"Ông Kim Jong-un hủy thăm Nga vì vấn đề nội bộ của Triều Tiên"
Theo điện Kremlin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không tới Moscow dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II ngày 9/5 tới đây.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết: “Ông Kim Jong-un đã quyết định ở lại Bình Nhưỡng. Quyết định này liên quan tới vấn đề nội bộ của Triều Tiên”. Ông Peskov cũng phủ nhận tất cả tin đồn rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy bỏ chuyến thăm Nga do áp lực của các nước khác lên Bình Nhưỡng. “Điều này chắc chắn không phải là nguyên nhân”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ hủy chuyến thăm Nga vào phút chót (ảnh: KCNA) |
Trước đó, ông Kim Jong-un có kế hoạch thăm Nga nhân dịp kỷ niệm kết thúc Thế chiến II cùng với nhiều lãnh đạo các nước khác. Đây được cho là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông nắm quyền năm 2011.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã xác nhận sẽ tham dự các sự kiện này tại Moscow. Điều đó dẫn đến tin đồn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bên lề lễ tưởng niệm sự kiện kết thúc Thế chiến II. Ông Tập Cận Bình chưa có chuyến công du nào đến CHDCND Triều Tiên trong khi đã tới Hàn Quốc vào mùa hè năm ngoái. Ngược lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng chưa từng tới Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền.
Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc cũng không đến Nga dự lễ kỷ niệm. Trong dịp này, có khoảng 30 lãnh đạo nước ngoài sẽ tham dự sự kiện ở Nga, nhưng không phải tất cả đều dự cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ hôm 9/5. Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến chỉ tới Moscow vào ngày 10/5.
Trước quyết định “gây sốc” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un “hủy chuyến thăm Moscow vào phút chót”, chuyên gia Yang Moo-jin, Viện Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc) nhận định: “Hủy thăm Nga đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy cơ hội nâng cao hình ảnh của mình trước quốc tế, cũng như bỏ qua cơ hội gây áp lực với Hàn Quốc và Trung Quốc”.
Spunik dẫn lời ông Alexander Vorontsov - Trưởng ban Triều Tiên và Mông Cổ của Viện phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định: Có thể có những lý do bất khả kháng mà bên ngoài không biết như sức khoẻ chẳng hạn; tuy nhiên, gần đây không nhận thấy những khủng hoảng hay bất ổn ở Triều Tiên.
Independent ngày 30/4 dẫn thông tin từ Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS), trong 1 năm qua Triều Tiên đã xử tử 15 quan chức cấp cao trong đó có 2 thứ trưởng. Các nhà lập pháp cho hay cả hai quan chức này đều bị hành quyết do bất tuân mệnh lệnh hoặc phản đối chính sách của ông Kim Jong-un. “Vấn đề nội bộ của Bình Nhưỡng có thể là nguyên nhân khiến ông Kim phải hủy bỏ chuyến thăm Moscow”.
Gần nhất là tháng 3/2015, 4 thành viên của ban nhạc Unhasu của Triều Tiên đã bị xử tử về các cáo buộc làm gián điệp. Tháng 1/2015, một thứ trưởng Bộ lâm nghiệp đã bị xử tử vì phàn nàn về kế hoạch trồng rừng.
Trước đó, hồi cuối năm 2013, chính trường Triều Tiên đã chấn động khi người chú rể của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ông Jang Song Thaek, bất ngờ bị tước bỏ mọi quyền lực, chức vụ, bị bắt và xử tử một cách nhanh chóng vì những tội danh được báo giới Triều Tiên miêu tả là “không thể tha thứ”, đặc biệt là tội phản quốc.
Theo Reuters, kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, Kim Jong-un liên tục thay đổi phụ tá thân cận và quan chức cấp cao. Hồi đầu tháng 4, ông Hwang Pyong-so, phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, trở thành người quyền lực số hai Triều Tiên khi được đề bạt làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động cầm quyền của nước này.
NIS nhận định suốt 1 năm qua, ông Kim Jong-un đã áp dụng biện pháp mạnh tay nhằm bảo đảm kỷ cương và lòng trung thành. Theo truyền thông Hàn Quốc, trong năm 2014, một số quan chức cấp cao của Triều Tiên bị xử tử với tội danh phản bội tổ quốc, chống phá nhà nước, tham nhũng./.
Theo VOV