Phải có "gan" tự phê bình và phê bình
(Baonghean) - Bác Hồ từng nói: "Một đảng mà không biết sửa chữa khuyết điểm là một đảng hỏng". Từđó suy ra, một đảng viên mà che giấu khuyết điểm, bảo thủ cái sai, không tự giác nhận khuyết điểm cũng không còn xứng đáng là đảng viên? Vì vậy, trong đợt thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) lần này, các đảng viên phải rất tự giác, cầu thị, phải tự xem lại mình trước khi phê bình người khác.
Đó là lòng tự trọng cần thiết. Chính vì thế, khi nói về phê bình và sửa chữa, Bác đã nhấn mạnh đến chữ "dũng", rất cần dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác viết: "Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, tiền tài, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân, không sợ hy sinh, gian khổ".
Trên thế giới chúng ta đã thấy không ít những vị nguyên thủ, những chủ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tuyên bố từ chức. Nhưng ở nước ta thì rất hiếm. Khi một người tuyên bố từ chức, thì điều ghi nhận đầu tiên của mọi người là người đó có dũng khí, có lòng tự trọng cao. Làm không được việc, hoặc vì lý do nào đó mà không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, việc bị hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì mất uy tín. Khi đã mất uy tín, nếu tìm mọi cách cố bấu víu quyền lực, dù có được tại vị sẽ bị người đời coi thường, xử lý công việc kém hiệu quả và luôn ở thế "há miệng mắc quai".
Cách tốt nhất là xin từ chức một cách hợp lý thể hiện văn hóa ứng xử. Như thế, thiên hạ chẳng ai cười, lại còn cho là người tự trọng và được tôn trọng. Còn nếu cán bộđã mất hết uy tín, không chịu nhận khuyết điểm, không chịu từ chức, thậm chí còn ngoan cố chống chế, bảo thủ, quanh co, bao biện, đổ trách nhiệm cho người khác, thế là hèn. Tham và hèn là thứ sâu mọt đục phá nhân cách, hại dân, hại nước.
Suy cho cùng thì người có "gan" nếu có sai thì nhận sai thực sự chân thành để sửa, đó là lối ứng xử có văn hóa. Tham lam, ích kỷ, vu khống, né tránh khuyết điểm, ưa nịnh không phải là có văn hóa. Cũng có kẻ có "gan" như biểu hiện ngoan cố, báo cáo thành tích sai lệch, phát ngôn sai, đánh lạc hướng dư luận...
Dũng khí đảng viên còn phải được thể hiện ở chỗ không chỉ mạnh dạn tự nói ra cái yếu, cái sai của mình, mà rất cần phải nói thẳng cái sai, cái yếu của đồng chí mình, nhất là của cấp ủy, thường vụ, bí thư. Khi thấy cấp trên sai ai cũng né tránh, sợđụng chạm bất lợi cho cá nhân mình cũng là biểu hiện sự hèn kém, cá nhân chủ nghĩa. Ngậm miệng ăn tiền, khi thấy nhiều người nói thì mình mới nói theo, gọi là a dua, không muốn tỏ rõ chính kiến. Cái có lợi cho mình thì hết sức làm, cái có hại cho tập thể, cho người dân, hại cho xã hội thì né tránh không can thiệp cũng là biểu hiện lối sống ích kỷ, vụ lợi, không có dũng khí của cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thành công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: "Mỗi cán bộ, đảng viên rất cần nêu cao tính đảng, tính trung thực, thẳng thắn, cầu thị, trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của dân, của đất nước, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương đều thể hiện rõ phẩm chất và bản lĩnh cộng sản kiên cường, cần có dũng khí tự phê bình và kiên quyết đấu tranh phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén..."
Mặt khác, phải xác định rằng: Tuy vũ khí sắc bén nhưng cũng dễ bị vô hiệu hóa, không còn phát huy tác dụng nếu người sử dụng vũ khí không có gan, không đủ bản lĩnh, không trung thực. Vì vậy, phê bình, tự phê bình rất cần dũng khí và phải có gan, giống như người lính ra trận hôm qua để chiến thắng kẻ thù. Còn hôm nay là những kẻ tham nhũng, rất cần dũng khí cách mạng của người đảng viên hôm nay.
Phùng Văn Mùi