"Phẩm chất người làm công tác ngoại giao là cương, nhu lúc nào cho đúng"!

06/12/2012 11:10

Nhân dịp Đồng chí Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ, vừa hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 về nhân quyền, tại Geneve, Thụy sỹ, PV Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn nhanh, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

(Baonghean) Nhân dịp Đồng chí Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ, vừa hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 về nhân quyền, tại Geneve, Thụy sỹ, PV Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn nhanh, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



Đồng chí Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phát biểu tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 về nhân quyền.

PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, trên cương vị Trưởng phái đoàn Việt nam tại diễn đàn Liên hiệp Quốc về nhân quyền, xin đồng chí cho biết nội dung chính và thành phần của diễn đàn lần này?

Đồng chí Hoàng Xuân Lương: Diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 về nhân quyền, tập trung vào chủ đề chính là các vấn đề về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, người bản địa. Sau bài khai mạc của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, bà Chủ tịch Hội đồng nhân quyền đọc báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc, tiếp đến là các thành viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc trình bày báo cáo chuyên đề về các vấn đề nêu trên. Diễn đàn có 2 ngày trao đổi, tranh luận công khai.

Thành phần dự diễn đàn gồm đại biểu đại diện 129 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng trăm các tổ chức quốc tế. Vì là diễn đàn công khai, nên có nhiều tổ chức có quan điểm khác nhau cũng được mời đến tham dự, ví dụ như Đảng Việt Tân, tổ chức Campuchia Khmer Crôm KKF, Văn phòng Quốc tế Chăm Pa, Tổ chức Hậu Duệ Chăm Pa, Quỹ người Thượng... do đó diễn đàn nhân quyền bao giờ cũng là cuộc đấu tranh ý thức hệ và lợi ích quốc gia, dân tộc.

PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, Đoàn Việt Nam dự diễn đàn lần này nhằm đạt được mục đích gì?

Đồng chí Hoàng Xuân Lương: Ta đặt ra 3 mục tiêu: Thứ nhất là làm cho Liên Hiệp Quốc và bạn bè quốc tế hiểu rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người, chia sẻ những khó khăn của ta do hoàn cảnh nền kinh tế yếu kém, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; Thứ hai là hoạt động đối ngoại tại diễn đàn để hạn chế sự chống phá của một số tổ chức phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; Thứ ba là góp phần tranh thủ sự đồng thuận của bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng nhân quyền thế giới nhiệm kỳ 2014-2016.

PV: Cùng một lúc phải thực hiện được cả 3 mục tiêu, trong đó vừa đấu tranh làm rõ sai trái của các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để nói xấu Việt Nam, lại vừa phải tranh thủ được cảm tình của các quốc gia để sang năm 2013 bầu Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền thế giới. Đồng chí thấy có lúc nào gay cấn, phức tạp hoặc khó xử không?

Đồng chí Hoàng Xuân Lương: Có hai thời điểm khá phức tạp. Lần đầu là lúc một tổ chức NGO ở châu Âu phê phán Trung Quốc vi phạm quyền các dân tộc thiểu số ở Khu tự trị Tân Cương, lập tức đoàn Trung Quốc phản ứng, dùng quyền phủ quyết. Cu Ba, Nga, Pakistan, Belarus lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, nhưng các nước Mỹ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sỹ phản ứng dữ dội. Cuộc khẩu chiến nổ ra giữa hai bên. Lúc đó, trong đầu tôi có hai luồng ý nghĩ: Nếu không lên tiếng thì dễ bị các nước có quan hệ truyền thống cho là ta không ủng hộ, nhưng nếu ta lên tiếng thì sẽ bị cô lập tại diễn đàn và ảnh hưởng trực tiếp đến việc bầu cử Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền. Lần thứ hai, khi một số tổ chức đối lập phê phán ta vi phạm nhân quyền.

Ta có tổ phiên dịch và tổ chuyên gia luôn bám sát diễn biến tình hình, nắm chắc thông tin từ Đoàn chủ tịch và Đoàn thư ký để biết chính xác đoàn nào đăng ký phát biểu? Nội dung gì liên quan đến Việt Nam? Dự kiến được các tình huống xảy ra, do đó đoàn ta chủ động lựa chọn phương án không rơi vào cuộc đấu khẩu tại diễn đàn mà dùng phương pháp trao đổi riêng với các đoàn, các tổ chức quốc tế, kể cả một số tổ chức đối lập. Khi có ý kiến phê phán Việt Nam, ta đã khéo léo đề nghị các tổ chức như Liên minh châu Âu, UNDP, UNICEF, các chuyên gia của các tổ chức này có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, họ phát biểu về những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm lo con người. Phương pháp này mang lại hiệu quả rất cao, làm cho một số người có dụng ý xấu cũng phải rút lui ý kiến. Chúng ta đã tạo được sự đồng thuận của đoàn chủ tịch diễn đàn và đa số các đại biểu. Đó là thành công của đoàn Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 về nhân quyền.

PV: Thưa đồng chí từ thành công tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần này, đồng chí nghĩ gì về ý kiến cho rằng con người xứ Nghệ cứng nhắc, nóng nảy, thừa cương, thiếu nhu, không phù hợp với công tác ngoại giao?

Đồng chí Hoàng Xuân Lương: Đúng là các nhà nghiên cứu có nói đến một số tố chất hạn chế của con người xứ Nghệ, như nóng nảy, ương gàn, thiếu mềm dẻo. Nhưng phẩm chất người làm công tác ngoại giao không phải ở chỗ cương hay nhu, mà là cương, nhu lúc nào cho đúng. Trong tố chất con người Nghệ An truyền thống có rất nhiều phẩm chất rất cần thiết cho công tác ngoại giao, như lòng trung thành, đức tính kiên cường, thẳng thắn, chân thành. Chẳng thế mà thời nào quê ta cũng có những nhà ngoại giao nổi tiếng. Từ Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Đặng Thúc Hứa, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, mà đỉnh cao là nhà ngoại giao thiên tài Hồ chí Minh. Nối tiếp là thế hệ các bác, các anh Nguyễn Mạnh Cầm, Trương Đình Tuyển, Ngô Quang Xuân, Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Tâm Chiến... Đó là những nhà ngoai giao góp phần làm rạng danh con người xứ Nghệ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!


PV (thực hiện)

"Phẩm chất người làm công tác ngoại giao là cương, nhu lúc nào cho đúng"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO