Phát huy hiệu quả cây thuốc nam
(Baonghean) - Phương châm "Nam dược trị Nam nhân” của danh y Tuệ Tĩnh ngày càng phát huy hiệu quả trị bệnh cứu người. Thời gian qua, ngành y tế NGhệ An đã chú trọng đến việc phát triển các loại cây thuốc Nam. Tuy nhiên, để đi đến mục tiêu “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn” thì cần rất nhiều nỗ lực…
Thuốc tại vườn
Mỹ Lý là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Kỳ Sơn. Xã có 12 bản với 1.102 hộ, trên 5.000 nhân khẩu (chủ yếu là bà con dân tộc Thái, Mông và Khơ mú). Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, 86% là hộ nghèo. Bà con ốm đau, trăm sự đều phải dựa vào các y, bác sỹ ở trạm y tế xã. Công tác khám, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, người bệnh ra được đến trung tâm xã thì đã chuyển biến xấu, hơn nữa bà con ở đây đều rất nghèo… Làm sao để nâng cao sức khỏe cho người dân, đó là trăn trở lớn đối với những người làm công tác y tế. Đúng lúc, chủ trương khuyến khích phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền của Bộ Y tế, ngành Y tế Nghệ An và huyện Kỳ Sơn được ban hành. Trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng vườn thuốc nam và tuyên truyền giới thiệu về cây thuốc nam tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Y sỹ Vi Văn Thắng, Trạm trưởng Y tế xã Mỹ Lý cho biết: Sau khi trạm y tế được xây mới, trạm bắt tay vào xây dựng vườn thuốc nam với diện tích 40m2, trên 30 loại cây thuốc thường gặp, dễ trồng như: Ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, rẻ quạt, đinh lăng… Những loại cây thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ xương khớp... Sau khi xây dựng xong vườn thuốc nam, trạm y tế tiến hành tuyên truyền tới bà con thông qua việc xây dựng bảng hình ảnh và thông tin về công dụng của các cây thuốc nam chữa các bệnh thường gặp để người dân tìm hiểu. Ngoài ra, cán bộ y tế trạm đều trang bị cho mình những kiến thức về các bài thuốc nam đơn giản để hướng dẫn người dân thực hiện; trạm tham mưu đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy - HĐND - UBND xã để chỉ đạo thực hiện.
Việc xây dựng vườn thuốc nam ở trạm cũng như tại gia đình ở các bản đã mang hiệu quả tốt. Chị Kha Thị Ngọc, 27 tuổi, bản Piêng Pèn cho biết: Vừa qua, con trai chị là cháu Lô Minh, 4 tuổi tay bị bỏng nước sôi nặng. Chị được các y sỹ ở trạm hướng dẫn về nhổ cây mã đề, nghệ, lá bỏng trồng quanh vườn về rửa sạch, giã đắp lên vết thương. Sau chừng một tuần là vết bỏng khỏi hẳn… Y sỹ Thắng cho hay: Mỗi tháng có khoảng trên 200 người dân đến trạm khám, chữa bệnh. Mỗi lần khám, chữa bệnh như vậy, y, bác sỹ ở trạm đều tuyên truyền cho người dân về hiệu quả cây thuốc nam như dùng diếp cá để hạ sốt, lá ổi để chữa tiêu chảy, viêm họng thì dùng hạt lựu, rễ cây chanh, rễ cây dâu, hay rễ cây rẻ quạt. Đến nay có rất nhiều gia đình trong xã đã trồng các loại cây thuốc nam quanh nhà để chữa bệnh.
Ở Trạm Y tế xã Hữu Kiệm, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc nam để chữa bệnh đạt khoảng 30%. Chị Vi Thị Khuyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã kể: Bản mường nào của người Thái, người Mông, người Khơ mú cũng có những người già biết đi hái thuốc, chữa bệnh. Bản thân từng biết đến nhiều cây thuốc nam từ thủa nhỏ, mỗi lần đau ốm luôn được mẹ dùng cây cỏ quanh vườn nhà làm thuốc chữa bệnh, sau này lại bén duyên với nghề y, tiếp cận với nhiều bài thuốc đông y đơn giản mà công hiệu, chị càng hiểu rõ hơn tác dụng to lớn của cây thuốc Nam đối với sức khỏe con người và quyết tâm làm cho người dân trong vùng hiểu về giá trị của cây thuốc và sử dụng nó để chữa bệnh.
Trạm Y tế xã Hữu Kiệm xây dựng vườn thuốc nam mẫu trên một phần diện tích của trạm với hơn 40 cây thuốc các loại. Trạm đã đưa y học cổ truyền đến với người dân thông qua tuyên truyền, giới thiệu cây thuốc và tác dụng chữa bệnh của mỗi loại cây. “Mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều biện pháp như: hướng dẫn về cây thuốc nam cho người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm; tuyên truyền qua đội ngũ các cộng tác viên y tế xã, thậm chí tuyên truyền qua những người bệnh đã được chữa khỏi bằng phương pháp y học cổ truyền…
“Thầy tại nhà, thuốc tại vườn, điều trị tại chỗ”, thực hiện tốt phương châm này mà các bài thuốc đông y đã dần dần được ứng dụng rộng rãi trong người dân xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (xã đạt các tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020). Bác sỹ Đậu Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: Việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng, các trạm y tế phường, xã còn khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần. Bên cạnh đó, các vườn thuốc nam còn tạo cảnh quan, tăng không gian xanh, trong lành cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Trạm luôn chú trọng việc kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa hạn chế khả năng xảy ra tác dụng phụ đối với người bệnh…
Còn nhiều khó khăn
Rõ ràng thuốc nam có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị bệnh. Tuy vậy để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc nam cũng như đưa thuốc nam vào điều trị tại trạm y tế cũng đang gặp khó. Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, cho biết: Hiện hầu hết các trạm y tế xã, thị trấn đều xây dựng được vườn thuốc nam mẫu. Tuy nhiên, việc duy trì vườn thuốc là không đơn giản nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thứ đến, để ứng dụng thuốc nam còn khó khăn ở trang thiết bị và thiếu đội ngũ cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền. Các trạm xá không có đội ngũ chuyên khoa, nếu hợp đồng ngoài thì khó quản lý và giám sát chuyên môn. Và ngay cả y sĩ y học cổ truyền khi về công tác tại trạm muốn thực hiện được việc bắt mạch, bốc thuốc cũng cần phải được đào tạo thêm mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Hiện tại, các trạm mới chủ yếu tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh…
Chăm sóc vườn thuốc nam ở Trạm Y tế phường Hà Huy Tập (TP. Vinh). |
So với các trạm y tế ở miền núi, thì việc phát huy hiệu quả vườn thuốc nam, chữa bệnh bằng đông y tại các trạm y tế ở đồng bằng có nhiều thuận lợi hơn. Tại Trạm Y tế phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), các y, bác sỹ ở đây đã dành hơn 30m2 để làm vườn thuốc mẫu và trồng đủ 60 loại cây thuốc với 9 nhóm thuốc. Đồng thời, tại mỗi loại cây thuốc đều có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi, bộ phận sử dụng và công dụng của cây thuốc. Việc chăm sóc được tiến hành thường xuyên đảm bảo cây thuốc phát triển tốt. Trạm đầu tư phòng chẩn trị y học cổ truyền có đủ trang bị tối thiểu phục vụ cho công tác khám và điều trị, gồm một quầy thuốc, tủ thuốc nhiều ngăn, máy điện châm, đèn hồng ngoại, bộ giác hút, và các dụng cụ phụ trợ như dao cầu, thuyền tán, máy nghiền dược liệu, máy thái thuốc. Trạm còn bố trí phòng châm cứu, phòng sơ chế thuốc. Bác sỹ Trần Đình Cần, trạm trưởng cho hay: Một thuận lợi khác đó là đội ngũ thầy thuốc cổ truyền trên địa bàn đông, rất nhiều người tích cực tham gia công tác khám, chữa bệnh. Hoạt động của các hội, đoàn thể, khối xóm đều rất mạnh nên thông qua đó các bài thuốc, tác dụng cây thuốc nam đều được tuyên truyền đến tận mọi người dân. Người dân trong phường đều có ý thức tốt về hiệu quả của đông y, cây thuốc nam.
Tuy nhiên, số trạm y tế làm được như phường Hà Huy Tập mới chỉ đếm trên “đầu ngón tay”, có thể kể như Trạm Y tế xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu, Trạm Y tế xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên… Ở nhiều trạm y tế vì nhiều lý do vẫn chưa xây dựng được vườn thuốc mẫu, và nếu có thì vườn thuốc mẫu của trạm nghèo nàn, còi cọc, thậm chí có những loại cây thuốc chỉ còn trơ lại bảng tên. Được biết, trên toàn tỉnh vẫn chưa có trạm y tế nào có thể sản xuất thuốc viên, hoàn tán. Dược sỹ Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, cho biết: Những năm qua, tỉnh ta rất chú trọng đến công tác phát triển nền y, dược học cổ truyền, nhất là việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Tuy nhiên, việc áp dụng cây thuốc nam, y học cổ truyền tại các trạm y tế vẫn chưa đạt, chưa có đến 40% số bệnh nhân được điều trị bằng y học cổ truyền.
Thời gian tới, ngành Y tế và Hội Đông y tiếp tục chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng được ưu tiên hàng đầu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, lương dược cũng được quan tâm đúng mức. Hiện tại, ngành Y tế đang tập trung công tác phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, tăng cường cán bộ chuyên môn chỉ đạo cho tuyến dưới và xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao, kế thừa bằng các hình thức kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại để từ đó đáp ứng nhu cầu cán bộ cho các tuyến… Để phát triển y học cổ truyền vẫn rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, thầy thuốc và cả người bệnh.
Thanh Sơn