Phát huy lợi thế vườn đồi

24/03/2014 22:58

(Baonghean) - Thời điểm này, nhiều hộ trồng rừng thuộc Vùng Búng - xóm 15, xã Tân Hương (Tân Kỳ) đã cơ bản khép kín diện tích trồng rừng vụ xuân.

Vợ chồng anh Lưu Văn Thanh - xóm 15 nhận khoán 20 ha đất đồi rừng. Nhờ chủ động thuê mướn nhân công kịp thời nên đến nay anh đã triển khai trồng mới 11 ha rừng keo. Dưới chân đồi, anh đã bố trí 2 khu giống dự phòng với số lượng trên 5 vạn cây. Anh Thanh phấn khởi “Trồng rừng vẫn là hướng phát triển kinh tế bền vững nhất trên mảnh đất này. Cây giống đã có HTX cây giống lâm nghiệp Tân Hương đảm bảo. Đầu ra sản phẩm dễ tiêu thụ. Tôi thu hoạch 11 ha keo, trừ đi chi phí vận chuyển, nhân công còn lãi 230 triệu đồng (trong vòng 5-6 năm). Ở Tân Hương, những mô hình trồng rừng có hiệu quả như thế không phải là hiếm. Trải dài trên các khu đồi xóm 4, xóm 7, xóm 8, xóm 14, 15 là những dải rừng nguyên liệu nối theo nhau tạo thành một vùng kinh tế mũi nhọn của xã... Hiện toàn xã đã thực hiện trồng 879 ha rừng/1.135 ha đất lâm nghiệp. Nhiều hộ có từ 20-23 ha rừng trồng.

Đồi cao su của chị Trương Thị Minh - xóm Diễn Châu (Nông trường An Ngãi) xã Tân An.
Đồi cao su của chị Trương Thị Minh - xóm Diễn Châu (Nông trường An Ngãi) xã Tân An.

Sự xuất hiện của cây cao su ở Tân Kỳ đánh dấu sự đổi thay kỳ diệu về kinh tế vườn đồi nơi đây. Đây là năm thứ 9 liên tiếp vườn cao su 0,6 ha của chị Trương Thị Minh - xóm Diễn Châu (xã Tân An) cho thu hoạch. Đầu tư ban đầu cho để trồng cao su khá lớn (trên 65 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, theo tính toán của chị, bình quân mủ nước cao su bán ra đạt 10-12 ngàn đồng/kg, thời điểm cao đạt 25 ngàn đồng/kg. Mỗi năm có 7 tháng thu hoạch mủ (tháng 5 đến tháng 12), bình quân mỗi tháng chị thu nhập 8-11 triệu đồng từ mủ nước và mủ tạp. Mỗi năm, sau khi trừ đi chi phí đầu tư cho khai thác 10 triệu đồng/năm, chị có thu nhập ròng đạt từ 75 triệu - 136 triệu đồng. Chị phấn khởi: “Nhờ cao su mà nhà mình đã trả nợ hết cho ngân hàng. Xây nhà cửa khang trang. Cao su đứng đầu bảng trong thu nhập trên đất vườn đồi ”.

Toàn huyện Tân Kỳ có tổng diện tích tự nhiên trên 76 ngàn ha, trong đó trên 60% diện tích là đất đồi. Với độ dốc phù hợp trên dưới 20 độ, đây đang được xem là một vùng sản xuất chủ lực của huyện. Ông Trần Thức Bá - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ, cho hay: Toàn huyện hiện có trên 14 vạn dân. Nếu chỉ dựa vào việc sản xuất trên đất bãi, đất ruộng và đất đồng thì không làm giàu được. Từ tình hình thực tế của địa phương, quan điểm chỉ đạo của huyện là đẩy mạnh kinh tế vườn đồi theo hướng tạo ra những vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, tập trung như vùng cây nguyên liệu giấy, cây cao su, vùng mía, sắn… Phần lớn các diện tích gò đồi đã được giao cho các hộ nông dân quản lý tùy vào điều kiện, hoàn cảnh sử dụng của hộ cá nhân. Cùng với đó, huyện vận động bà con cải tạo vườn tạp để trồng cây nguyên liệu mía, cao su, trồng cam. Chuyển đổi đất đồi trồng cây ngô kém hiệu quả sang trồng mía. Huyện giao trách nhiệm cho Hội Làm vườn chủ động xây dựng các mô hình kinh tế vườn đồi, tìm cây, con có giá trị sản xuất. Xây dựng các mô hình VAC, VACR có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm để hướng dẫn cho bà con.

Huyện đã xây dựng 5 vùng kinh tế trên đất vườn đồi tập trung. Vùng thứ nhất đó là vùng trồng cây nguyên liệu. Mỗi năm toàn huyện triển khai cho bà con trồng được gần 1 ngàn ha rừng trồng mới. Vùng này rải đều trên nhiều địa phương có quỹ đất rừng nhiều như Tân Hương, Đồng Văn, Tiên Kỳ, Phú Sơn. Vùng thứ hai trồng sắn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy tinh bột sắn Yên Thành, Thanh Chương. Bình quân mỗi năm huyện trồng được 2.000 ha sắn, tập trung chủ yếu tại 14 xã vùng hữu ngạn sông Con như: Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Giai Xuân, Tân Hợp, Tiên Kỳ. Vùng kinh tế tập trung thứ 3 đó là vùng mía. Tính đến nay toàn huyện Tân Kỳ có trên 5.000 ha mía đứng đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào cho Nhà máy đường Sông Con. Trong đó, trên 3.000 ha mía được người dân trồng trên đất vườn đồi. Tại các địa phương Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Phúc, Nghĩa Đồng… mía được trồng thâm canh cho năng suất cao đạt 100-130 tấn/ha. Cây mía đã nâng cao thu nhập cho người dân Tân Kỳ từ 50 triệu đồng (trồng lúa trước đó) lên 90-100 triệu đồng/ha/năm (trồng mía). Vùng kinh tế thứ 5 đó là phát triển gần 1.000 ha đồng cỏ/năm để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Diện tích này tập trung nhiều tại Nghĩa Đồng, Nghĩa Phúc, Tân An. Nhờ đó huyện duy trì và phát triển được đàn trâu, bò lớn của tỉnh.

Nhờ phát huy tốt tiềm năng trong việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung trên đất vườn đồi, đến nay toàn huyện có trên 500 hộ xây dựng mô hình trang trại, gia trại tổng hợp VACR. Bình quân tối thiểu 3ha/ mô hình. Ông Trần Thức Bá cho biết, kinh tế vườn đồi tại Tân Kỳ chiếm tỷ trọng trên 70% tỷ trọng nông nghiệp nói chung trên địa bàn. Thời gian tới huyện tiếp tục thâm canh tăng năng suất cây trồng nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đất vùng đồi.

Lương Mai

Mới nhất

x
Phát huy lợi thế vườn đồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO