Phần lớn tiêu cực giáo dục do báo chí phát hiện
"Phần lớn những vụ tiêu cực chúng tôi xử lý vừa rồi là do báo chí đưa tin. Những phát hiện do ngành giáo dục tự chủ động phát hiện sai phạm còn ít...", Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận vừa ký văn bản số 2998 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận |
Tại văn bản này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị chủ tịch UBND các địa phương: “Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề thi, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi… (nếu có)”.
Văn bản này đã gây phản ứng khá mạnh mẽ từ phía dư luận. Bên hành lang Quốc hội sáng 21.5, báo giới đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xung quanh vấn đề này. Bộ trưởng Luận giải thích:
- Không ai nói là cấm đăng tin. Các bạn phóng viên nhận được những thông tin đó thì cứ đăng, thậm chí phản ánh với trường. Bộ và chỗ nào đó nhận mà không xử lý thì cơ quan báo chí vẫn có thể đăng tiếp và đăng luôn cả những thông tin rằng: Chúng tôi đã phản ánh mà cơ quan này, ông này bà kia không xử lý thông tin những tiêu cực trong giáo dục một cách thấu đáo.
Tôi đồng tình với việc tạo nên sức ép để cả xã hội đấu tranh với chuyện tiêu cực trong giáo dục một cách sát sao. Tuy nhiên, phải thận trọng. Nghe thông tin một cái là đưa, chưa kiểm chứng. Nhất là lúc các em đang làm bài, nhỡ các em sốc không làm được bài thì sao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông báo chỉ đạo các cơ quan báo chí trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm trước khi đăng tin về những sai phạm, tiêu cực trong thi cử để cân nhắc cho kỹ và định hướng dư luận cho chuẩn. Vì đã có hiện tượng báo này, báo kia, nhất là các báo “mạng” nghe là đăng, xong mai xác minh lại thì sự việc không có thật. Việc này để lại hậu quả xấu.
Vì thế, chúng tôi đề nghị báo chí đưa tin, cân nhắc thận trọng, đừng nghe một cái là đưa. Chúng ta nên trao đổi kỹ, thẩm định đúng hãy đưa tin. Nên trao đổi với công an và cơ quan thanh tra về giáo dục đào tạo và phối hợp điều tra, xác minh, bóc tách để xử lý. Nếu các bạn đã cung cấp rồi và chỗ nào đó nhận tin mà ỉm đi và không xử lý, các bạn đăng lên, Bộ không bao giờ bao che. Chúng ta nên chống tiêu cực trong giáo dục một cách có trách nhiệm, chất lượng để đảm bảo môi trường thi cử cho các em học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, không loại trừ cả cơ quan quản lý và thày cô giáo cũng có những chuyện đó. Mặc dù thầy cô giáo phản đối, nhưng Bộ đã họp với thày cô hiệu trưởng các trường và quyết định cho mang phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng thi, chỉ không được phát trực tiếp thôi.
Việc làm này nhằm lấy chứng cứ tiêu cực để xử lý kiên quyết vấn đề này. Tại các cuộc họp báo và họp Bộ, tôi vẫn nói cho đến thời điểm này, tất cả những tiêu cực trong thi cử mà phát hiện được, đều từ báo chí mà có. Còn cơ quan của Bộ cho đến thời điểm này chưa đưa cho tôi thông tin nào cả. Do vậy, không có lý gì không phối hợp với báo chí. Tôi đề nghị các địa phương trao đổi để các cơ quan báo chí cân nhắc việc đó để phối hợp và không có giới hạn việc đưa thông tin sai phạm trong thi cử lên mặt báo.
Ông cho rằng các thông tin tiêu cực thì cần có nhiều thời gian để xử lý, thẩm định kỹ?
- Đúng vậy, không có gì vội trong vấn đề xử lý sai phạm, xử lý thông tin về sai phạm. Nếu đã có chứng cứ thì một hai ngày sau xử lý chứ có mất gì đâu. Còn nếu sau một ngày mà không thể xác minh được nữa thì đó là chúng ta phải rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ. Nhưng nếu đưa ngay lên để người ta sốc thì không có lợi.
Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện việc phòng chống gian lận thi cử bằng quy định cho phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, ông đánh giá tác động của việc thực hiện vấn đề này?
- Tác động trước hết về mặt tâm lý, rằng tất cả những điều quy định trong quy chế thi cử cho tới thời điểm hiện nay đều với một giả thiết là thày giáo và cán bộ quản lý tốt, khi giám sát học sinh nghiêm chỉnh. Thực tế có thầy giáo cũng vi phạm và cán bộ quản lý, chỉ đạo cũng vi phạm. Tuy nhiên, quy chế hiện nay chưa có giám sát này, mới chỉ có cách ly vòng ngoài, vòng trong, nhưng các vòng này không tốt. Theo tôi, chúng ta tạo nên một sự giám sát thôi.
Học sinh cũng là một chủ thể của nhà trường, cũng có thể có những gian lận vi phạm của học sinh, nhưng học sinh nhiều em tốt, trung thực và đấu tranh thì không có lý gì chúng ta không sử dụng lực lượng đấy. Cho nên thầy cô giáo cũng cảm thấy trên đầu mình có một chiếc camera vô hình nào đó giám sát mình, như thế nhất định sẽ phải nghiêm chỉnh.
Mặt khác, phải động viên những học sinh trung thực, dám đấu tranh chống tiêu cực. Chúng ta tôn vinh những học sinh tốt nhặt của rơi trả người mất, học giỏi, chăm ngoan thì cũng phải biểu dương, bảo vệ những em học sinh dám đấu tranh với tiêu cực. Việc học sinh phát hiện tiêu cực có thể không thể hiện được ở con số vụ bắt được, nhưng có giá trị vô hình đối với các thày cô giáo có ý định tiêu cực.
Ông nói trong ngành giáo dục chưa phát hiện được những sai phạm thì nên làm thế nào để tự ngành đấu tranh với tiêu cực?
- Chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ việc này và trong khi nó chưa có hiệu quả thì đã phải sử dụng vấn đề khác là báo chí phát hiện, cung cấp thông tin cho ngành giáo dục.
Những vụ tiêu cực trong thi cử mà báo chí nêu lên trong thời gian vừa qua đã được Bộ xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Phần lớn những vụ tiêu cực chúng tôi xử lý vừa rồi là do báo chí đưa tin. Tôi đã có lời cảm ơn chính thức với các cơ quan báo chí. Những phát hiện do ngành giáo dục tự chủ động phát hiện sai phạm còn ít. Gần đây, Bộ đã bắt đầu rút kinh nghiệm và kiểm tra xử lý một số trường sai phạm. Mấy năm trước, tiêu cực trong giáo dục được báo chí phát hiện nhiều.
Nhiều nhà báo cung cấp cho chúng tôi cả băng ghi âm, bài viết và nhiều tư liệu và báo chí cũng công nhận Bộ đã xử lý rất nghiêm túc những sai phạm. Báo chí là lực lượng đắc lực phục vụ cho công cuộc đấu tranh chống tiêu cực của ngành giáo dục.
Ông hi vọng gì vào kỳ thi ĐH – CĐ tới đây khi các văn bản mới quy định chống tiêu cực trong thi cử đã được ban hành?
- Phải từng bước một đấu tranh, tất nhiên là “vỏ quýt dày móng tay nhọn”, bởi khi ta đưa ra chính sách đấu tranh chống tiêu cực, những kẻ tiêu cực lại có thủ đoạn khác để đối phó. Ta phải kiên trì, không thể có phương thuốc chữa hết bệnh ngay được.
Chúng ta phải đưa ra các giải pháp, theo dõi tình hình thực tế và thấy phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh và thấy chưa phù hợp ở chỗ nào lại tiếp tục điều chỉnh và nó bộc lộ hiện tượng mới ta phải cập nhật và bổ sung nhất là trong điều kiện công nghệ mới phát hình, phát tiếng và không cần cài vào tai và ta phải từng bước một. Không chỉ đấu tranh về mặt đạo đức, mà phải cả về công nghệ, kỹ thuật và trách nhiệm. Phải kiên trì cập nhật, phân tích tình hình tiêu cực để xử lý.
Bộ đã thành lập cơ quan nào để báo chí và mọi người dân cung cấp thông tin những tiêu cực, sai phạm trong giáo dục?
- Bộ có Thanh tra thường trực vấn đề này. Vào kỳ thi có Thường trực Ban chỉ đạo thi và công bố công khai các số điện thoại của cơ quan và người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để xử lý. Đấu tranh chống tiêu cực mà hành chính hóa là không ổn, có thể bằng công văn, thư, mail, điện thoại để cung cấp thông tin về tiêu cực trong giáo dục.
Chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của báo chí là không bao giờ lấy thông tin về cá nhân người cung cấp tin và chỉ lấy sự kiện vi phạm để xử lý, phối hợp với phóng viên và các báo để điều tra tiếp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt - TH