Phá vỡ nhóm lợi ích trong hoạt động khai khoáng: Những gợi mở cho Nghệ An

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT 17/12/2023 09:00

(Baonghean.vn) - Một trong những lĩnh vực yếu kém nhất hiện nay ở nước ta là quản lý khai khoáng, không xác định được khối lượng khai thác từ đâu và bao nhiêu. Hiện nay, nhiều nước công nghiệp đã có quy trình quản lý bằng công nghệ đảm bảo chính xác, bền vững cả về môi trường và xã hội.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, kể cả ở vùng núi phía Tây, vùng nước sông, hồ, biển. Bài báo này muốn đăng đầu tiên trên Báo Nghệ An như một gợi ý quản lý, từ đó lan tỏa ra cả nước.

Untitled.png
Thời gian qua, Báo Nghệ An đăng tải nhiều bài viết liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại một số địa phương trong tỉnh. Ảnh chụp màn hình bài báo.

Từ phía “Kinh tế học” (Economics), nói ra thì rất nhiều nội dung, nhưng tựu trung thì chỉ là môn khoa học nghiên cứu cách thức xã hội quản lý để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm của trái đất phục vụ sự sống của loài người.

Kể từ năm 1992, cộng đồng quốc tế đã đặt ra nguyên tắc khai thác tài nguyên thiên nhiên phải bảo đảm bền vững xã hội và môi trường. Từ đó, công nghệ là công cụ đắc lực để tìm ra những giải pháp tối ưu cho kinh tế học.

Khoáng sản thường nằm sâu trong lòng đất, lòng sông, lòng biển, ít khi lộ thiên. Sự mập mờ do khoáng sản bị che lấp luôn tạo nên cơ hội không kiểm soát được khối lượng đã khai thác, khai thác ngoài vùng cho phép và không bảo vệ môi trường cũng như công bằng xã hội. Doanh nghiệp được phép khai thác luôn tìm thủ thuật để lấy được nhiều tài nguyên nhất và chi cho bảo vệ môi trường, xã hội ít nhất để lợi nhuận thu được cao nhất. Tài nguyên lấy được nhiều hơn khối lượng cho phép gây thiệt hại nguồn thu của Nhà nước, chi phí bảo vệ môi trường ít nhất làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư trong vùng có khoáng sản, và lợi ích chảy hết vào túi doanh nghiệp có quyền khai thác. Quản lý khai khoáng hiện nay ở ta rất lạc hậu, không đạt yêu cầu đặt ra.

FotoJet.jpg
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hiệu quả việc quản lý khai thác khoáng sản bằng công nghệ Drone. Ảnh: Internet

Giám sát bằng công nghệ để loại bỏ nạn “cát tặc”

Tôi lấy nạn khai thác cát sông để xem xét như một ví dụ điển hình. Báo chí vẫn quen dùng thuật ngữ “cát tặc” để ám chỉ “nạn trộm cắp cát sông”. Sự thực, cách cấu tạo thuật ngữ như vậy chưa đúng đắn vì từ “cát” là từ Nôm, mà “tặc” là từ Hán Việt. Nếu dùng chữ Nôm thì thuật ngữ phải là “giặc cát”, mà dùng chữ Hán Việt thì phải là “sa tặc”. Tôi muốn giải thích rõ để khỏi bị ai đó chê trách là viết mà không hiểu, nhưng “cát tặc” lại dễ hiểu và đã quen dùng.

Hiện nay, cung vật liệu xây dựng cát sông không đáp ứng đủ cầu ngày càng cao, cho cả chôn lấp và xây dựng. Giá cả cát sông ngày càng cao, và nạn “cát tặc” hoành hành khắp nơi. Trước đây, nhiều trường hợp khai thác trộm không có giấy phép, nhưng nay đã giảm đi nhiều do trách nhiệm quản lý được nâng cao hơn, gắn với sự tham gia phát hiện của người dân.

“Cát tặc” được ngụy trang dưới dạng có giấy phép nhưng khai thác ngoài khu vực được phép và khai thác nhiều hơn khối lượng cho phép. Hệ thống quản lý không giám sát được thực tế khai thác, gây ra hậu quả tiêu cực đối với hệ sinh thái dòng sông, có thể làm sạt lở bờ sông, dòng sông biến đổi làm ảnh hưởng đến sinh cảnh và tác động xấu lên cuộc sống của các cộng đồng cư dân sống dựa vào sông. Doanh nghiệp khai thác chỉ muốn hút được nhiều cát nhất, và không nghĩ gì tới bất cứ hậu quả nào! Các mỏ cát sông thường nằm sâu dưới mặt nước, khó quản lý, kiểm soát và giám sát bằng mắt thường. Việc khai thác dạng trộm cắp cát từ đó mà lan rộng, miễn là xin được một giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công an huyện Thanh Chương bắt quả tang 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam, đoạn qua xã Thanh Giang.jpg
Công an huyện Thanh Chương bắt quả tang 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam, đoạn qua xã Thanh Giang. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Ở các nước khác, người ta đã giải quyết khá tốt cả 3 vấn đề: Một là khoanh định chính xác vùng được phép khai thác, hai là xác định được khối lượng khai thác hàng ngày, và ba là dự báo được tác động của việc khai thác lên hệ sinh thái dòng sông. Xác định vùng khai thác cát được xử lý bằng hệ thống phao nổi trên mặt nước mà mỗi phao có gắn chíp định vị toàn cầu GPS (như trong điện thoại thông minh hiện nay).

Từ đây, tọa độ mỗi phao được xác định và kết nối với trung tâm giám sát. Xà lan chuyên chở cát đã khai thác được gắn với hộp đen giám sát hành trình, cũng được kết nối với trung tâm giám sát. Như vậy, mọi tham số của quá trình khai thác được ghi nhận minh bạch tại trung tâm giám sát.

Trên khu vực khai thác cát, một hệ thống camera quan trắc được lắp đặt để ghi nhận mọi hoạt động. Tất cả các trang thiết bị giám sát đều thuộc hạng mục đầu tư của doanh nghiệp khai thác, có nguồn từ lợi ích thu được. Hơn nữa, hệ thống giám sát như vậy có thể dựng lại được mô hình vùng khai thác cát để đánh giá được các tác động của khai thác lên hệ sinh thái dòng sông, dự báo được các hậu quả có thể xảy ra.

Có thể áp dụng cho mọi quá trình khai khoáng

Như phần mở đầu đã giới thiệu, đặc trưng chung của khai khoáng là mọi loại khoáng sản hầu hết đều ẩn giấu trong lòng đất hay lòng nước sông, hồ, biển. Quản lý việc khai thác khoáng sản nào cũng phải giải quyết 3 vấn đề đã nêu ra trong khai thác cát:

(1) khoanh định trên mặt đất hay mặt nước phạm vi cho phép khai thác; (2) theo dõi và ghi nhận khối lượng khoáng sản đã khai thác; (3) bảo vệ, đánh giá tác động vào hệ sinh thái trong quá trình khai thác, và phục hồi hệ sinh thái sau khi đã kết thúc khai thác.

Sự khác nhau trong khai thác giữa các loại khoáng sản chỉ là biện pháp khai thác và tuyển quặng, dẫn đến các giải pháp khác nhau trong đánh giá tác động và hoàn nguyên đối với hệ sinh thái tự nhiên.

Một-khu-vực-mỏ-khoáng-sản-trên-địa-bàn-huyện-Quỳ-Hợp.-Ảnh-Nhật-Lân.jpg
Một khu vực mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Nhật Lân.

Như vậy, vấn đề chủ yếu trong áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát khai thác các loại khoáng sản khác nhau lại rất giống nhau. Thứ nhất là áp dụng công nghệ định vị toàn cầu với các bộ cảm biến nhỏ để xác định tọa độ vùng khai thác, trên đất liền là các cọc mốc và trên mặt nước là các phao ghim vào các cọc mốc ở đáy nước. Thứ hai là quá trình vận chuyển khối lượng quặng đã khai thác được giám sát bằng các hộp đen giám sát hành trình gắn vào các phương tiện vận tải. Thứ ba là hệ thống camera giám sát khu vực khai thác để đánh giá tác động và đặt yêu cầu hoàn nguyên sau khai thác đối với hệ sinh thái tự nhiên. Tất cả hệ thống được kết nối trực tuyến (online) theo thời gian thực (real-time) với trung tâm giám sát.

Công nghệ giám sát khai thác như vậy phải do chính những doanh nghiệp được quyền khai thác đầu tư, chứ không phải là đầu tư công từ ngân sách nhà nước. Làm được hệ thống giám sát như vậy là tạo cơ sở kỹ thuật chắc chắn để đảm bảo hệ thống khai khoáng bền vững và đủ điều kiện giải quyết bài toán chia sẻ lợi ích công bằng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên giữa Nhà nước, doanh nghiệp khai thác và cư dân vùng có khoáng sản. Ai cũng vui!

Quy trình giám sát khai thác tài nguyên thiên nhiên bằng công nghệ thông tin nói trên hoàn toàn đảm bảo tính khả thi trong hoàn cảnh công nghệ nước ta hiện nay. Từ đó, các doanh nghiệp dựa vào cầu trên thị trường để cân nhắc tài nguyên nào có thể khai thác ngay và tài nguyên nào cần chờ đợi giải pháp chế biến rẻ hơn mới khai thác.

Khi công nghệ phục vụ quản lý sẽ góp phần phá vỡ được các nhóm lợi ích giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, rõ ràng là giải pháp cho vấn đề này không chỉ thuộc phạm vi công nghệ, mà còn thuộc phạm vi lựa chọn con người.

Mới nhất

x
Phá vỡ nhóm lợi ích trong hoạt động khai khoáng: Những gợi mở cho Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO