Phải luôn giữ phẩm chất người lính

07/08/2015 07:59

(Baonghean) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8), phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với cựu chiến binh, thương binh 3/4 Phạm Bá Cảnh ở xóm 2A, xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên).

- Thưa cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh, được biết ông có tới 2 lần xung phong nhập ngũ. Ông có thể cho biết cụ thể?

CCB Phạm Bá Cảnh làm việc tại xưởng mộc của gia đình.
CCB Phạm Bá Cảnh làm việc tại xưởng mộc của gia đình.

- Năm 1972, khi 19 tuổi tôi xung phong tòng quân và được biên chế vào Sư đoàn 341 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau khi tham gia một số chiến dịch lớn như Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, tôi lại cùng đơn vị tham gia nhiều chiến dịch khác ở Đông Nam bộ cho đến ngày giải phóng. Năm 1976, tôi xuất ngũ trở về địa phương được 2 năm thì tình hình biên giới Tây Nam có sự quấy phá của quân Pôn Pốt (Campuchia), tôi lại một lần nữa xung phong nhập ngũ. Đến năm 1981 thì xuất ngũ trở về địa phương cho đến nay.

- Chiến trường Khe Sanh, Đông Nam bộ là những địa điểm chịu nhiều ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin do quân đội Mỹ rải xuống. Vậy trong quá trình chiến đấu, ông có biết về điều đó không và đến khi nào thì ông biết mình bị nhiễm chất độc hóa học này?

- Những năm ở chiến trường, những người lính như chúng tôi không hề biết đến thứ gọi là chất độc da cam/điôxin. Mà nếu có biết thì với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong mỗi người lính Cụ Hồ, chúng tôi cũng kiên quyết bám trụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Năm 1976, khi xuất ngũ lần đầu, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn vì không bị vết thương nào. Năm 1977, chúng tôi chào đón đứa con đầu lòng là Phạm Thị Xuân hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh, và tôi đã nghĩ gia đình mình cũng được bình thường như bao gia đình khác. Chỉ đến năm 1979 khi sinh cháu thứ hai Phạm Thị Thùy, tôi mới bắt đầu cảm nhận được di chứng chiến tranh... Rồi các năm 1982, 1985, hai cháu trai khác là Phạm Bá Phương và Phạm Bá Long lần lượt ra đời đều mắc các chứng bệnh hệt như chị - bị bại liệt, bại não. Đưa các cháu đi khám ở Hà Nội, vợ chồng tôi mới biết các cháu bị di chứng chất độc da cam. Cách đây 3 năm, cháu Phương mất sau một lần lên cơn động kinh. Từ năm 2001, sau khi giám định, tôi và các con tôi đã được hưởng chế độ người nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến...

- Ba người con tàn tật, không thể tự phục vụ đến suốt đời - đó hẳn là một nỗi đau quá lớn với bất kỳ ai. Nhưng ông đã nhiều lần được nhận bằng khen của hội cựu chiến binh, hội nạn nhân chất độc da cam các cấp vì những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Những năm đầu sau khi xuất ngũ lần thứ hai, cũng như nhiều gia đình khác trong xã, cuộc sống của 2 vợ chồng tôi rất nghèo. Rồi các cháu bị tàn tật khiến chúng tôi càng thêm vất vả. Vợ chồng tôi thường xuyên phải cày thuê cuốc mướn lấy tiền đong gạo, khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy vậy, tôi cũng tìm được cách để vượt qua. Trước khi đi bộ đội, tôi từng học nghề làm mộc và rất đam mê nghề này, nên tôi đã mở một xưởng mộc nhỏ và chính xưởng mộc này đã giúp gia đình tôi đứng vững đến ngày nay... Tôi cũng tham gia sinh hoạt hội nông dân, hội cựu chiến binh và hội nạn nhân chất độc da cam. Tôi là 1 trong những nạn nhân chất độc da cam đầu tiên trong xã được hưởng chế độ từ năm 2001 và cũng là một trong những người đầu tiên đứng ra kêu gọi thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam xã Hưng Yên Bắc vào năm 2009. Hiện nay tôi đang là Phó chủ tịch thường trực Hội. Với tôi, được tham gia vào các tổ chức hội, đoàn thể cũng là một cách để chứng tỏ phẩm chất, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, không vì nghịch cảnh mà quên đi trách nhiệm của người cựu chiến binh với xã hội, phải làm gương để con cháu, lớp trẻ noi theo.

- Nhân dịp kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 năm nay, ông có gửi gắm gì với những người đồng cảnh cũng như các cấp, ngành liên quan?

- Suốt cuộc đời tôi được sống, chiến đấu, lao động đó là trách nhiệm và cũng là hạnh phúc của bản thân; trong chiến tranh, bao khó khăn, gian khổ đã vượt qua được thì trong thời bình hôm nay cũng phải quyết chí vươn lên chiến thắng hoàn cảnh bệnh tật, đói nghèo. Là một nạn nhân chất độc da cam, những năm qua, tôi nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội; đều đặn các dịp lễ, tết, gia đình tôi đều được đón các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên. Đầu năm nay, tôi còn được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng để tu sửa nhà xưởng. Đó là những nguồn động viên quý báu để gia đình tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống...Tôi còn có được một đứa con lành lặn, 4 cháu ngoại khỏe mạnh. Nhưng còn nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam khác không được may mắn như vậy, khi mà tất cả con cái của họ đều tàn tật nặng, không thể tự phục vụ, không có cơ hội lập gia đình. Vì thế tôi cũng mong các cấp, ngành, đoàn thể có những hỗ trợ thiết thực hơn nữa để các gia đình nạn nhân da cam có điều kiện phát huy nội lực trong xây dựng cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Quân (Thực hiện)

Phải luôn giữ phẩm chất người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO