Ông Thuận "giao thông"
(Baonghean) - Gần 10 năm nay, ông Hoàng Văn Thuận, xóm 4 xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu lặng lẽ kẻ vẽ các biển báo giao thông trên những con đường làng. Việc làm ý nghĩa đó của ông góp phần đem lại bình yên cho xóm làng, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà…
Con đường làng xóm 4, Diễn Lợi quanh co khúc khuỷu dường như an toàn hơn nhiều vì những tấm biển thô sơ mộc mạc hay những dòng chữ đỏ được kẻ vẽ trên tường cảnh báo về an toàn giao thông của ông Hoàng Văn Thuận. Chúng tôi đến nhà khi ông đang đang nắn nót kẻ dòng chữ: “Kéo còi, ngã tư nguy hiểm!”, rồi vẽ thêm mũi tên hình ngã tư. Hóa ra đây là tấm biển báo giao thông cũ, chữ bị mờ được các em học sinh báo lại nên ông mang về kẻ vẽ cho rõ ràng.
Ông tâm sự: Lâu lâu phải đi kiểm tra để biết đoạn đường nào biển báo bị cây cối che khuất tầm nhìn để phát quang; biển nào bị xô lệch để sửa lại cho ngay ngắn; biển nào bị mờ để kẻ vẽ lại cho rõ ràng… Rứa mới đảm bảo an toàn giao thông cho người làng chớ?”. Đường làng quanh co, đan xen nhau, đường được thảm bê tông phẳng lỳ nên nhiều người phóng nhanh vượt ẩu rất dễ gây ra tai nạn, đau lòng lắm. Vì thế, năm 2004 ông Thuận ấp ủ ý định làm biển báo giao thông để cảnh báo tai nạn trên đường làng. Ông ngày đêm nghiên cứu luật giao thông, với vai trò là xóm trưởng, ông đưa vấn đề này bàn bạc trong chi bộ, khi được thống nhất ông tự mình kiếm nguyên liệu, mua sơn về kẻ vẽ biển báo. Hoặc đến từng gia đình vận động cho phép ông được kẻ vẽ trực tiếp lên tường. Ông cẩn thận làm mới lại tường rồi quét vôi trắng, vẽ sơn đỏ để chữ được nổi, bà con dễ nhìn, dễ hiểu nhất với mong mọi người tham gia giao thông an toàn kể cả trong đường làng, ngõ xóm.
Ông Thuận kẻ vẽ cảnh báo về an toàn giao thông. |
Để biển báo phát huy tác dụng, vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần ông tập hợp các thanh thiếu niên trong làng lại giải thích cặn kẽ từng biển báo. Thế nào là khúc cua cần giảm tốc độ, vì sao lại phải bấm chuông, kéo còi ở các ngã tư, ngã ba… Em Hoàng Thị Nhi, học sinh lớp 9B Trường THCS Diễn Lợi chia sẻ: “Nhờ có biển báo giao thông của bác Thuận nên chúng em ý thức được phải thực hiện tốt luật Giao thông đường bộ. Từ ngày có biển báo, chúng em đi lại thuận tiện hơn”.
Theo chân ông Thuận đi treo biển báo, công việc cũng không hề đơn giản với người gần 60 tuổi. Có điểm ông đóng cọc để treo biển, có điểm ông treo lên thân cây rồi dùng dây thép buộc lại chắc chắn, sau đó phát quang các cành cây xung quanh để tránh che khuất tầm nhìn. Treo xong biển với hộp sơn đỏ trên tay, ông lại đến các ngã ba, ngã tư để tô lại những câu chỉ dẫn cho rõ hơn. Những dòng chữ, ảnh vẽ mũi tên màu đỏ cảnh báo giao thông tại các ngã ba, ngã tư, đường giao nhau khiến người tham gia giao thông vững tâm hơn. Khi đi đến những đoạn đường có biển báo, người dân trong làng đều có ý thức đi lại từ tốn hơn và chấp hành nghiêm những biển báo, câu khẩu hiệu mà ông Thuận đã kẻ, vẽ. Dân trong làng bảo từ ngày có vài chục tấm biển báo thô sơ của ông Thuận trên các đường làng, tai nạn giao thông đã giảm hẳn. Bà Hoàng Thị Xuân, người dân ở đây cho biết: “Ông Thuận nghĩ ra ý tưởng ni, bà con ủng hộ lắm”.
Như một thói quen, mọi người khi bắt đầu đến cổng làng xóm 4 sẽ ngước lên đọc biển báo của ông Thuận: Chuẩn bị vào đường hẹp thì gặp ngay biển “Rất nguy hiểm, đừng vượt ẩu”,“Phải đội mũ bảo hiểm trước khi lên xe”. Khi gần đến ngã tư cổng làng nhiều xe, người qua lại lại thấy biển “Cảnh giác ngã tư nguy hiểm, đừng phóng nhanh”, “An toàn cho bạn”… và nhắc mình chậm tay lái.
Ông Tạ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi cho biết: Hiện nay tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến đường nông thôn đang rất báo động. Việc làm của ông Thuận là một sáng kiến hay cho an toàn giao thông nông thôn bởi hiện nay các cấp chính quyền còn thiếu sự quan tâm cho hệ thống biển báo vùng nông thôn. Một người luôn nghĩ đến sự an toàn cho bà con làng xóm như ông Thuận thật đáng trân trọng.
Mai Giang