Phá án từ khám nghiệm hiện trường
(Baonghean) - Mỗi vụ án khác nhau, dấu vết để lại hiện trường cũng có sự phức tạp khác nhau. Nhiều vụ, dấu vết để lại rất ít khiến công tác điều tra, phá án gặp nhiều khó khăn. Thế nên, việc giải mã, bắt các dấu vết này “lên tiếng” đòi hỏi những người lính kỹ thuật hình sự phải sớm có mặt tại hiện trường để tổ chức khám nghiệm, thu thập dấu vết...
Giải mã dấu vết...
Chúng tôi có mặt tại Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh đúng vào thời điểm tổ công tác của Đội Khám nghiệm hiện trường do Trung tá Phan Văn Nhung làm tổ trưởng vừa từ hiện trường một vụ án trở về. Không để chúng tôi đợi lâu, Trung tá Nhung bắt đầu câu chuyện bằng nụ cười thân thiện.
Anh cho biết: Đã là lính kỹ thuật hình sự thì việc sớm giải mã các dấu vết, tài liệu thu được tại hiện trường sẽ giúp công tác điều tra, truy xét đối tượng gây án được tiến hành nhanh chóng, bởi vậy nhận lệnh là lên đường, bất kể điều kiện thời tiết, ngày hay đêm, địa bàn nào.
" Với địa bàn rộng, nhiều vụ án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, thời gian phát hiện muộn, dấu vết, tang vật đều không còn nguyên vẹn. Chưa nói đến trường hợp, để che dấu hành vi phạm tội, có khi tử thi đã bị chôn lấp... Vì vậy công tác khám nghiệm để phát hiện, thu thập các dấu vết tang vật vụ án gặp rất nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm, Đội Khám nghiệm hiện trường trực tiếp xử lý trên 300 vụ việc. Trong đó nhiều nhất là những vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, giết người...''
CBCS phòng kỹ thuật hình sự thực hiện giám định ma túy. Ảnh: Minh Khôi |
Gần 20 năm công tác, Trung tá Nhung cũng không thể thống kê bản thân đã tham gia điều tra bao nhiêu vụ việc, song anh khẳng định khám nghiệm hiện trường là một công đoạn quan trọng trong quá trình tiền điều tra, được bắt đầu ngay sau khi có vụ việc xảy ra.Từ kết quả khám nghiệm hiện trường có thể giúp nhận định có hay không dấu hiệu tội phạm, làm cơ sở ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án và căn cứ để chứng minh tội phạm cho quá trình điều tra sau này. Do đó, phương châm trong khám nghiệm là “khẩn trương, thận trọng, khách quan, tỉ mỉ, chính xác, toàn diện”.
Vừa lật lại hồ sơ các vụ án, Trung tá Nhung cho biết: Trong các vụ tai nạn giao thông, hiện trường được xem như chìa khóa để giải mã bản chất vụ việc. Bởi không ít vụ, đối tượng sau khi gây tai nạn giao thông tìm cách xóa dấu vết hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra. Một số đối tượng thoái thác, đùn đẩy không nhận trách nhiệm khi cho rằng bản thân không có lỗi, không điều khiển phương tiện phạm luật…
Trong những vụ việc đó, chỉ có khám nghiệm hiện trường, thông qua dấu vết, vật chứng để lại là cơ sở để xác định lỗi của người gây tai nạn. Đơn cử như với các vụ tai nạn giao thông liên hoàn, các giám định viên phải tiến hành xác định dấu vết va chạm đầu tiên, các dấu vết va chạm tiếp theo trên các phương tiện, từ đó đưa ra căn cứ khoa học giúp cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, khách quan, chính xác vụ việc.
Trung bình hàng năm, lực lượng kỹ thuật hình sự tổ chức khám nghiệm hiện trường từ 250 - 350 vụ việc và từ 150 - 250 tử thi; giám định từ 1.300 - 1.700 vụ việc, với hàng nghìn yêu cầu khác nhau, trong đó tập trung nhiều ở giám định pháp y, giám định ma túy, giám định hóa, cháy nổ.
Về lĩnh vực giám định cháy, nổ, với các giám định viên, điểm xuất phát cháy chính là “chìa khóa vàng” trong điều tra vụ việc. Như vụ nổ lớn tại địa chỉ số 5, đường Trần Phú, phường Lê Mao, TP Vinh trong năm 2018. Sau khi nhận được yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, xác định đây là vụ nổ gây hậu quả rất lớn, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, đội khám nghiệm hiện trường đã nhanh chóng có mặt để tiến hành khám nghiệm.
Tại đây, nhiều vật dụng đã bị cháy, sập đổ… khiến công tác khám nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm các giám định viên đã tỉ mẩn truy tìm dấu vết trong cái nóng hầm hập của đám cháy. Theo đó, nhanh chóng xác định rõ nguyên nhân là do khí gas bị rò rỉ ở khu vực nhà bếp, trộn lẫn với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp nổ, gặp nguồn nhiệt trong môi trường tương đối kín dẫn đến phát nổ.
... Truy tìm sự thật
Cùng với khám nghiệm hiện trường, công tác giám định pháp y là công việc nhiều khó khăn, gian khổ, độc hại, với nhiều ràng buộc, định kiến xã hội. Theo Thiếu tá Trần Văn Hải - Đội trưởng Đội Giám định pháp y, với đặc thù công việc phải trực tiếp giải phẫu tử thi để tìm những manh mối tội ác còn lưu lại trên cơ thể nạn nhân, xác định nguyên nhân gây ra cái chết. Trung bình mỗi năm anh phải tham gia giải phẫu trên 200 tử thi, có ngày phải tiếp xúc tới 2-3 tử thi nên không dám về nhà.
CBCS phòng kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường một vụ án xảy ra tại địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: Xuân Bắc |
Nhớ lại vụ án giết người làm 1 nam thanh niên chết tại bãi cỏ trong công viên Cửa Nam thuộc địa phận khối 6B, phường Cửa Nam, TP Vinh trong năm 2018, Thiếu tá Hải cho biết, sau khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan CSĐT, đội đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Lúc này trên thi thể nam thanh niên có nhiều vết thương. Đội đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và đưa ra nhận định đây là 1 vụ giết người cướp tài sản.
Đối tượng đã dùng các viên gạch có tại hiện trường để thực hiện hành vi phạm tội. Từ kết quả khám nghiệm và dấu vết thu được tại hiện trường, chúng tôi đã phối hợp với Viện Khoa học Hình sự tiến hành giám định các mẫu vật có liên quan, giúp cơ quan CSĐT định hướng đúng quá trình điều tra, làm rõ vụ án và bắt giữ thành công đối tượng gây án là Nguyễn Đình Lực (SN 1991) trú tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Thiếu tá Hải, đó là vụ việc đơn giản, còn đối với những tử thi chết giữa rừng, chết lâu ngày, đã bị phân hủy thì việc tìm ra nguyên nhân tử vong đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều. “Lúc mới vào nghề, lần đầu tiên thấy xác chết, nhất là những thi thể đã trương phình và bốc mùi hôi thối, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tuy nhiên, qua nhiều vụ án thì cảm giác đó không còn, mà thay vào đó là trách nhiệm của một điều tra viên phải cẩn trọng, tỉ mỉ để tìm ra dấu vết giúp làm sáng tỏ vụ án”, Thiếu tá Hải cho biết.
Có thể nói, tận tụy là yêu cầu đòi hỏi ở mọi lĩnh vực công tác nhưng tận tụy đối với công tác khám nghiệm hiện trường còn đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn. Bên cạnh đó, công việc khám nghiệm hiện trường còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Bởi nhiều tử thi khi được phát hiện đã trong quá trình phân hủy, trong đó có những đối tượng nghiện ma túy, có HIV. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là những người trực tiếp làm công tác khám nghiệm có nguy cơ bị lây nhiễm.
Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng kỹ thuật hình sự vẫn miệt mài với công việc “bới lông tìm vết”. Những đóng góp thầm lặng của họ, chính là chìa khóa để giải mã cho nhiều vụ án, phục vụ đắc lực công tác điều tra, phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn.