Phân luồng học sinh THCS: Đã "mở" nhưng chưa "thông"?
(Baonghean) - Trung bình mỗi năm, tỉnh ta có hơn 50.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có những em vì năng lực, vì điều kiện không cho phép nên không tiếp tục theo học THPT. Ngành giáo dục cũng đã có chủ trương phân luồng cho những học sinh này, nhưng vấn đề “hậu phân luồng” đang còn nhiều trở ngại...
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục từ năm 2001 – 2010, trong đó đã nêu yêu cầu cụ thể cho việc phân luồng học sinh sau THCS. Ở tỉnh ta, một trong những người đi tiên phong trong việc mở trường trung cấp chuyên nghiệp để nhận học sinh tốt nghiệp cấp II vào theo học hệ trung cấp nghề đó là thầy giáo Lê Văn Phớt - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân lập Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Năm 2006, ông rất tâm đắc với dự án này, bởi chỉ cần 3 năm rưỡi theo học, trong đó có một năm học văn hóa ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hơn hai năm học nghề thì học sinh không cần học cấp III vẫn có bằng tốt nghiệp và có thêm bằng trung cấp nghề. Mô hình này nhận được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trong 2 năm đầu tiên đã có gần 1.500 học sinh theo học. Tuy nhiên, đến nay, mô hình không đạt được hiệu quả như mong muốn. Ông cho rằng: “Các trường trung cấp nghề hiện nay rơi vào tình trạng khó hoạt động vì không tuyển được học sinh. Các trường khi phân luồng chưa làm tốt công tác hướng nghiệp, định hướng cho học sinh kỹ năng chọn nghề. Học sinh vẫn đua nhau thi vào các cấp III, các trường cao đẳng, đại học dù cơ hội việc làm sau khi ra trường rất ít”.
Lớp học nghề công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề số 4 Bộ Quốc phòng. |
Theo mục tiêu của ngành giáo dục, mỗi năm phải phân luồng được khoảng 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học các trường nghề, 70% còn lại sẽ vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, theo số liệu do phòng Trung học Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thì số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề chưa đến 10%. Ví như, trong năm học 2009 – 2010, Nghệ An có 58.937 học sinh tốt nghiệp cấp II nhưng chỉ có 42.971 học sinh vào cấp III, 4.088 học sinh vào học hệ bổ túc và chỉ có 782 học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp. Năm học 2010 – 2011 có hơn 51.000 học sinh cấp II, nhưng chỉ có hơn 42.000 học sinh vào cấp III, 3.081 học sinh học bổ túc và 164 học sinh vào các trường trung cấp. Năm học 2011 – 2012 là 58.000/ 47.104 học sinh… Ông Nguyễn Viết Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai cho biết: Một năm nhà trường có khoảng 100 học sinh ra trường nhưng đa phần là vào học các trường cấp III, còn lại khoảng 10% không đủ điểm thì hơn một nửa là theo học bổ túc. Số còn lại thì nghỉ học theo bố mẹ đi biển chứ rất ít theo học nghề ở các trường trung cấp.
Lý giải vấn đề này, ông Xuân cho rằng: Học sinh cấp II khi ra trường mới 15, 16 tuổi còn quá nhỏ. Phụ huynh không yên tâm gửi đi học xa, vì thế dù con không thi đậu vào trường cấp III công lập thì cũng cố để con vào học trường dân lập, ít nhất còn có thầy cô quản. Còn nếu học nghề, đi làm cũng khó xin việc vì các em còn yếu kinh nghiệm, ít có cơ quan nào tiếp nhận. Đồng tình với ý kiến trên, ông Võ Văn Mai, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: “Có 5 lý do khiến việc phân luồng hiện nay chưa hiệu quả: Thứ nhất là do tâm lý người dân sính bằng cấp, vẫn muốn cho con học lên THPT để ít nhất có tấm bằng cấp III, nhất là khi “cánh cửa” vào các trường cấp III ngoài công lập dễ dàng như hiện nay. Thứ nữa, việc phân luồng hướng nghiệp hiện nay ở các trường THCS chưa hiệu quả, cán bộ phân luồng chưa được đào tạo, chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên chưa tập trung vào công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, do quy mô và điều kiện cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được điều kiện giảng dạy, việc đào tạo nghề chưa sát với thực tiễn, nhiều học sinh còn gặp khó khăn khi ra trường, chưa có chính sách cho học sinh THCS sau khi học nghề… Cũng vì vậy nên xảy ra thực trạng, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, xác định được lực học của mình là trung bình, yếu nên các em không làm hồ sơ thi lên cấp III. Nhưng số học sinh này cũng không theo học ở các trường dạy nghề (hoặc cũng không biết học ở đâu, học cái gì, để làm gì) nên lại rơi vào tình trạng bỏ học giữa chừng.
Như vậy, nên hay không việc phân luồng cho học sinh THCS? Làm công tác giảng dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên hơn 20 năm và nay làm hiệu trưởng ở Trường THCS Quỳnh Dị, ông Nguyễn Viết Xuân cho rằng: Nếu thực hiện theo đúng nghĩa của phân luồng thì nên khuyến khích. Thiếu ở đây là thiếu cơ chế, thiếu các điều kiện để các em học và tìm việc làm sau khi ra trường. Ông cũng đã lấy dẫn chứng nhiều học sinh ở Quỳnh Dị, trước đây vì năng lực hạn chế nên học bổ túc nhưng sau đó nhờ kiên trì phấn đấu nên vẫn thành đạt và có công việc tốt. Như trường hợp của anh Hồ Phi Xuân, trước đây đi học nghề xây dựng nay đã làm giám đốc một công ty xây dựng tư nhân. Em Hồ Phi Được, sau khi đi học ở Trường Cao đẳng Việt Hàn, sang Hàn Quốc làm việc, hiện kinh tế đã khá giả… Ngược lại, cũng ở Quỳnh Dị, trước đây vì trong xã có người làm bên ngành mỏ nên học sinh trong làng đua nhau học trường Đại học Mỏ địa chất, thậm chí có người đang học dở Học viện Quân sự cũng chấp nhận đền bù học phí để chuyển sang học Mỏ. Nhưng hiện tại, vì điều kiện thay đổi nên những người này, công việc bấp bênh, hoặc không tìm được việc.
Trường Cao đẳng Nghề số 4, Bộ Quốc phòng, một trong những trường hiếm hoi ở tỉnh hiện vẫn đang duy trì được lớp tuyển sinh dành cho khối học sinh vừa tốt nghiệp cấp II. Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Cơ bản khẳng định: Chính sách phân luồng trong giáo dục là một chính sách đúng vì rút ngắn được thời gian đào tạo, tiết kiệm được kinh phí cho gia đình và xã hội. Hơn nữa, chính sách này hiện đã có nhiều “hướng” mở nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh. Các em cũng không cần phải theo học thêm một năm văn hóa ở lớp bổ túc rồi mới học nghề như trước vì theo quy chế 02 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề: Học sinh tốt nghiệp cấp II, khi học tại các trường trung cấp nếu vẫn đảm bảo đủ thời lượng các môn văn hóa thì chỉ cần sau hai năm học là vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT; có thể học nâng cao lên cao đẳng, đại học nếu muốn. Ngoài ra, thời điểm này không chỉ đối tượng quân nhân xuất ngũ mà đối tượng dân sự khi học nghề đều được miễn học phí học nghề và học phí học văn hóa (theo như chính sách đào tạo nghề của tỉnh) thế nên học sinh được mọi ưu tiên khi học nghề.
Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tại tỉnh ta vẫn đang còn khoảng gần 12.000 thạc sỹ, cử nhân và sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ người lao động có tay nghề của tỉnh chỉ khoảng 40%. Giải quyết thế nào cho bài toán “thừa thầy thiếu thợ”, thiết nghĩ cần hệ thống lại chủ trương phân luồng mà tỉnh ta đã thực hiện trong những năm qua. Tổ chức các diễn đàn để các giáo viên trao đổi về việc chọn nghề, chọn trường, chọn khả năng trúng tuyển vào đại học, cao đẳng cho học sinh. Ngành Lao động và xã hội cần định hướng và giao cho các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề đổi mới công tác đào tạo, tập trung vào những ngành nghề đang thiếu nhân lực, những ngành mà xã hội đang cần. Cuối cùng, phụ huynh và các gia đình phải thay đổi trong tư duy, không nặng vấn đề bằng cấp, tư vấn và giúp đỡ để các em lựa chọn được hướng đi thích hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình.
Bài, ảnh: Mỹ Hà