Phát hiện nhiều mảnh vỡ gốm sứ cổ tại Quảng Ngãi
Sau gần 10 ngày tiến hành khai quật khảo cổ tại đồn Tân Long Hạ (nằm sát với Di tích văn hóa cấp Quốc gia Trường Lũy), thuộc xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam, trong đó còn có nhà khảo cổ học người Italy Federico Barocco và nhà khảo cổ học nữ người Pháp Béatrice Wisniewski, đã phát hiện nhiều mảnh vỡ ra từ các lu, hũ, âu được dùng để đựng mắm muối.
Theo các Nhà khảo cổ học nhận định, những đồ gốm sứ này phần lớn đều có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, có nguồn gốc Trung Hoa, Bắc Việt. Điều này cho thấy ở đây đã có sự thông thương, trao đổi hàng hóa từ nhiều nơi khác đến vào thời kỳ thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Các nhà khảo cổ còn cho biết, những đồ gốm sứ này có thể xác định được niên đại vì nó có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam hoặc từ Trung Quốc. Niên đại này cũng phù hợp với di tích Trường Lũy, chủ nhân của đồn này là những người lính và được xây dựng bằng đá trộn lẫn với đất và cát sông, có hình vuông, một cửa phía Nam.
Tại hiện trường, sau khi nạo lớp đất mặt, các nhà khảo cổ học đã phát hiện lẫn trong lớp đất có nhiều mảnh gốm, nhận định đây là một gian bếp ăn của đồn lính nên bắt đầu khai quật.
Theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng nghiên cứu kỹ thuật cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định ban đầu, đây là quy mô về một một đồn nằm trên hệ thống Trường Lũy mà ở Quảng Ngãi được gọi là Đạo, là nơi đóng quân của lính, có hình vuông có chiều dài khoảng 30 mét được xếp bằng đá, ở ngoài đường có hệ thống hào để chống sự xâm nhập từ bên ngoài và cũng được xếp bằng đá để kè cho chắc chắn. Hai bên góc đối diện nhau có những cái trụ tháp xây lên để làm cái gác và cách Trường Lũy về phía Đông khoảng 20 mét. Đồn này có vị trí và nhiệm vụ bảo vệ Trường Lũy và kiểm tra, kiểm soát sự thông thương đi lại giữa các con đường mòn dọc theo Trường Lũy ngày xưa.
“Mặc dù cuộc khai quật chưa kết thúc nhưng những hiện vật đầu tiên, những kết quả đầu tiên cho thấy ở đây có rất nhiều gốm, trong đó có gốm men xuất xứ Trung Hoa, gốm Bát Tràng (Hà Nội) men xanh, trắng. Bên cạnh đó là rất nhiều những đồ đất nung, phần lớn đã vỡ ra từ những cái nồi và trên đó còn dấu vết của rất nhiều chi tiết để khẳng định đó là những cái nồi như có những vết cháy đen ở dưới và rất nhiều tro than. Điều này chứng tỏ ở đây xưa kia có một cái bếp khá lớn”- tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông cho biết thêm.
Ngày 1/4, Đoàn công tác của ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Áo, một người con của quê hương Quảng Ngãi đã tổ chức về thăm và gắn biển công trình khai quật khảo cổ Đồn Tân Long Hạ.
Toàn bộ kinh phí để khai quật khảo cổ Đồn Tân Long Hạ và gắn biển công trình đều được tài trợ bởi ông Nguyễn Thiệp, quyên góp từ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.
Dự kiến công trình khai quật này sẽ được tiến hành trong vòng một tháng./.
Theo TTXVN