Những nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp

Doãn Trí Tuệ 31/12/2022 14:04

(Baonghean.vn) -  Sản xuất nông nghiệp đã và đang có nhiều tác động làm gia tăng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nước. Đây là vấn đề nóng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và là nỗi lo của tất cả mọi người trong cuộc sống hiện nay.

Ô nhiễm từ phân bón, thuốc BVTV và chất thải chăn nuôi

Trung bình mỗi năm Nghệ An gieo trồng trên 380 ngàn ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa 176 – 180 ngàn ha, cây ngô 52 – 53 ngàn ha, cây sắn 2,1 – 2,2 ngàn ha, cây mía 24 – 26 ngàn ha, cây cam 5,3 ngàn ha, cây khoai lang 2,6 – 2,8 ngàn ha, cây rau màu củ quả các loại 120 ngàn ha, chưa kể cây lâm nghiệp, cây dược liệu. Tất cả những cây trồng nói trên đều là những cây sử dụng nhiều phân vô cơ và các loại thuốc hóa học trừ sâu bệnh.

Sơ bộ thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã sử dụng từ 500 – 700 tấn thuốc phòng chống sâu bệnh, thuốc diệt ốc bươu vàng, thuốc diệt cỏ, gọi chung là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Sau khi sử dụng còn để lại trên đồng ruộng không dưới 60 – 70 tấn chai lọ, vỏ bao phần lớn được vứt bỏ lại trên đồng ruộng, dưới mương nước...

Các loại thuốc BVTV đã được sử dụng ngay từ đầu vụ sản xuất. Ảnh: Phú Hương

Cùng với sử dụng các loại thuốc BVTV, hàng năm toàn tỉnh đã sử dụng một khối lượng phân bón vô cơ các loại khá lớn. Trung bình mỗi năm đã sử dụng từ 58.000 – 60.000 tấn phân đạm urê, 98.000 – 100.000 tấn lân, 43.000 – 45.000 tấn kali và 57 – 60.000 tấn phân hỗn hợp NPK các loại. Toàn bộ khối lượng phân bón vô cơ nói trên, cây trồng chỉ hấp thụ tối đa 50% tùy loại. Lượng phân vô cơ còn lại không được cây trồng hấp thụ hết sẽ tồn dư trong đất rất lớn, đó là chưa kể lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây làm tăng nguy cơ dịch bệnh và cũng vì vậy lại phải sử dụng thuốc BVTV. Ngoài ra việc sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ sẽ làm giảm chất lượng nông sản, gây suy thoái đất trồng trọt, làm ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính làm tác động xấu đến môi trường.

Nông dân Diễn Châu thu gom rác thải bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Ảnh: Phú Hương

Phân vô cơ bón vào đất nuôi cây, các loại thuốc BVTV phun lên thân lá cây trồng để diệt sâu bệnh, phun vào đất để diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng, diệt nấm bệnh... nói tóm lại tất cả đều đổ vào đất, vào nước, vào không khí, trong đó trừ phần cây trồng lấy đi (chủ yếu là phân bón vô cơ khoảng 31 – 50%), số còn lại hòa tan trong nước, tồn dư trong đất và nó được tự do di chuyển theo dòng nước chảy, nhất là khi có mưa to, nước chảy tràn lan từ ruộng ra kênh mương, sông suối... Riêng phần tồn dư trong đất được thẩm thấu theo mạch nước ngầm di chuyển đi khắp nơi và cuối cùng cũng chảy ra sông suối và từ sông suối nước lại được sử dụng tưới cho cây trồng, sử dụng vào nhu cầu sinh hoạt và đời sống của con người.

Ngoài phân vô cơ, thuốc BVTV, còn có chất thải từ chăn nuôi cũng gây ra ô nhiễm lớn cho môi trường nước, đất, không khí. Toàn tỉnh hiện có 776.000 con trâu bò, xấp xỉ 1 triệu con lợn và trên 22 triệu con gia cầm các loại. Sơ bộ tính toán lượng chất thải rắn phát sinh trong quá trình chăn nuôi bao gồm phân rắn, thức ăn thừa, chất độn chuồng trại, ước tính có khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn/năm. Ngoài ra còn có không dưới 2 triệu m3/năm nước thải của trâu, bò, lợn và nước vệ sinh chuồng trại. Tất cả chất thải từ chăn nuôi không qua xử lý khi thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, môi trường đất và không khí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Chất thải từ chăn nuôi cũng gây ra ô nhiễm lớn cho môi trường nước, đất, không khí. Ảnh: Thu Huyền

Đặc biệt ở các vùng gia súc, gia cầm bị dịch bệnh thường chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh như E.coli, salmonella gây bệnh tiêu chảy, đường ruột, các loại giun sán, các loại virus gây bệnh tai xanh lợn, dịch tả lợn châu Phi... tất cả sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi.

Riêng ở khu vực nuôi trồng thủy sản cũng không thể tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu do các chất thải hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân, các rác thải khác và việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, cá.

Cần biện pháp hạn chế

Sản xuất nông nghiệp không thể không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh... và tất nhiên rất khó tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Nhưng không vì thế mà chúng ta không có kế hoạch và biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc ít ra phải hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nói trên. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau đây:

Nông dân Tân Phú (Tân Kỳ) sử dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả thay thế đạm, lân, ka li. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc

Thứ nhất: Không sử dụng các loại phân bón hóa học một cách tùy tiện, bón đúng cách, bón đủ, bón vào những lúc cây trồng cần thiết. Tuyệt đối không bón thừa so với nhu cầu cây trồng, nhất là phân đạm các loại sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất.

Thứ hai: Toàn bộ nguồn phân hữu cơ từ chuồng trại trâu, bò, lợn, gà, vịt... tất cả phải được thu gom lại ủ thành đống có rải thêm ít vôi bột, sau đó dùng bùn đất trát kín lại (ủ nóng) trong thời gian từ 13 – 15 ngày để vừa diệt khuẩn, virus, vừa làm hoai phân và làm giảm rất lớn khí thải độc hại phát ra từ phân bón. Tuyệt đối không nên dùng phân tươi chưa được ủ để bón ruộng, vừa không tốt, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba: Thực hiện tốt chủ trương “Xây dựng nông thôn xanh, sạch đẹp” bằng những việc làm cụ thể. Các hộ và chủ trang trại chăn nuôi với số lượng trâu, bò, lợn từ 3 – 4 con trở lên cần có mương máng, cống rãnh thoát nước thải khép kín từ chuồng trại đến hố tích trữ nước thải (nếu không có bể bio – gas), bể cần được xây cao và có nắp đậy kín để khi có mưa to gây ngập, không làm nước chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Nước thải được tích trong bể chứa sau một thời gian 20 – 25 ngày lắng đọng, phân giải chất hữu cơ, bà con nông dân có thể pha loãng với nước lã để tưới cho cây trồng.

Dù mang lại lợi ích "kép" song việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được nhân ra diện rộng. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc

Sử dụng thuốc BVTV “có trách nhiệm”, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, khi sử dụng hết thuốc phải thu gom hết bao bì, chai lọ đem bỏ vào nơi quy định của làng, xóm, thôn bản... Nếu nơi nào đã có bể thu gom rác thải thì bỏ vào đó để xử lý theo quy trình hướng dẫn của ngành BVTV và Sở Tài nguyên - Môi trường.

Thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng các chế tài về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn đến tận mọi người dân. Nâng cao nhận thức hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, vì sức khỏe của cả cộng đồng.

Thứ năm: Theo số liệu mới nhất của Sở NN & PTNT hiện tại toàn tỉnh đã có 11.000 bể biogas xử lý phân bón, 15.536 bể thu gom rác thải thuốc BVTV. Những con số trên chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với nhu cầu cần có. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh, huyện, thị và cơ quan có liên quan hàng năm dành một số kinh phí cần thiết để giúp các xã, HTX nông nghiệp và bà con nông dân xây bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi và bể thu gom rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng.

Mới nhất

x
Những nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO