Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào biển Việt Nam
(Baonghean) - Sự kiện giàn khoan HD981 tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam tới 80 hải lý và cách đảo Tri Tôn 119 hải lý một lần nữa khẳng định chính sách của Trung Quốc là luôn muốn nuốt trọn Biển Đông bằng những lập luận vô căn cứ và hành động quân sự cứng mang tính khiêu khích và đe dọa. Sự việc này đã làm dấy lên một loạt các phản ứng mạnh mẽ từ Việt Nam; nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan ngại cho khu vực vốn chưa bao giờ "lặng sóng" - Biển Đông.
![]() |
Vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. |
Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ai cũng biết rằng chính người láng giềng chứ không phải ai khác luôn lăm le, rình rập để nếu có cơ hội sẽ ra tay. Và những gì diễn ra trong quá khứ, với những Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh… đã làm cho mỗi người dân Việt Nam hiểu được tâm địa của người láng giềng xấu bụng này. Và sự việc tàu thăm dò HD981 của Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) xâm nhập trái phép sâu vào lãnh thổ của chúng ta đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (gọi tắt là UNCLOS-1982) trong những ngày đầu tháng 5. Theo UNCLOS-1982, các quốc gia có đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do đi lại bằng đường thủy và đường không, nhưng phải tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm. Trung quốc cũng là thành viên tham gia công ước về Luật Biển nhưng trong nhiều năm qua, hộ luôn có những động thái đi ngược lại với những gì đã ký trong quá khứ. Mặc dù lâu nay Trung Quốc luôn thể hiện tham vọng rất lớn ở Biển Đông, nhưng việc đưa hàng chục tàu trong đó có cả tàu quân sự cỡ lớn để hộ tống cho tàu thăm dò HD981 là điều rất bất ngờ và không thể chấp nhận được. Sự kiện này còn cho thấy, Bắc Kinh đang đi những bước mạo hiểm trong ý đồ từng bước hợp pháp hóa cái gọi là “Đường lưỡi bò”, mà họ đã trình Liên Hợp Quốc cách đây 5 năm. Ngay sau khái niệm "đường lưỡi bò" hay còn gọi là đường 9 đoạn đưa ra, không chỉ những quốc gia nằm trọn trong "đường lưỡi bò" mà rất nhiều người (từ các chính trị gia, học giả và cả người dân) trên toàn thế giới điều cho rằng "nực cười và vô giá trị". Chưa cần phải dựa vào UNCLOS-1982, nếu nhìn vào bản đồ mô tả "đường chín đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố dựa trên cái gọi là "chủ quyền trong quá khứ" của nước này đã thấy được sự phi lý.
Trở lại những diễn biến trong những ngày đầu tháng 5, khi phát hiện giàn khoan HD981 cùng rất nhiều tàu các loại hộ tống khác tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, không những không hợp tác, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu. Cụ thể, lúc 8 giờ 10 phút ngày 3/5, tại tọa độ 15031' N-111002’E (cách giàn khoan HD981 khoảng 10 hải lý) tàu Hải cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033, hậu quả làm cho tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3m, rộng 1m, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác. Lúc 8 giờ 30 phút ngày 4/5, tàu Hải cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu… Cần khẳng định rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 cùng nhiều tàu hoạt động tại khu vực thuộc Lô dầu khí 143 (do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đánh dấu) nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam, đồng thời áp đặt cái gọi là “một vùng cấm xâm nhập đối với mọi tàu thuyền” trong vòng bán kính 4,8km quanh giàn khoan đó từ ngày 1/5/2014 đến nay, đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
![]() |
Vòi rồng của tàu Trung Quốc tấn công tàu của Việt Nam. |
Trong khi phía Trung Quốc luôn tỏ thái độ thiếu tôn trọng chủ quyền và có hành động vượt quá mọi giới hạn cho phép cố tình đâm thẳng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam; có những hành vi hung hăng khác như dùng vòi rồng công suất lớn phun nước vào các tàu Việt Nam gây hư hại tàu thuyền và gây thương tích cho thủy thủ Việt Nam… Phía Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo con đường ngoại giao và phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế.
Là 2 quốc gia láng giềng có chung đường biên giới khoảng 1.400 km và có nhiều nét tương đồng về văn hóa, trải qua những thăng trầm, biến cố trong lịch sử, lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc đã từng dày công xây đắp tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, sự việc giàn khoan khổng lồ HD981 và hàng chục tàu hộ tống khác đang hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã đi ngược lại với thỏa thuận 6 điều, trong đó nhấn mạnh, 2 nước sẽ là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Vì thế, việc Trung Quốc vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người Việt, người dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới là điều không thể tránh khỏi. Cho dù hôm qua (8/5), Trung Quốc đã phủ nhận các tàu hộ tống giàn khoan dầu HD 981 của nước này tấn công tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam và cho biết muốn giải quyết vấn đề với Việt Nam bằng đàm phán. Tuy nhiên, với người láng giềng này, và những gì đã diễn ra trong mấy ngày gần đây, chúng ta cần ghi nhớ câu nói của cổ nhân để hành động, đó là: "Tri nhân, tri diện, bất tri tâm".
Cảnh Nam
Phản ứng của cộng đồng quốc tế Học giả Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng với quan điểm phản bác “đường lưỡi bò” nêu quan điểm: Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng lo ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ DOC và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki trong phát biểu trước báo giới ngày 6/5: “Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc làm của Trung Quốc là hành động khiêu khích và không có lợi cho nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. Bà Jen Psaki khẳng định: “Mỹ đang theo dõi sát vụ việc này. Diễn biến mới này càng cho thấy các tuyên bố về chủ quyền của các nước trong khu vực cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế và những cam kết đã đạt được, theo đó, những hành vi kiểu như vậy không được phép xảy ra trong khu vực có tranh chấp”. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng “cần tránh hành động đơn phương” trên Biển Đông. Ông Kishida nêu rõ: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương". |