Phát huy hiệu quả nhóm nông dân cùng sở thích

07/12/2014 09:07

(Baonghean) - Với sự giúp đỡ của Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam” (ADDA) do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch tại châu Á tài trợ, những năm qua, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn hình thành nhiều nhóm hộ cùng sở thích về chăn nuôi, trồng trọt... Cách làm này đã chứng minh được hiệu quả ở các địa phương.

Tại xóm 18, xã Nghĩa Trung, nhóm sở thích chăn nuôi lợn được thành lập vào năm 2012 . Hiện nay, nhóm có 8 thành viên. Qua trao đổi, ông Lê Xuân Vinh - nhóm trưởng cho biết: “Việc thành lập nhóm sở thích rất có lợi với nông dân trong chăn nuôi. Khi tham gia nhóm, nông dân được giảng viên của dự án ADDA tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và thường xuyên về kiểm tra, tư vấn hoạt động của nhóm, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh theo định kỳ 3 tháng một lần. Ngoài ra, nhóm trưởng cũng được đi tập huấn kỹ thuật và kiến thức về cách đầu tư, tìm nguồn vốn, lên giá thành sản phẩm từ khi bắt đầu nuôi đến khi bán, tìm đầu ra cho sản phẩm… sau đó về phổ biến cho hội viên. Đặc biệt, lợi ích thiết thực của nhóm là trong các buổi sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, các hội viên cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi, cách lựa chọn con giống, phòng tránh dịch bệnh, chọn thời điểm xuất chuồng lợn thịt có lãi nhất…”.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Hoàng Văn Mơ ở xóm 18, xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn.
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Hoàng Văn Mơ ở xóm 18, xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn.

Trong các hội viên của nhóm, ông Hoàng Văn Mơ là người có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất. Gia đình ông có 2 trang trại nuôi lợn với quy mô 170 con lợn thịt và 4 lợn nái. Bình quân 20 ngày, ông xuất chuồng 20 - 30 con lợn với mức giá hiện tại, cho lợi nhuận mỗi con khoảng 500 ngàn đồng. Hiện nay, ông đang tập trung chăm sóc đàn lợn chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết. Trao đổi với chúng tôi, ông Mơ cho biết: “Trong nghề chăn nuôi lợn, việc chọn được giống có phẩm cấp tốt chiếm 60 -70% thành công. Ngoài ra, ngay từ đầu, người chăn nuôi phải biết hạch toán, đồng thời phải tính toán thời điểm xuất chuồng để có kế hoạch chăn nuôi hợp lý; đồng thời phải biết chủ động phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, điều tiết dinh dưỡng trong từng thời kỳ chăn nuôi lợn… Từ đó dẫn đến tỷ lệ thành công cao hơn”. Với những kinh nghiệm như vậy, trong các buổi sinh hoạt nhóm, ông Mơ đã trao đổi, chia sẻ với những hội viên khác để giúp nhau cùng phát triển. Ông cũng là người cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hội viên trong nhóm.

Một lợi ích khác của nhóm cùng sở thích, đó là các hội viên đóng góp quỹ quay vòng nhằm tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ở nhóm cùng sở thích chăn nuôi lợi của xóm 18, xã Nghĩa Trung, các thành viên đóng góp 200 ngàn đồng/tháng và đến nay, quỹ nhóm đã cho hội viên vay quay vòng được 20 triệu đồng. Tại huyện Nghĩa Đàn, dự án ADDA được triển khai trong thời gian từ năm 2010 – 2014, trong giai đoạn đầu tiên, dự án hỗ trợ mở các lớp tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau. Từ năm 2012, dự án tiếp tục lựa chọn 35 nhóm nông dân cùng sở thích tập huấn về kỹ thuật nâng cao trên các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng bí, các loại cây ăn quả... Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ cho các nhóm xây dựng các công trình hạ tầng với giá trị 25 – 30 triệu đồng/công trình, để không chỉ các nhóm mà cả cộng đồng sở tại được hưởng lợi. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 9 công trình như đường giao thông nông thôn, mương, cống được hỗ trợ xây dựng. Hiện tại, dự án đang triển khai hỗ trợ cho làm 6 công trình tại 6 nhóm.

Qua trao đổi về hiệu quả của các nhóm nông dân cùng sở thích, ông Võ Quang Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Việc xây dựng các nhóm nông dân có cùng sở thích rất có lợi cho nông dân ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Vì nông dân liên kết với nhau trong nhóm nên đầu ra cho sản phẩm được thống nhất về thời điểm, giá cả dẫn đến sản xuất ổn định hơn; đồng thời giúp nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa khi các nhóm được định hướng theo các tổ hợp tác. Theo đánh giá, khoảng một nửa các nhóm hoạt động hiệu quả cao, số còn lại hoạt động tương đối hiệu quả so với khi nông dân chưa liên kết theo nhóm. Hiệu quả hoạt động của các nhóm cũng như các công trình hỗ trợ của dự án cũng góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa bàn. Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2014, nhưng huyện xin gia hạn đến đầu năm 2015. Hội Nông dân huyện cũng đã lựa chọn 4 nhóm điển hình nhất đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới”.

Thành Duy

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Phát huy hiệu quả nhóm nông dân cùng sở thích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO