Phát huy hiệu quả bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cơ sở
(Baonghean.vn) - Năm 2018, sau hơn 1 năm chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, công tác dân số của Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh đông dân, chất lượng dân số không đồng đều, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao thì thách thức của ngành dân số trong thời gian tới vẫn rất lớn. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019.
Lễ phát động Tháng Quốc gia về Dân số năm 2018 tại huyện Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà. |
P.V: Thưa bác sỹ Nguyễn Bá Tân, năm 2018, một số điều chỉnh về chính sách dân số đã tác động rất lớn đến công tác dân số. Bên cạnh đó, việc nhiều người dân, thậm chí cán bộ, đảng viên đã hiểu chưa đúng và truyền miệng về việc Đảng và Nhà nước không hạn chế sinh con thứ 3 trở lên cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS - KHHGĐ tại cơ sở. Nhìn lại 1 năm hoạt động, bác sỹ có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Bác sỹ Nguyễn Bá Tân: Quyết định số 11/2018/QĐ - UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 43/2015/QĐ - UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/2/2018. Trong những tháng đầu tiên triển khai, đã phát sinh lúng túng ở cơ sở, nhất là trong việc đề xuất các hình thức xử lý vi phạm chính sách dân số. Bên cạnh đó, công tác dân số vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý của nhiều gia đình vẫn thích đông con, muốn có con trai nối dõi tông đường. Trong khi đó, kinh phí hoạt động theo chương trình mục tiêu y tế bị cắt giảm dần, nguồn lực ở các địa phương chưa đủ để cung cấp cho các hoạt động dân số.
Nhìn trên diện rộng, mặc dù công tác dân số đã chuyển trọng tâm từ Dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển, nhưng ở Nghệ An vẫn phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là nỗ lực để đạt mức sinh thay thế. Về phía ngành, trong năm 2018, đã có rất nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động để góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nhân dân trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đối tượng để truyền thông và cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cũng đã được mở rộng hơn, trong đó chú trọng đến phụ nữ đang trong độ tuổi có mức sinh cao, vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi...
Lãnh đạo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Sở Y tế và Chi cục Dân số - KHHGĐ tham quan mô hình tư vấn về SKSS cho học sinh huyện Yên Thành. Ản: Mỹ Hà |
Đặc biệt, trong năm 2018, ngành đã tổ chức thành công chương trình gặp mặt biểu dương 30 gia đình giáo dân tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, tạo sự lan tỏa trong đông đảo nhân dân.
Với những nỗ lực này, dự kiến cả năm 2018, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh giảm gần 5.000 trẻ so với năm 2017. Tỷ suất sinh thô 16,15%0, giảm 0,3%0. Tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đạt gần 100% kế hoạch đề ra.
P.V:Nghệ An hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về dân số, đó là mức sinh còn cao, tỷ lệ mất cân bằng giới tính chưa trở về mức bình thường và tỷ lệ sinh con thứ 3 toàn tỉnh vẫn đang trên 22% (cao hơn 5,3% so với các năm trước). Theo bác sỹ, nguyên nhân vì đâu và để đạt mức sinh thay thế theo như mục tiêu đã đề ra, chúng ta cần có những điều kiện nào?
Bác sỹ Nguyễn Bá Tân: So với các địa phương khác, xuất phát điểm của công tác dân số Nghệ An có nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, dân số đông (đứng thứ 4 cả nước) và chất lượng dân số không đồng đều, có sự chênh lệch giữa vùng, miền. Các chỉ số cho thấy, hiện nay tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, chủ yếu tập trung ở vùng biển, vùng đặc thù và những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Gặp mặt, tuyên dương các gia đình giáo dân làm tốt chính sách dân số. Ảnh - Đức Anh |
Để đạt mức sinh thay thế không thể trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình. Trước tiên, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, để người dân thấy được hiệu quả của mô hình gia đình ít con. Ngoài ra, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, thống nhất nhận thức hành động và xem dân số là một nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các ngành, các địa phương. Đồng thời, củng cố, mở rộng dịch vụ DS - KHHGĐ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tăng cường đầu tư vào công tác dân số, có thêm các chính sách cho vùng đặc thù, vùng sinh đông con và những nơi đời sống còn nhiều khó khăn.
P.V: Trong năm 2018, một trong những vấn đề được bàn nhiều nhất của ngành Dân số chính là đề án sáp nhập các trung tâm dân số ở các huyện, thành, thị. Đến thời điểm này, kế hoạch sáp nhập đã triển khai đến đâu và ngành Dân số sẽ “được” và “mất” gì sau khi sáp nhập?
Bác sỹ Nguyễn Bá Tân: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW lần thứ 6 (khóa XII), ngành Y tế Nghệ An đã xây dựng Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số huyện và Trung tâm Y tế huyện; đến nay Đề án đã được thông qua UBND tỉnh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đề án gặp rất nhiều khó khăn vì tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ cấu vị trí việc làm chưa có. Vì thế, khi xây dựng đề án chủ yếu đơn thuần theo phương pháp cộng số học, hơn nữa khi tham khảo các tỉnh khác cũng nhận thấy rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng đề án.
Truyền thông về chính sách dân số cho người dân vùng sông nước huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mỹ Hà |
Hiện nay, bộ máy làm công tác dân số ở Nghệ An đã được xây dựng, kiện toàn liên tục trong hơn 10 năm (từ năm 2008) đã và đang hoạt động có hiệu quả. Toàn tỉnh có 468 viên chức dân số xã (còn 12 xã, thị chưa có viên chức dân số); có 21 trung tâm DS - KHHGĐ tuyến huyện hoạt động rất hiệu quả. Nếu tiến hành sáp nhập khi chưa đủ điều kiện thì những lợi thế, những tham mưu có hiệu quả về công tác dân số sẽ không được tận dụng. Trong khi đó, Nghệ An vẫn là một tỉnh có mức sinh cao thứ 7 trên cả nước, sinh con thứ 3 trở lên đang trên 22%, mất cân bằng giới tính khi sinh cao (115/100); chất lượng dân số ở mức thấp của cả nước.
P.V: Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện công tác dân số ở cơ sở đã đi vào nề nếp, với đội ngũ cộng tác viên, viên chức trải rộng đến từng thôn, bản. Nay, nếu thay đổi về cơ cấu, cơ quan quản lý thì họ sẽ hoạt động như thế nào và liệu có tác động xấu đến thành quả mà ngành Dân số đã nỗ lực phấn đấu trong nhiều năm qua? Ý kiến của bác sỹ về vấn đề này như thế nào?
Bác sỹ Nguyễn Bá Tân: Như đã nói, vai trò, hiệu quả công tác của đội ngũ viên chức dân số cấp xã, cấp huyện đang đạt hiệu quả cao nhất; công tác quản trị, quản lý đang được tiến hành chặt chẽ, có hệ thống. Nếu điều kiện chưa cho phép mà chúng ta tiến hành sáp nhập thì công tác quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng và hiệu quả công tác sẽ không cao.
Tiếp thị về phương tiện tránh thai tại huyện Con Cuông. Ảnh - Mỹ Hà |
Theo tôi trong giai đoạn hiện nay, việc tinh giản biên chế là quan trọng nhất, đảm bảo đến năm 2021 giảm được 10% biên chế so với năm 2016. Đồng thời từng bước thí điểm một số mô hình theo đề án mới, khi thấy phù hợp, hiệu quả mới tiến hành. Trên thực tế, gần 30 năm qua, cơ cấu tổ chức ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều thay đổi, “nhập” rồi “tách”, “tách” rồi “nhập” và cho đến nay, bộ máy ngành Y tế từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh vẫn chưa ổn định.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!