PV: Thưa bà, năm nay chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản – In và Phát hành với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm khẳng định vai trò to lớn của ngành đối với công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa… góp phần quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vậy, theo bà, so với cả nước, ngành Xuất bản – In và Phát hành của Nghệ An có những đặc điểm riêng gì?
Bà Bùi Thị Ngọc: Nếu lấy mốc ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 122/SL về việc thành lập Nhà in Quốc gia là ngày truyền thống của ngành thì hoạt động xuất bản, in và phát hành ở Nghệ An ra đời khá sớm so với các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản thì chỉ có 7 nhà xuất bản địa phương, trong đó, Nhà Xuất bản Nghệ An luôn được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao về công tác thẩm định, biên tập, cho ra đời nhiều đầu sách có giá trị, tiêu biểu là mảng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia thế, Danh nhân xứ Nghệ, bản sắc văn hóa địa phương…
PV: Trong những năm qua, với vai trò của mình, Nhà Xuất bản Nghệ An đã và đang thực hiện rất nhiều bộ sách theo yêu cầu đặt hàng của tỉnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thị Ngọc: Đặt hàng là nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động xuất bản cả nước hiện nay. Bởi thông qua việc đặt hàng, các nhà xuất bản đã ấn hành nhiều đầu sách giá trị, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách, thành tựu của địa phương, đất nước… Hơn thế nữa, thông qua sách, những kiến thức về nhiều lĩnh vực được truyền thụ đến Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định xuất bản sách đặt hàng của UBND tỉnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên Nhà Xuất bản Nghệ An luôn đầu tư nhiều công sức để trau chuốt mảng này. Có thể kể tên một số đầu sách đặt hàng có giá trị được Nhà Xuất bản Nghệ An thực hiện những năm gần đây như: “Nghệ An toàn chí”, bộ sách “Vè xứ Nghệ” (9 tập), “Nghệ An đất phát nhân tài” do PGS. Ninh Viết Giao chủ biên, “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng chủ biên, “Phan Bội Châu ở Nhật Bản” của tác giả Chu Văn Thông, “Từ điển tiếng Thái” của tác giả Sầm Văn Bình…
PV: Trong những năm gần đây, Giải thưởng Sách Quốc gia đã tôn vinh rất nhiều tác phẩm có giá trị, được trình bày đẹp và được hội đồng chuyên môn đánh giá cao. Liệu đây có phải là một sân chơi còn quá lớn với những nhà xuất bản địa phương, và Nhà Xuất bản Nghệ An đã đặt ra mục tiêu nào để có thể giới thiệu những tác phẩm hay, ý nghĩa đến với bạn đọc cả nước?
Bà Bùi Thị Ngọc: Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, trao giải cho những cuốn sách và bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, được tổ chức lần đầu vào năm 2018; trước đó, giải mang tên Giải thưởng Sách Việt Nam, diễn ra thường niên từ năm 2004.
Với Nhà Xuất bản Nghệ An, chúng tôi tự tin khi hòa nhập vào sân chơi này, bởi chúng tôi ý thức rất rõ thế mạnh của mình. Trước đây, tại giải thưởng Sách Việt Nam vào năm 2012, Nhà Xuất bản Nghệ An đã vinh dự có cuốn sách “Phan Bội Châu ở Nhật Bản” của tác giả Chu Huy Thông được vinh danh giải Đồng Sách hay, đến năm 2015, cuốn “Đất Nghệ” do Tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức bản thảo cũng đã được vinh danh giải Khuyến khích. Đặc biệt, năm 2016, cuốn “Vinh xưa” do tác giả Phạm Xuân Cần sưu tầm, biên soạn đã cùng lúc được vinh danh hai giải: giải Bạc Sách đẹp và giải Đồng Sách hay.
Mỗi nhà xuất bản đều có thế mạnh riêng, chúng tôi thực sự tự tin về mảng sách đất và người xứ Nghệ, bởi từ lâu, mảng đề tài này đã tạo nên thương hiệu nổi bật cho Nhà Xuất bản Nghệ An. Hơn thế nữa, chúng tôi may mắn có được đội ngũ tác giả là các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên đầy nhiệt huyết khắp mọi miền đất nước. Không chỉ được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia mà các đầu sách của Nhà Xuất bản Nghệ An còn được trao tặng các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Nhà nước dành cho PGS.TS Nguyễn Đổng Chi với cuốn “Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh”, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho PGS. Ninh Viết Giao với bộ sách “Vè xứ Nghệ”,… cùng với đó là các giải thưởng khác của các hội Trung ương và Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An…
PV: Qua nhiều năm công tác trong ngành Xuất bản, bà thấy xu hướng đọc hiện nay có gì khác? Ngành Xuất bản phải có sự thay đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của người đọc?
Bà Bùi Thị Ngọc: Nhiều năm qua, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều phương tiện giải trí mới liên tục ra đời, khiến cho người dân bị cuốn theo những “thú vui” mới. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Từ ít đọc, đến ngại đọc, rồi không đọc sách đã trở thành tình trạng đáng báo động ở nhiều người, kể cả giới công sở, trí thức…
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là sách trở nên… thừa. Rất nhiều người vẫn luôn coi sách là người bạn đồng hành tin cậy, là chìa khóa vàng để mở ra mọi cánh cửa cuộc sống, thậm chí có những cuốn sách thực sự làm thay đổi cả một cuộc đời, nhất là các bạn trẻ.
Xu thế đọc sách điện tử cũng đang được giới trẻ ở Việt Nam đón nhận bởi sự tiện lợi và hữu ích của việc ứng dụng công nghệ trong thưởng thức những cuốn sách. Ngoài ra, ngày nay, bạn đọc đang tiến dần đến xu thế đọc sách tinh gọn. Độc giả có quá ít thời gian cho việc đọc sách mỗi ngày nên họ rất cần những cuốn sách tinh gọn ở mọi đề tài. Đây cũng là chủ đề của một cuộc hội thảo gần đây do ngành Xuất bản tổ chức và đã được nhiều nhà xuất bản nắm bắt nhanh chóng.
Thưởng thức sách cũng là một xu thế của giới sành sách trong thời gian gần đây. Bởi bên cạnh giá trị nội dung, họ cũng rất quan tâm đến những bản sách đặc biệt – phiên bản giới hạn, với tiêu chí độc, lạ, đẹp để sưu tầm, trưng bày như một báu vật.
PV: Chuyển đổi số đã tác động khá lớn đến ngành Xuất bản. Theo bà, chuyển đổi số sẽ đem lại những thuận lợi, khó khăn và thách thức nào? Và ngành Xuất bản sẽ cần làm gì để thích ứng với hoàn cảnh mới?
Bà Bùi Thị Ngọc: Chuyển đối số là xu thế tất yếu đối với mọi ngành nghề. Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022 diễn ra Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác định: Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, ngành Xuất bản đã nắm bắt khá nhanh lợi thế của chuyển đổi số để thích ứng hoạt động, nhiều nhà xuất bản đã tận dụng cơ hội “người dân sống chậm” trong những đợt giãn cách xã hội để quảng bá, phát hành những đầu sách phù hợp với thị hiếu mà bình thường trong cuộc sống tất bật, vội vàng, nhiều người không có thời gian để đọc sách,… Nhiều năm qua, thay vì tổ chức các hội chợ, triển lãm sách trực tiếp, ngành Xuất bản đã chủ động tổ chức các hội sách trực tuyến trên sàn điện tử rất hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, xu thế xuất bản điện tử cũng là hướng đi tất yếu của ngành, bên cạnh báo điện tử.
Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cũng là bước cải cách hành chính rất lớn đối với các nhà xuất bản, qua các hệ thống mạng, tác giả ở khắp mọi miền đất nước có thể kết nối với bất cứ nhà xuất bản nào để thực hiện việc xuất bản sách một cách thuận tiện mà không cần phải đi lại. Việc biên tập bản thảo cũng được thực hiện trên máy tính một cách khoa học, hiệu quả.
Những điều nêu trên không có nghĩa là ngành Xuất bản hoàn toàn thuận lợi trước xu thế chuyển đổi số. Đối với độc giả nước ta, việc đọc sách truyền thống vẫn là thói quen cố hữu, bởi, ngoài việc tiếp cận kiến thức, giá trị của sách, bạn đọc vẫn thích cảm giác thú vị của việc lật giở từng trang sách, hít hà mùi giấy mới, lưu giữ những cuốn sách mình yêu thích trên giá sách như những vật kỷ niệm đáng nhớ. Đọc sách khác với lướt web chính là ở chỗ đó. Chính vì thế, xuất bản điện tử ở nước ta tính đến thời điểm hiện nay, theo tôi, vẫn đang ở giai đoạn dần thích ứng.
Ngoài ra, còn một số bất cập của việc chuyển đổi số, đó là hầu hết ban biên tập của các nhà xuất bản đều thực hiện công việc trên máy tính, rất hiệu quả và nhanh gọn, nhưng việc lưu giữ bản thảo lưu theo quy định vẫn phải là bản thảo giấy với các thủ tục hồ sơ khá cồng kềnh, chưa kể một số quy định về hồ sơ theo Luật Xuất bản năm 2012, sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ khá nhiều điểm bất cập.
PV: Được biết, bà vừa được UBND tỉnh đề xuất và được Ban Tuyên giáo Trung ương phê duyệt vinh danh là “Người làm xuất bản tiêu biểu” nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Xuất bản – In và Phát hành sách Việt Nam và lễ kỷ niệm sẽ tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10 tới. Cảm xúc của bà như thế nào đối với phần thưởng cao quý này?
Bà Bùi Thị Ngọc: Tôi thực sự xúc động và rất tự hào khi được nhận phần thưởng cao quý này sau 20 năm hoạt động trong ngành Xuất bản. Thành quả của sự vinh danh này không chỉ của riêng tôi mà là “hoa thơm quả ngọt” của các thế hệ cán bộ, viên chức, lao động ngành Xuất bản Nghệ An trong suốt 70 năm qua dày công vun đắp. Hơn thế nữa, đó cũng là thành quả mà các thế hệ tác giả, cộng tác viên – những người chắp bút viết nên từng trang bản thảo để chúng tôi may mắn được nhận vai “bà đỡ”.
Nhân đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ tác giả, cộng tác viên của Nhà Xuất bản Nghệ An trên khắp mọi miền đất nước – những cánh tay nối dài giúp sứ mệnh của chúng tôi ngày càng vươn cao, vươn xa!
PV: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!