tệ ở Việt Nam với việc triển khai Hệ thống Ngân hàng hai cấp vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20.

Tư vấn cùng lúc cho hai nguyên thủ

Trên cương vị chủ nhiệm khoa Tài chính - ngân hàng - kế toán, chủ biên và đồng chủ biên của các giáo trình giải dạy chuyên ngành về kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế quốc dân, cùng với những kết quả tham gia nghiên cứu thực tiễn và đề xuất táo bạo đem đến thành công lớn ở cơ sở, Giáo sư Cao Cự Bội được tín nhiệm mời làm thành viên tổ tư vấn (giai đoạn 1988 -1990) cho đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 8/1988, một lần Giáo sư Cao Cự Bội được mời dự cuộc họp Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, đến phần giải bài toán chuyển đổi tài chính ai cũng căng thẳng. Giáo sư được mời phát biểu, ý kiến của ông lại càng làm cho những người tham dự căng thẳng hơn. Lúc ấy, với kiến thức, kinh nghiệm khảo cứu được trên thế giới và những nghiên cứu riêng của mình, ông đã chỉ ra chúng ta gặp khó trong chuyển đổi tài chính là do kinh tế chúng ta còn gặp khó khăn, vấn đề mấu chốt của ta lúc ấy là ta còn bị cấm vận và chưa giải được bài toán lạm phát phi mã. Việc có thể làm ngay bây giờ là giải quyết bài toán chống lạm phát bằng thực hiện lãi suất siêu cao. Nếu thực hiện biện pháp lãi suất siêu cao thì sẽ nhanh chóng hạ được lạm phát, đảm bảo ổn định để thực hiện chuyển đổi, nhưng sẽ gây tổn hại đến một số hoạt động, lĩnh vực, tổ chức kinh tế, đây có thể coi như là sử dụng thuốc trừ sâu. Tức là trừ được “sâu lạm phát” nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng, tổn thương nhất định đến “cơ thể”, “sức khỏe” của nền kinh tế.

Lúc ấy, đồng chí Đỗ Mười im lặng nghe nhưng chưa có ý kiến hay kết luận gì. Còn mọi người lo cho ông vì ông đã cả gan “ăn nói lạ lùng”. Bản thân ông thì thấy nhẹ nhõm vì phần nào đã nói ra được điều mình suy nghĩ. Ấy thế nhưng, đến tháng 4/1989 thì nhà nước ta cho thực hiện chính sách lãi suất siêu cao, tới 18%/năm. Với cách làm đó, kinh tế vĩ mô từng bước được ổn định, nước ta đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34,7% năm 1989, 14% năm 1992 mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Theo đó, một số nội dung khác về cơ cấu ngân sách, chuyển đổi ngân hàng, chính sách tài khóa… khi được yêu cầu có ý kiến ông đều có những tư vấn sắc sảo, đầy chính kiến, bản lĩnh. Có lần đồng chí Đỗ Mười gặp ông và chỉ tay nói vui rằng đây là “một người hay bày chuyện”.

Cũng trong năm 1988, Giáo sư Cao Cự Bội được Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản mời tư vấn về kinh tế vĩ mô. Nhận thấy điều kiện kinh tế - xã hội của Lào có nhiều đặc thù nên Giáo sư Cao Cự Bội có những tư vấn căn cứ theo bối cảnh riêng. Dấu ấn đậm nhất mà Chủ tịch Cay - xỏn “ái mộ” ông chính là việc ông đã tư vấn chuyển đổi thành công trong việc đưa hoạt động ngân hàng sang kinh tế thị trường theo hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại. Xét thấy đặc điểm của thị trường tài chính là đi theo vùng chứ không phải đi theo địa giới hành chính, theo chính quyền, nên lúc đó giáo sư đã tư vấn cho Lào thực hiện ngân hàng nhà nước theo vùng. Bên cạnh đó là những tư vấn cụ thể về xây dựng chế độ thuế khóa, ngân sách, cấu trúc ngân sách.

Nguyên chất “đồ gàn”

Mang "hành trang cuộc đời" trên 2 đầu đòn gánh, một phía là nặng trĩu chất "đồ Nghệ", bên còn lại là sách vở, kiến thức mới mẻ đã được chắt lọc, thẩm định bằng sự cẩn trọng của người làm công tác nghiên cứu, ông đã có nhiều ý tưởng, công trình mang tính đột phá, mới mẻ. Có thể nói về ông một cách hình ảnh, đó là một gốc cây mang cội rễ làng nhưng hoa lá được hưởng gió nhiều phương nên cho nhiều quả, chưa chắc đã ngọt lúc đầu, nhưng dư vị đọng lại về sau.

Một chuyện nghe qua tưởng nói đùa, đó là mặc dù Giáo sư Cao Cự Bội là chuyên gia đầu ngành về tài chính, đặc biệt là về tiền tệ, là Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước (1988-1989), lại là người soạn sách và đi dạy người ta làm kinh tế, kiếm tiền, thế nhưng mãi đến khi vợ giáo sư nghỉ hưu sớm từ quê nhà ra vay mượn, lo liệu xoay xở thì mới đủ tiền để mua căn nhà trong khu tập thể Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Có nghĩa là về kinh tế “nhà” thì ông “khoán thẳng” cho vợ lo.

Với Giáo sư Cao Cự Bội, trước sau ông vẫn chỉ nhận mình, coi mình là thầy giáo, và ông gắn với Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho đến khi về hưu, các công việc khác ông đều chỉ coi là kiêm nhiệm. Đã làm kiêm nhiệm, theo ông, muốn được là chính mình, nói đúng suy nghĩ của mình thì đừng màng đến danh lợi. Mặt khác, khi ra khỏi quê thì nghĩ đến giữ danh dự của quê. Khi bước lên bục giảng thì nghĩ đến giữ danh dự của người thầy. Khi làm việc ngoài nhà trường thì nghĩ đến giữ danh dự của trường. Khi ra nước ngoài thì nghĩ đến giữ danh dự quốc gia. Cứ thế vui vẻ làm, thoải mái suy nghĩ, không phải khuất phục trước bất cứ “uy vũ” nào.

Giáo sư Cao Cự Bội cho rằng ông đồ Nghệ được thiên hạ trọng dụng không hẳn chỉ vì tài, mà còn vì đức độ. Tài thì không riêng gì đồ Nghệ có tài, nhiều nơi cũng sản sinh ra lắm người tài, đại tài. Nhưng người ta trọng dụng ông đồ Nghệ hơn vì đồ Nghệ có đức độ và luôn biết giữ đức độ. Ông tâm sự, thế hệ ông chỉ có một điều đáng kể đó là tinh thần cống hiến, thậm chí là tận hiến. Để được tận hiến, thì phải không ngừng học, phải không ngừng nghiên cứu. Ông rất vui khi được người khác coi mình là ông đồ Nghệ, ông cũng thừa nhận ở bản thân mình có cái gàn của người Nghệ.

Ngô Kiên - Trần Hải

Mới nhất

x
Ông "đồ gàn" "đổi mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO