Phải coi lãng phí nguy hiểm hơn cả tham nhũng
Nói đến lãng phí thì người nào, nhất là cán bộ, đảng viên cũng hiểu, cũng biết tác hại và ai cũng muốn tránh. Tuy nhiên, quan niệm về tính chất, mức độ của lãng phíkhác nhau. Theo Hồ Chủ tịch, lãng phí có thể xảy ra trên các mặt: lãng phí thời gian, lãng phí tài sản, lãng phí sức lao động, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Bác cũng chỉ ra rằng, tham ô luôn gắn liền với lãng phí và Người thường nhắc cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được mắc vào hai tệ nạn song hành này.
(Baonghean) - Nói đến lãng phí thì người nào, nhất là cán bộ, đảng viên cũng hiểu, cũng biết tác hại và ai cũng muốn tránh. Tuy nhiên, quan niệm về tính chất, mức độ của lãng phíkhác nhau. Theo Hồ Chủ tịch, lãng phí có thể xảy ra trên các mặt: lãng phí thời gian, lãng phí tài sản, lãng phí sức lao động, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Bác cũng chỉ ra rằng, tham ô luôn gắn liền với lãng phí và Người thường nhắc cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được mắc vào hai tệ nạn song hành này.
Bác khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể xây dựng CNXH bằng tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vô nhà trống. Cho nên phải biết giữ gìn của công. Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp” (Báo Nhân dân số 2563 ngày 27/3/1961). Dù đã hơn nửa thế kỷ nhưng lời của Bác vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Cùng với tham nhũng, hiện nay lãng phí đang hoành hành trên bất cứ lĩnh vực nào với muôn hình vạn trạng. Và, có thể nói không ngày nào dư luận không đề cập đến tình trạng lãng phí xảy ra ở nơi này nơi khác trên đất nước. Từ vụ PMU18 cho đến những Vinashin, Vinalines gần đây. Tham nhũng, lãng phí tài sản Nhà nước lên đến mức ghê gớm.
Một góc chợ đầu mối thu mua nông sản tại xã Nghi Long bị bỏ hoang.
Ảnh:internet
Việc nhập máy móc thiết bị công nghệ hiện đại rồi để xảy ra thất thoát dù ngoài sức tưởng tượng cũng có thể hiểu được, nhưng một nước như nước ta mà nhập tăm tre, muối... thì quả là chuyện ngược đời. Đó là gì, nếu không nói là lãng phí sức lao động, lãng phí tài nguyên, là sự vô trách nhiệm của các đảng viên ở các cơ quan có thẩm quyền. Đó là chưa kể đến chuyện tỉnh nào cũng muốn có cảng nước sâu, có sân bay, có trường đại học ... y như chuyện họ đua nhau xây dựng nhà máy đường trên chục năm về trước.
Còn ở Nghệ An ta, tình trạng lãng phí cũng tương tự như nhiều địa phương trong cả nước. Cách đây không lâu, một tờ báo trong tỉnh đưa tin một loạt chợ được đầu tư theo Chương trình 135 ở các xã như Mậu Đức (Con Cuông), Yên Hoà (Tương Dương) Cẩm Sơn (Anh Sơn), chợ đầu mối thu mua nông sản ở Nghi Long (Nghi Lộc), khu thương mại chợ Rộ (Thanh Chương)... sau lễ khánh thành tưng bừng là bỏ hoang. Lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong quản lý đất đai, trong sử dụng ngân sách ở tỉnh ta cũng được báo chí đề cập không ít trong những năm gần đây. Nhất là trên lĩnh vực quản lý khoáng sản, quản lý đất đai, thu chi ngân sách... Tình trạng những dự án đầu tư hoạt động không có hiệu quả, chậm hoặc không triển khai làm lãng phí đất đai ở tỉnh ta cũng xẩy ra ở nơi này nơi khác. Trong đó có một số dự án đã bị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép.
Có một thứ người ta ít nhắc đến là lãng phí thời gian. Đặc biệt là thời gian dành cho các cuộc họp, gặp mặt, tổ chức khởi công, khánh thành... khá nhiều. Nhiều cuộc họp mà đáng ra người ta chỉ cần một bức công văn, một thư điện tử gửi đến những nơi cần thiết là đủ. Đó là chưa nói đến những lãng phí ghê gớm trong bố trí nguồn nhân lực, bố trí cán bộ, sử dụng chất xám... mà sự thiệt hại khó tính được bằng tiền. Và quan trọng hơn, sự lãng phí do cán bộ đảng viên gây ra dù ở quy mô nào cũng ít nhiều làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Đảng, với chế độ.
Tại bản Kết luận Hội nghịTrung ương 5 (khoá XI) vừa được Tổng Bí thư ký ban hành mới đây đã chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên các lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Nhất là trên lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý sử dụng vốn tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp... gây bức xúc trong dư luận xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Thực tế cho thấy tệ lãng phí luôn đi kèm với những cán bộ, đảng viên làm công tác quản lý ở các cấp tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, thiếu gương mẫu trong đạo đức lối sống và xa rời thực tế. Trong khí đó, một số cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập vớithực tế. Những điều đó tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí hoành hành.
Ở góc độ xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay thì rõ ràng, về mức độ nguy hiểm, lãng phí không thua, thậm chí còn hơn cả tham nhũng! Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) cho thấy: Trung ương đã đưa ra 6 giải pháp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống tham nhũng lãng phí. Vấn đề quan trọng là việc triển khai, thực hiện của các tổ chức cơ sở đảng cũng như của cán bộ đảng viên như thế nào cho hiệu quả. Nhất là những người giữ vai trò đứng đầu!
Việt Long