Phát hiện giống người nguyên thủy mới
Các nhà khoa học vừa tìm thấy dấu tích của một giống người nguyên thủy mới, sống cách đây gần 4 triệu năm ở Ethiopia.
Các mảnh hóa thạch xương hàm trên và dưới được phát hiện ở Ethiopia. Ảnh: ITV |
Các nhà nghiên cứu xác định, những mảnh xương hàm trên và hàm dưới được phát hiện ở vùng Afar, Ethiopia có niên đại cách đây khoảng 33,3 - 3,5 triệu năm. Điều này ám chỉ, loài vượn người này sống cùng thời với nhiều giống người nguyên thủy khác. Nó cũng cho thấy, sơ đồ phả hệ của loài người phức tạp hơn phỏng đoán của chúng ta lâu nay.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, giống người nguyên thủy mới được đặt tên là Australopithecus deyiremeda, có nghĩa là "họ hàng gần gũi" trong ngôn ngữ của người Afar.
Các mảnh xương hàm khai quật ở Afar được cho là thuộc về 4 người Australopithecus deyiremeda, vừa sở hữu các đặc điểm giống vượn, vừa có các đặc điểm giống người hiện đại.
Tiến sĩ Yohannes Haile-Selassie, chuyên gia nhân chủng học thuộc Bảo tàng tự nhiên Cleveland (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đã phải xem xét chi tiết các đặc điểm giải phẫu học và hình thái học của các răng cũng như xương hàm trên và hàm dưới, và đã khám phá ra các khác biệt quan trọng.
Giống người nguyên thủy này có bộ hàm vô cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy họ sở hữu các răng nhỏ hơn. Răng nanh thực sự nhỏ, nhỏ hơn răng nanh của bất kỳ giống vượn người nào từng được biết đến trước đây".
Tuổi của các hóa thạch ám chỉ, đây có thể là một trong 4 giống người nguyên thủy khác nhau từng tồn tại cùng thời điểm trên Trái đất. Nổi tiếng nhất trong số này là giống người Australopithecus afarensis, với đại diện là Lucy, sống cách đây khoảng 2,9 - 3,8 triệu năm và ban đầu từng được cho là tổ tiên trực tiếp của chúng ta.
Dẫu vậy, việc khám phá ra giống người nguyên thủy khác có tên gọi Kenyanthropus platyops ở Kenya vào năm 2001, giống người Australopithecus bahrelghazali ở Chad và hiện là giống người Australopithecus deyiremeda, chứng tỏ có nhiều giống người cùng chung sống trên Trái đất.
Tiến sĩ Haile-Selassie giải thích thêm rằng, trước đây, vì không có bằng chứng hóa thạch chứng tỏ sự đa dạng của các giống vượn người giữa kỷ Pliocene, các nhà khoa học từng cho rằng chỉ có một dòng giống người, một tổ tiên nguyên thủy - Australopithecus afarensis - của người hiện đại. Tuy nhiên, các khám phá về những giống người mới đã làm lung lay giả thuyết về sự tiến hóa dòng giống ấy. Có thể nhiều giống người nguyên thủy đã cùng góp phần dẫn tới sự ra đời của các giống người sau, kể cả người hiện đại.
Tiến sĩ Haile-Selassie nhấn mạnh, các nhà khoa học vẫn cần khai quật thêm nhiều hóa thạch để hiểu rõ hơn về con đường tiến hóa của loài người.
Theo Vietnamnet