Phải biết xấu hổ vì tham nhũng
(Baonghean) - Cách đây vài ngày, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Tổ chức, cán bộ phải biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”. Nghe đến xót xa nhưng quả thật, nước ta đang bị quốc tế xếp là một trong những quốc gia tham nhũng cao. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ của ta, hình như “dây thần kinh xấu hổ” bị… đơ.
Chỉ có thể là “đơ” thì cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinalines Dương Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm khi được nói lời cuối cùng mà vẫn nhoẻn miệng đọc… thơ. Dù rằng, trước đó ít phút, bị cáo này bị công tố viên đề nghị mức án tử hình vì tội tham ô và cố ý làm trái trong vụ mua ụ nổi U 83M nổi tiếng. Cách đây vài ngày, theo báo chí phản ánh thì tại phiên tòa phúc thẩm, đối diện với án tử hình mà nụ cười của Dương Chí Dũng vẫn “thường trực” trên gương mặt ông ta. Người ta đem chuyện này ra “bình” đủ kiểu nhưng nói gì thì nói, đó là thái độ trơ trẽn! Các ông “đã bị lộ” thì thế, còn các vị “chưa bị lộ” thì vô cảm với dân đến lạ lùng. Ở một huyện vùng cao của tỉnh ta có 3 xã thuộc vùng sâu, vùng xa với trên 80% số hộ nghèo nhưng cả 3 ông chủ tịch xã đều sắm xe con để “vi vu”. Mặc cho dân bản xì xào, họ cứ kệ!
Hèn chi, cách đây vài năm, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khuyên cán bộ thành phố này là phải “tập xấu hổ”. Chao ôi! Đến xấu hổ mà cán bộ ta cũng phải tập?
Trong khi đó ở nước ngoài, như Hàn Quốc chẳng hạn. Cách đây vài năm, tổng thống nước này lúc đó là ông Lee Myung - Back lên truyền hình xin lỗi người dân. Lý do là ông có người anh trai dính đến tham nhũng. Còn trước đó, năm 2008, ông RohMoo - hyun vừa mãn nhiệm tổng thống nước này đã nhảy núi tự sát. Nguyên do, ông Roh bị cơ quan thẩm quyền nghi nhận hối lộ hàng triệu đô la từ một doanh nhân giàu có. Trong thư tuyệt mệnh, ông viết: “Tôi cảm thấy xấu hổ trước dân chúng. Tôi xin lỗi đã làm mọi người thất vọng”! Đặc biệt, trong vụ chìm phà Sewol tại Hàn Quốc mới đây, ngày 27/4/2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong - Won đã tuyên bố xin từ chức để nhận trách nhiệm về mình, làm cho hơn 300 người thiệt mạng.
Cách đây vài ngày, một loạt cán bộ Tổng Công ty Đường sắt bị khởi tố, bắt tạm giam vì nghi án nhận 16 tỷ đồng của một nhà thầu Nhật. Ở TP. Vinh, gần đây, bí thư đảng ủy một phường (nghe nói là thuộc diện quy hoạch cho nhiệm kỳ tới ở cấp cao hơn) phải bỏ trốn vì… vỡ nợ. Những năm gần đây có không ít tổ chức đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh” cho đến lúc “bị lộ”. Thực trạng tham nhũng là vậy nhưng theo cơ quan chức năng, số tổ chức, cơ quan tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ rất hiếm, mà chủ yếu do báo chí phanh phui.
Có nhiều lý do để một số tổ chức, một bộ phận cán bộ, công chức không biết xấu hổ khi dính dáng đến tham nhũng. Nhưng có một lý do quan trọng là dư luận xã hội chưa đủ gây áp lực với tham nhũng. Hiện tượng tham nhũng vặt biểu hiện qua “lót tay” mỗi khi cần được dư luận xã hội coi là đương nhiên, là bình thường. Tâm lý coi quan chức là phải giàu đang lan tràn xã hội.
Chính tâm lý xã hội đó đang làm cho tổ chức, cán bộ (dù dính hay không dính đến tham nhũng) mới không thấy “xấu hổ”; mới không thấy “đau khổ” như lời Tổng Bí thư nói.
Mà con người ta khi không thấy xấu hổ thì việc gì mà chẳng dám làm?
Việt Long