Phải làm người dân hiểu trước
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Thu Nga (ảnh), Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Dịch vụ và Phát triển cộng đồng nông ngư nghiệp Việt Nam với Thủy sản Việt Nam xung quanh vấn đề phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
Bà Trần Thị Thu Nga |
Tình trạng suy kiệt nguồn lợi đã được cảnh báo từ lâu, nhiều biện pháp gấp rút được thực hiện nhưng không phải lúc nào cũng thành công, theo bà nguyên nhân do đâu?
Cái nghề của mình ông bà đã đúc kết rồi "điền tư, ngư chung", mà "cha chung thì không ai khóc". Do vậy, quan điểm của tôi là làm sao cho người dân làm chung được, nhưng chung có trách nhiệm, tổ chức làm sao hình thành mô hình đồng quản lý, tức là quản lý dựa vào cộng đồng, trên cơ sở đó nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân, giải thích cho họ nguồn lợi thì có gì trong đó, nó quý giá cỡ nào, cần khai thác như thế nào để bền vững, khai thác như thế nào không bị thoái hóa đi. Trên nền tảng nhận thức đó mới tổ chức lại sản xuất, hình thành hệ thống, thể chế riêng của họ.
Sau đó, dựa vào hiện trạng thực tế và căn cứ pháp lý để tạo cho họ cái khung hương ước riêng. Đồng thời, cập nhật cho họ thông tin mới về thị trường, về pháp luật và hướng dẫn điều chỉnh làm sao cho phù hợp. Không chỉ riêng Bến Tre, mà khi tôi đi làm mô hình này (mô hình đồng quản lý - PV) tại Bình Thuận, Kiên Giang hay Khánh Hòa vẫn mang lại hiệu quả. Bởi, khi họ nhận thức tốt rồi thì họ sẽ ý thức quản lý tốt, thậm chí đề xuất cho nhà nước những khung thể chế phù hợp hơn, sát thực hơn. Ví dụ, trước đây với nghề nghêu, ngành quy định vùng nghêu bố mẹ cấm khai thác hay nghêu dưới 5.000 con/kg thì không được khai thác… Sau này từ cộng đồng họ đề xuất riêng, chẳng hạn con nghêu bố mẹ cỡ 5 - 6 cm thì giữ lại trên bãi, ít nhất 20 - 30% sau khai thác để bổ sung cho đàn nghêu bố mẹ nhằm nâng sản lượng con giống. Cái đó hợp lý nên mình đề xuất để hợp thức hóa quản lý. Khi làm về con ghẹ xanh Kiên Giang hay điệp quạt Bình Thuận... chúng tôi cũng theo hướng đó nên rất thuận lợi. Tôi nghĩ rằng, làm thế nào cộng đồng hiểu được họ có cái gì, nó quý giá như thế nào, quản lý làm sao, khung thể chế chính sách cho họ như nào thì mặc nhiên họ sẽ tự làm tốt.
Theo bà, khó khăn vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện là gì?
Khó khăn nhất là giai đoạn đầu tiên, khi họ chưa hiểu mục đích gì, khai thác như thế nào… Khi đó, mình phải làm cho họ hiểu, mất rất nhiều thời gian. Bởi, không thể chỉ nói khơi khơi mà phải dựa trên luận cứ khoa học, những đề tài, dự án nghiên cứu của địa phương về đối tượng đó, về bề dày nghiên cứu như thế nào để mình triển khai được. Chẳng hạn, với mỗi đối tượng thủy sản cần xác định đây là vùng nó đẻ, đây là thời điểm nó phát triển, thời điểm nó ôm trứng hay size này là cỡ ôm trứng, size này là cỡ đẻ… không được đánh bắt, người ta phải biết như thế người ta mới làm theo được. Còn nếu mình chỉ mang cái khung pháp lý của nhà nước mà áp xuống thì sẽ thất bại ngay lập tức. Do, nếu nhà nước đứng đó thì họ làm tốt, còn nhà nước đi thì họ làm ngược lại. Vậy nên, chỉ khi họ tự hiểu thì họ sẽ làm tốt, thậm chí họ sẽ bàn bạc để giám sát lẫn nhau.
Như vậy có nghĩa là không thể chỉ quản lý bằng chế tài, thưa bà?
Đúng rồi. Vì nếu chỉ áp dụng chế tài thẳng xuống địa phương thì dễ thất bại. Do vậy, mình chỉ nên dùng chế tài làm cái khung cơ sở, dựa vào đó làm cho họ hiểu, sau đó để họ tự xây dựng khung thể chế riêng cho phù hợp với thực tế.
Vậy để mọi việc được hanh thông, theo bà, thời gian tới, cần đề nghị chế tài nào?
Đi qua thực tế rồi thì tôi thấy nhiều chế tài của mình không ổn, còn nhiều điều phải bổ sung. Và nó không thể áp dụng chung cho tất cả các đối tượng cũng như các địa phương, mà cần dựa vào đặc thù của địa phương. Ví dụ, Nghị định 33 chẳng hạn (Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ - PV), trong đó có khoản giao quyền cho địa phương quản lý từ 6 hải lý trở vào. Như vậy trong địa phận này, địa phương có quyền cụ thể hóa những khung thể chế phù hợp hơn để khai thác triệt để. Chứ chỉ áp dụng nguyên thì không ổn, cần phải dựa vào bề dày nghiên cứu và đặc điểm của địa phương thì mới vận hành tốt khung thể chế chính sách của nhà nước. Giúp cho địa phương thay đổi cho phù hợp với địa phương, thậm chí ban hành những chính sách riêng, cụ thể hóa thành thể chế riêng sẽ hiệu quả hơn.
Theo Thủy sản Việt Nam
TIN LIÊN QUAN |
---|