Phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung
Tiếp tục phiên họp thứ 24, sáng 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về phương án phân bổ bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án dở dang có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu cùng một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật phá sản (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Ảnh: TXVN |
Bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ hoàn thành các dự án
Theo Tờ trình, Chính phủ dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án dở dang của các bộ, địa phương là 66.720 tỷ đồng (bằng 43,6% nhu cầu bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ) và 6.600 tỷ đồng cho dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu.
Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các bộ, địa phương thực hiện là 48.653,261 tỷ đồng cho 638 dự án bố trí cơ bản đủ vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành dự án hoặc hoàn thành theo tiến độ các dự án quan trọng, theo đúng quy định trong Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với 91 dự án dự kiến hoàn thành trong hai năm 2014 - 2015 với tổng số vốn bố trí 18.066,739 tỷ đồng nhưng mới đáp ứng được 33,7% vốn trái phiếu Chính phủ, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương căn cứ tổng số vốn dự kiến cho các dự án này của từng bộ, địa phương, tiến độ thực hiện dự án... để dồn vốn hoàn thành dứt điểm các dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, thất thoát hoặc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với khả năng bố trí vốn của từng dự án.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đối với 91 dự án mới đáp ứng được 33,7% vốn trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm, điều chỉnh tổng mức đầu tư của từng dự án, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm hoàn thành các dự án trong năm 2014 - 2015 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 30/4/2014.
Liên quan đến đường tuần tra biên giới giai đoạn 2, Tờ trình của Chính phủ đề nghị dành 1.000 tỷ đồng bố trí cho dự án này. Tuy nhiên, theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình ngày 19/11/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí 1.500 tỷ đồng cho dự án này.
Mặt khác, đây là dự án cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ, do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí đủ 1.500 tỷ đồng đầu tư cho đường tuần tra biên giới giai đoạn 2.
Đối với Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ bố trí 6.100 tỷ đồng cho dự án này, còn lại 500 tỷ đồng sẽ chuyển sang đầu tư đường tuần tra biên giới giai đoạn 2.
Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí ra Nghị quyết về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án, công trình dở dang đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 nhưng còn thiếu vốn.
Cần quy định rõ thủ tục phá sản và phục hồi
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật phá sản (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí quy định phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật bởi, luật phá sản của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định về thủ tục phục hồi và thủ tục phá sản. Việc phục hồi hoạt động kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán được các khoản nợ, thoát khỏi tình trạng phá sản và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Vì vậy, dự án luật cần giữ nguyên quy định thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.
Đối với quy định về thẩm quyền của Tòa án, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là loại vụ việc phức tạp, đòi hỏi Thẩm phán phải là người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, trình độ, kiến thức nhất định về doanh nghiệp, hợp tác xã và hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, việc giải quyết phá sản gắn liền với việc giải quyết các yêu cầu đòi nợ, các tranh chấp liên quan đến các khoản nợ và người mắc nợ có thể ở nhiều địa phương, kể cả ở nước ngoài. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu để có quy định phù hợp.
Xung quanh quy định về chế định Quản tài viên có hai loại ý kiến. Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của chế định này bởi đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, quyền hạn và trách nhiệm của Quản tài viên rất rộng, lớn vì vậy không nên quy định chế định này. Một số ý kiến khác đề nghị nên thực hiện thí điểm chế định Quản tài viên, đồng thời quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của chế định này.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn chỉnh dự án luật phá sản (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét.
Theo tintuc