Phát hiện 3 đạo sắc phong cho vị thần triều Lê họ Nguyễn Hữu

27/11/2009 17:55

Nhân chuyến đi công tác xây dựng thư viện cơ sở ở xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), chúng tôi được đồng chí chủ tịch xã giới thiệu đi thăm di tích Nhà thờ họ Nguyễn Hữu và qua chuyến thăm thú này, đã phát hiện được 3 đạo sắc phong triều Nguyễn, cho vị thần triều Lê vì có công khai canh, lập ấp ở vùng này !

Nhân chuyến đi công tác xây dựng thư viện cơ sở ở xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), chúng tôi được đồng chí chủ tịch xã giới thiệu đi thăm di tích Nhà thờ họ Nguyễn Hữu và qua chuyến thăm thú này, đã phát hiện được 3 đạo sắc phong triều Nguyễn, cho vị thần triều Lê vì có công khai canh, lập ấp ở vùng này !

Đó là 3 đạo sắc của các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định cho vị thần triều Lê là Nguyễn Quý Công. Cả 3 đạo sắc phong đều có nội dung tương tự như nhau. Sắc triều Thành Thái có nội dung như sau (bản phiên âm):


Sắc phong thời Thành Thái lưu
ở nhà thờ họ Nguyễn Hữu.

"Sắc Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Đại Điền xã phụng sự. Bản thuộc Dực Sơn Lê triều Nguyễn Quý công chi thần. Nẫm trứ linh ứng hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa trẫm mệnh diến niệm thần phủ, trước phong vi Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai!


Thành Thái thập lục niên, thập nhất nguyệt, nhị thập ngũ nhật".


Tạm dịch nghĩa:


"Sắc cho xã Đại Điền, huyện Lương Sơn phụng thờ vị thần là: Bản thuộc Dực Sơn Lê triều Nguyễn Quý Công.


Thần rất linh ứng, từ trước chưa được dự phong thưởng. Nay ta vâng theo mệnh lớn, nhớ tới công lao của thần, đáng được phong là: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Nay chuẩn cho thờ Thần như trước. Thần hãy giúp dập che chở cho nhân dân. Hãy kính noi theo!


Ngày 25 tháng 11 năm Thành Thái 16 (1904)".


Theo sắc phong trên, Thần là người có công với dân với nước nên được phụng thờ ở xã Đại Điền. Thần có vị hiệu: Bản thuộc Dực Sơn Lê triều Nguyễn Quý Công chi thần, tức là vị thần đáng kính, tự là Dực Sơn, họ Nguyễn, có công với bản xã từ triều Lê.


Vùng đất xã Đại Điền, xưa gọi Mạc Điền, chính là Khả Lưu - Bồ Ải, nơi đã diễn ra những trận đánh hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt quân giặc Minh xâm lược trên đường tiến quân xuống vây thành Nghệ An, sau khi làm nên chiến thắng "Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay". Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép: "Cửa ải Khả Lưu ở xã Mộ Điền, thuộc huyện Nam Đường. Hai dòng sông từ Thanh Chương, Hội Lâm đến đấy cùng hợp lại. Hai bờ bên tả bên hữu, núi cao rừng rậm, quanh đi quanh lại nhiều đoạn. Lê Thái Tổ đánh nhau với Phương Chính, Sơn Thọ nhà Minh ở đấy" (Chữ Mộ Điền, có thể đọc là Mạc Điền cũng được).


Theo Việt sử Thông giám cương mục thì: "Khả Lưu tên cửa ải xưa, ở bờ phía bắc sông Lam, thuộc huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An".


Trong tạp chí Nam Phong, số 136/ Nguyễn Đức Tánh - Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, có chép: "Cửa quan Khả Lưu (tức làng Đại Điền, tổng Lãng Điền, phủ anh Sơn bây giờ)".


Theo Đại Nam nhất thống chí và chú giải sách Dư địa chí thì, huyện Nam Đường là đất châu Hoan Đường thời Tiền Lê. Thời Lê đặt làm huyện Nam Đường, thuộc phủ Anh Đô. Năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) vì kỵ húy nhà vua, nên đổi làm Nam Đàn. Huyện Nam Đường thời Lê gồm đất hai huyện Nam Đàn và Anh Sơn nay. Phủ Anh Đô là tên đặt từ thời Lê, đến năm Minh Mệnh 3 (1822) đổi tên là phủ Anh Sơn. Phủ Anh Đô thời Lê gồm đất bốn huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn nay. Đến năm Minh Mệnh 21 (1840) cắt 4 tổng của huyện Nam Đường và 1 tổng của huyện Thanh Chương lập thành huyện Lương Sơn. Huyện Lương Sơn nay là đất huyện Anh Sơn. Có lẽ, xã Mạc Điền đổi thành Đại Điền từ triều Nguyễn. Sau khi giành chính quyền (Cách mạng tháng 8/1945), Đại Điền thuộc xã Kim Long. Đến cải cách ruộng đất, Kim Long chia ra làm 5 xã: Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Thạch Sơn, Vĩnh Sơn thuộc huyện Anh Sơn. Tên xã Vĩnh Sơn có từ đấy. Gia đình cụ Đặng Văn Tráng ở Vĩnh Sơn có lưu giữ 7 quyển sổ đinh điền bằng chữ Hán có ghi địa danh như sau:


- Quyển Điền thổ làm ngày 20/2 năm Minh Mệnh 13 (1832) ghi ở trang đầu: Anh Sơn phủ, Nam Đường huyện, Lãng Điền tổng, Mạc Điền xã.


- Sổ đinh lập ngày 20/10/năm Thiệu Trị 6 (1846) ghi: Anh Sơn phủ, Lương Sơn huyện, Lãng Điền tổng, Mạc Điền xã.


- Sổ đinh làm năm Tự Đức 23 (1870); thứ 31 (1878 ); sổ đinh năm Thành Thái 7 (1895) và Bảo Đại năm 1944, đều ghi: Anh Sơn Phủ, Lương Sơn huyện, Lãng Điền tổng, Đại Điền xã.


Như vậy, qua sử sách chúng ta biết được địa danh xã Đại Điền được ghi trong sắc phong triều Thành Thái chính là xã Mạc Điền triều Lê, là đất Khả Lưu - Bồ Ải nổi tiếng trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi và nay chính là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Vùng đất này về sau còn là đất chiến địa của Lê - Mạc, rồi bị bỏ hoang cho đến tận triều Lê Mạt. Ông tổ họ Nguyễn Hữu làm quan dưới triều Lê Trung hưng đã trở lại vùng đất này mà một thời ông từng góp chiến tích cho Vua Lê, để khai khẩn đất hoang, lập ra làng mạc mới vào đầu triều Nguyễn.


Tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu còn lưu các bức đại tự và biển gỗ chữ Hán cổ. Các đại tự như: Phụng tổ đường, Nguyễn gia quang từ... Riêng biển gỗ có khảm lưỡng long, hoa văn hoa lá quí và có bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt chữ Hán đều được khảm xà cừ rất cầu kỳ, treo ngay dưới đại tự Phụng tổ đường. Theo cụ Nguyễn Hữu Kiếng, người được dòng họ giao ghi chép, biên tập gia phả dòng họ, thì biển gỗ này là do nhân dân Đại Điền cho làm để nhớ ơn và thờ ông tổ họ Nguyễn Hữu có công khai cơ sau khi mất. Bài thơ có nội dung như sau:


Phiên âm (của cụ Bùi Văn Chất):

Tại thị qui hoàn kính,

Danh nghĩa Đức Hoa Ông.

Hợp tác chi bát nhã,

Nhân kỳ đại thiên công.

Dịch nghĩa:

Đây là nơi nghỉ hưu sớm,

Ông có tên được gọi cung kính là Đức Hoa.

Khi trí tuệ được hợp tác lại (đã chín),

Thì con người kỳ lạ ấy có thể thay được công việc của trời.

Tạm dịch thơ:

Đất này nơi hưu sớm,

Ông hiệu là Đức Hoa.

Trí tuệ cùng phát tiết,

Làm việc thay cả trời.


Ông Tổ khai canh họ Nguyễn Hữu được gọi là Đức Hoa vì ông có nhiều công lao đóng góp làm việc nghĩa cho làng tổng Đại Điền, Lãng Điền. Ông không quản ngại gian khó khi đưa con cháu và vận động các gia đình lên vùng đất hoang vắng để đào núi, khởi ruộng rẫy, xây đắp, lập ra làng xã mới. Ông cũng từng đóng góp tiền của chính và làm chủ trì việc dựng đình Đại Điền, nên tên đình được gọi là Đức Công. Đình Đức Công là nơi dân xã hội họp mỗi khi có công việc lớn của xã và cũng là nơi dân làng nghỉ mát khi đi làm đồng về... Ông còn dựng nhà ở trên động núi để dân đi làm rẫy, hoặc đi rừng lấy gỗ củi về có chỗ nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe trước khi về làng, nên dân kính cẩn gọi nơi ấy là động Đức Hoa Công. Đấy là nơi có tên gọi là Rú Rặt ở giữa làng Hào, làng Hộ và cũng là nơi dân chung tay xây dựng nên đền thờ ông với tên gọi là Dực Sơn, như trong các sắc phong đã ghi.


Họ Nguyễn Hữu từ Kẻ Kia, nay thuộc xã Nam Thượng đến Mạc Điền, nguyên gốc tổ ở Thanh Hóa, thuộc dòng dõi chúa Nguyễn vào mở đất phương Nam trụ lại. Dòng họ Nguyễn Hữu ở Nghệ An sinh nhiều nhân vật nổi tiếng đất nước. Ở Thanh Văn, Thanh Chương có Nguyễn Hữu Điển đậu Tiến sĩ khoa Quý Sửu - Tự Đức 6 (1853), làm quan đến Tri phủ Bình Giang, tuẫn tiết khi cầm quân chống nhau với bọn thổ phỉ theo Pháp, được triều Nguyễn truy tặng Hàn lâm viện Thị độc.

Ông là di duệ của Nguyễn Hữu Trác, Giám sinh Hội trúng tam trường thời Lê Thần Tông, làm quan đến Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thượng trụ quốc, Thượng giai, Binh bộ Thượng thư, Đô tri phủ nội sự, kiêm Tào Chánh sứ, tước Trác Quận công. Dòng ở đông nam huyện Nam Đàn, thủy tổ của họ Nguyễn Hữu, Kim Nhan, Anh Sơn có Nguyễn Hữu Chí làm quan đến Tiền trung viện Tướng quân, Kim ngô Đô đốc chỉ huy sứ, Lục sự Án sát quân cơ, Thiểm sự, Thành Hùng bá, Phó sư sự Chính đạo, ích trung tín... Vĩnh Sơn có Nguyễn Văn Định học Luật ở Pháp, làm quan cố vấn trong triều đình Huế. Con gái họ Nguyễn Hữu đi làm dâu được vẻ vang như bà Nguyễn Thị Quang phu nhân cụ Nghè Giá. Cụ Nguyễn Văn Giá (1872 - ?), quê ở Tri Lễ (Phúc Sơn), thi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Quí Sửu - Duy Tân 7 (1913), làm quan Huấn đạo Phú Vang, thăng Viên ngoại lang bộ Hình... Dòng họ Nguyễn Hữu ở Vĩnh Sơn ngày nay vẫn phát huy được truyền thống của tổ tiên, yêu nước, cần cù lao động, có nhiều người đậu đạt cao và cống hiến công sức mình cho cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, góp sức trong sự nghiệp xây dựng đất nước giàu đẹp, đổi mới.

Tiêu biểu như: Nguyễn Văn Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Pháp - Việt Đô Lương; Nguyễn Văn Đàn, đậu Tú tài Tây, dạy học và phụ trách Thư viện - nhà truyền thống ở Trường Huỳnh Thúc Kháng; GS, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quỳnh, nguyên Giám đốc Từ điển bách khoa Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thọ ở Bộ Nông nghiệp; GS.TS. Nguyễn Năng Vĩnh, dạy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Nguyễn Năng Yên, nguyên là chuyên gia Ăng- gô- la, dạy ở Trường Đại học Vinh, v,v...


Nhà thờ họ Nguyễn Hữu, Vĩnh Sơn, với những hiện vật và tài liệu quí, như các đạo sắc phong còn được lưu giữ, cũng là nơi sản sinh ra các nhân vật có công lao đóng góp cho đất nước cần được xếp hạng để bảo vệ, xây dựng thành nơi giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ trẻ ở một vùng đất còn rất hiếm có về di tích.


Đào Tam Tỉnh

Mới nhất

x
Phát hiện 3 đạo sắc phong cho vị thần triều Lê họ Nguyễn Hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO