Phà Diễn Quảng những năm đánh Mỹ
(Baonghean) - Phà Diễn Quảng nằm trên trục đường 205 nối Tỉnh lộ 49 với Quốc lộ 7 chạy qua các xã Đô Thành (Yên Thành) Diễn Tháp, Diễn Xuân, Diễn Hạnh và Diễn Quảng (Diễn Châu). Đây là con đường chiến lược, "con đường máu" trong suốt 10 năm đánh Mỹ, đặc biệt là giai đoạn 1968-1972). Phà nối hai bờ sông Bùng đoạn qua hai xã Diễn Hạnh và Diễn Quảng.
Từ sau Mậu Thân 1968, giặc Mỹ tăng cường leo thang đánh phá dữ dội miền Bắc, nhất là từ vĩ tuyến 20 trở vào. Chúng phát hiện ra con đường chiến lược này đang thay thế có hiệu quả Quốc lộ 1 làm nhiệm vụ trung chuyển... Vì vậy, sau khi phá huỷ được các cây cầu trên Quốc lộ như cầu Bùng, cầu Diễn Thành, chúng quay sang đánh đoạn đường ở đây, tập trung vào các điểm như: cầu Đô Thành, cầu Hiệu Thượng và đặc biệt là bến phà Diễn Quảng nhằm cắt đứt bằng được mạch máu giao thông của ta.
Yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, hàng chiến lược ngày càng nhiều. Đêm đêm, suốt từ 5 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trên đoạn đường dài gần 1km từ cổng nhà thờ Công giáo xứ Nghi Lộc đến bến phà phía Bắc, hàng trăm xe tải chở bộ đội, khí tài quân sự kể cả các loại pháo lớn nối đuôi nhau xuống phà. Một đại đội công binh, một đại đội TNXP và các trung đội dân quân địa phương hai xã Diễn Hạnh và Diễn Quảng luôn có mặt cả 24 giờ trong ngày làm nhiệm vụ cảnh giới, bốc dỡ hàng hoá, cất giấu, nguỵ trang hàng, san lấp hố bom, rà phá bom nổ chậm và băng bó cứu chữa tai nạn. Để bảo vệ phà và các chuyến xe qua lại, phía bên này sông, trên cánh đồng làng Viên Lộc và phía bên kia trên cánh đồng Diễn Phúc đều có các trận địa pháo phòng không gồm súng lớn, súng nhỏ và cả súng trường của cả ba thứ quân (chủ lực, địa phương và dân quân) phối hợp. Không thể tính hết được số trận thử lửa của cả hai bên và cũng khó có thể đếm xuể được số bom đạn giặc đã trút xuống hai bờ sông và khu dân cư của các xã Diễn Xuân, Diễn Hạnh, Diễn Quảng và Diễn Phúc. Ngày cũng như đêm không lúc nào vắng tiếng bom rơi đạn nổ.
Bầu trời trong mắt pháo. Ảnh: Đình Thái
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người, xe và vũ khí qua lại, 400 hầm chữ A và hàng trăm hố cá nhân dọc đường chiến lược trên địa bàn riêng một xã Diễn Hạnh nối liền với cả hệ thống giao thông hào của cả khu vực đã được xây dựng kiên cố vừa đảm bảo chiến đấu phục vụ chiến đấu, vừa phòng tránh thương vong là công sức của hàng vạn ngày công của nhân dân ở đây. Tuy vậy, vẫn không tránh khỏi những tổn thất. Điển hình là trận bom trúng vào Kho hậu cần Quân đội phá huỷ hoàn toàn kho tàng hàng hoá, làm hai chiến sĩ bảo vệ kho hi sinh và ba dân thường khác.
Năm 1968, các địa phương đã bố trí cho các cụ già và trẻ em sơ tán lên các xã vùng phía Tây huyện nhưng chiến tranh càng lan rộng không còn chỗ nào là an toàn nên các xã đành phải tổ chức cho nhân dân che lều cho các cụ và các cháu ở tạm ngoài các cánh đồng xa làng, xa đường chiến lược... Tuy thế, giặc Mỹ vẫn theo tận ra đồng để sát hại nhân dân. Đó là trận bom tháng 5-1972, tại khu sơ tán ở đồng đất Bông của làng Hiệu Thượng và khu sơ tán ở đồng Phủ làng Tú Mỹ làm hàng chục người (phần lớn là cụ già và trẻ em) thương vong. Bởi thế, về sau dân cũng chẳng cần đi sơ tán đâu cả, đào ngay hầm trong nhà, sinh hoạt ăn ngủ đều ở dưới lòng địa đạo.
Nhà cửa hai bên trục đường hầu hết là kho chứa lương thực, thực phẩm. Hàng đêm nay chuyển đi, hàng khác đêm mai lại tới. Có khi trời sáng, chuyển vào nhà dân không kịp, đành phải dỡ tạm để ngay bên vệ đường, nhân dân tự động chặt cây, lá vườn nhà ra nguỵ trang lại. Bom bỏ nát mặt đường, nhân dân cũng tự động đem ván, gỗ - kể cả gỗ chuẩn bị làm nhà, gỗ trên nhà dỡ xuống đem ra ghép lại cho xe qua! Khẩu hiệu: "Xe chưa qua, nhà không tiếc" xuất hiện từ đấy. Một điều bây giờ có thể nói là rất lạ nhưng lúc đó lại là sự thật: Hàng hoá trong nhà dân, thậm chí để ngoài đường đêm này qua ngày khác chất cao như núi nào gạo, nào lương khô, nào đường, nào sữa, thuốc chữa bệnh..., thế mà tuyệt nhiên không mất mát một thứ gì. Ai cũng bảo ăn của đó là có tội với Tổ quốc với nhân dân". Khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" lúc bấy giờ thật thiêng liêng và hiệu quả biết bao! Một cử chỉ hết sức cảm động nữa của nhân dân địa phương: Một lần có hai ô tô chở đầy gạo đang qua phà vào lúc sáng sớm, phà vừa ra đến giữa sông, bất ngờ 4 chiếc máy bay địch lao tới ném bom loạn xạ. Xe và gạo đổ hết xuống lòng sông. Ngay tối hôm đó, TNXP, dân quân nam, nữ đã nhào xuống vớt gạo. Gần chục tấn gạo được vớt một buổi tối là xong nhưng vì ngâm trong nước gần một ngày trời nên ướt và nát hết. Nhân dân đã chia nhau mang về hong, phơi để lại ăn và đổi gạo ngon chở ra tiền tuyến.
Tổng kết chiến tranh, giặc Mỹ đã gây ra cho nhân dân vùng phà Diễn Quảng là rất lớn. Ngoài số người chết và bị thương (cả dân và bộ đội, gần 50 người), hàng trăm ngôi nhà bị phá huỷ, đồng ruộng xơ xác và sâu thẳm hố bom. Làng Đông Kiều của Diễn Quảng, làng Tả Khê, làng Tây Mỹ và một nửa làng Hiệu Thượng bị xoá sạch nhưng đổi lại, ta đã thắng lợi một cách oanh liệt. Độc lập tự do được giữ vững. Mỹ đã mất ở đây 5 máy bay các loại, trong đó có một chiếc bị lão dân quân xã Diễn Phúc bắn rơi. Nhân dân vùng quanh phà Diễn Quảng tự hào đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào thắng lợi chung của dân tộc, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
Trần Nhật Hợi