Phát huy nội lực, xây dựng Quỳnh Lưu phát triển nhanh, bền vững
(Baonghean) - Năm 2013, nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong quá trình đổi mới và phát triển của Quỳnh Lưu, trong đó, dấu ấn quan trọng nhất là việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quỳnh Lưu gồm 10 xã, trị trấn để thành lập Thị xã Hoàng Mai theo tinh thần Nghị quyết số 47 của Chính phủ, sau nhiều năm thai nghén, dày công chuẩn bị. Sau đó không lâu, ảnh hưởng của cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của huyện; thêm vào đó, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Lưu đã đoàn kết vượt qua mọi trở ngại để về đích thắng lợi.
Lê Đức Cường - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu |
Có thể khẳng định, điều chỉnh địa giới để thành lập TX Hoàng Mai, công tác quản lý có thuận lợi hơn, nhưng Quỳnh Lưu sẽ khó khăn hơn nhiều bởi tỷ trọng công nghiệp giảm, khó cho nguồn thu ngân sách cũng như trong giải quyết việc làm. Vấn đề này đặt ra cho công tác lãnh đạo điều hành yêu cầu mới cao hơn, quyết liệt hơn, bằng những quyết sách, đường hướng cụ thể để khai thác tiềm năng cho mục tiêu tăng trưởng. Trong năm, UBND huyện đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, trong đó có 5 quyết định, 9 chỉ thị, 15 nghị quyết cùng nhiều văn bản khác, tập trung ưu tiên những lĩnh vực quan trọng như cơ chế hỗ trợ phát triển KT – XH, chỉ thị về tăng cường thu ngân sách, công tác quản lý đất đai..., nhằm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế có hiệu quả. Nhờ vậy, trong khó khăn chung và một năm thiên tai thử thách lòng người, Quỳnh Lưu vẫn tìm được hướng đi phù hợp.
Đã có hơn 20/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu vượt xa so kế hoạch, kinh tế tăng trưởng bền vững. Trong đó một số lĩnh vực đạt kết quả cao như: Thu ngân sách đạt 107,3 tỷ đồng; bằng 115% KH tỉnh giao; tổng vốn đầu tư đạt 4.923,7 tỷ đồng; bằng 103,3%KH; sản lượng khai thác thủy hải sản: 49.934 tấn; bằng 150,2%KH... Tổng giá trị sản xuất (giá CĐ 2010) ước đạt 7.070,2 tỷ đồng, bằng 103,6%KH; trong đó, Nông - Lâm - Ngư 2.701,5 tỷ đồng, bằng 106,4%KH; Công nghiệp - XDCB 2.725,1 tỷ đồng, bằng 103,01%KH (Công nghiệp - TTCN 1.616,6 tỷ đồng; xây dựng 1.108,5 tỷ đồng); Dịch vụ 1.643,6 tỷ đồng, bằng 100,2%KH; sản lượng lương thực đạt 92.632 tấn...
Để có được thành quả nêu trên, UBND huyện tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh; lãnh đạo huyện năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển. Năm 2013 là năm tiếp tục khó về nguồn thu, nhưng nhờ UBND huyện ra Chỉ thị số 02 về tăng cường thu ngân sách nhà nước từ đầu năm, nên dù khó khăn chung, Quỳnh Lưu vẫn là đơn vị tốp đầu của tỉnh đạt thành tích cao trong thu ngân sách, với tổng thu dự ước đạt 726,3 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách nhà nước giao ước đạt 107,3 tỷ đồng, bằng 115%KH.
Lĩnh vực kinh tế thủy sản là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế của Quỳnh Lưu, đầu tư vươn khơi bám biển là hướng đi hiệu quả không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Toàn huyện hiện có 1.157 tàu thuyền khai thác thủy sản (trên 90 CV có 599 chiếc). Sản lượng khai thác hải sản cả năm ước đạt 42.638 tấn, bằng 166,52%KH, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Sản lượng nuôi thủy sản ước đạt 6.979 tấn, bằng 93,66%KH. Giờ đây, người dân Quỳnh Lưu đã ứng dụng mạnh mẽ KHCN vào nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả cao như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, An Hòa..; mô hình nuôi tôm he thâm canh sử dụng hệ thống sục khí đáy thay thế quạt nước tại xã Quỳnh Bảng, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất (giá CĐ 2010) cả năm ước đạt 926,46 tỷ đồng, bằng 139,82%KH.
Bến cảng Lạch Quèn. Ảnh: Sỹ Minh |
Một điểm nhấn quan trọng nữa trong năm là thực hiện chương trình xây dựng NTM. Để tạo đà cho xây dựng NTM, huyện đã tổ chức hội thi tìm hiểu xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện; tổ chức cho BCĐ, các ban phát triển thôn đi tham quan học tập kinh nghiệm trong, ngoài huyện. Nhờ đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, động viên nhân dân tham gia đóng góp tiền, công sức, tài sản đất đai để xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, chỉnh trang đồng ruộng. Với nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho xây dựng NTM 24,9 tỷ đồng; nhân dân đóng góp, hiến 260.798m2 đất (gồm đất ở và đất sản xuất), phá dỡ 10.913m tường rào, 116.483 ngày công để chỉnh trang, cải tạo đồng ruộng, làm đường giao thông nông thôn theo chương trình hỗ trợ xi măng, làm giao thông thủy lợi gắn chuyển đổi đất trị giá trên 600,7 tỷ đồng, đã tạo cho Quỳnh Lưu diện mạo nông thôn mới.
Đến nay huyện đã hoàn thành 45 km đường giao thông nông thôn theo chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh; các xã đều có tiêu chí đạt chuẩn tăng từ 1-3 tiêu chí, cụ thể: có 1 xã đạt 7 tiêu chí (Tân Thắng), 2 xã đạt 8 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 6 xã đạt 10 tiêu chí, 6 xã đạt 11 tiêu chí, 4 xã đạt 12 tiêu chí, 3 xã đạt 13 tiêu chí, 4 xã đạt 14 tiêu chí, 3 xã đạt 15 tiêu chí (Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi, Quỳnh Nghĩa) và 1 xã đạt 17 tiêu chí (xã Quỳnh Lương). Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn xây dựng nông thôn mới (trồng lúa với diện tích 30 ha) tại xã An Hòa và xã Quỳnh Ngọc; (diện tích 50 ha) tại HTX Lam Cầu - Quỳnh Thạch, HTX Sơn Lâm - Quỳnh Lâm bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Lĩnh vực giao thông, xây dựng được huyện tập trung chỉ đạo, công tác GPMB các công trình trọng điểm được huyện chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi như dự án Quốc lộ 1A, đường vào nhà máy xi măng Tân Thắng, đê sông Thái, khu neo đậu tránh bão Lạch Thơi, Lạch Quèn, thuỷ lợi vùng màu, hồ khe Lại, … Tổng giá trị đầu tư ước đạt 1.352,813 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tập trung trên địa bàn 106 dự án do UBND huyện và các đơn vị thuộc huyện quản lý, giá trị thực hiện cả năm ước đạt 360,5 tỷ đồng.
Có 21 dự án xây dựng đường GTNT, khối lượng thực hiện 3 km đường nhựa, 45km đường bê tông, 15 km đường mở mới với giá trị đầu tư cả năm ước đạt 107,8 tỷ đồng; nông - lâm - ngư có 35 dự án, khối lượng thực hiện ước đạt 141,7 tỷ đồng; văn hoá - xã hội 46 dự án, khối lượng thực hiện ước đạt 109,6 tỷ đồng; Thương mại – dịch vụ có 4 dự án, khối lượng thực hiện ước đạt 1,8 tỷ đồng. Huyện đã thẩm định và cho ý kiến chấp thuận 35 dự án SXKD, tổng vốn đăng ký hơn 120 tỷ đồng.
Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước đạt 1.616,607 tỷ đồng, bằng 101,48%KH; có thêm 4 làng nghề được công nhận, nâng tổng số làng nghề được tỉnh công nhận lên 26 và 6 làng có nghề được huyện công nhận.
Lĩnh vực văn hóa - y tế - giáo dục tiếp tục có bước chuyển tích cực. Trong năm, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 96,6%; 1.481 em đậu đại học, CĐ; huyện được công nhận phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Ngành Văn hóa gặt hái nhiều thành công tại các hội diễn, liên hoan cấp tỉnh như Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ; 66,7% số thôn bản được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; 76,5% hộ đạt gia đình văn hóa. Trong năm có thêm 6 xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, nâng tổng số xã đạt chuẩn QG về y tế là 20 xã. Chính sách lao động việc làm được thực hiện tốt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,1% (giảm 2,1% so với năm 2012).
Dù chưa thực sự trở thành thế mạnh của nền kinh tế, song, với tiềm năng 19,5 km đường bờ biển, trong đó có nhiều bãi biển đẹp như Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa…, du lịch biển Quỳnh đã và đang hứa hẹn nhiều điều thú vị cho du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng. Biển Quỳnh, ngoài bãi tắm đẹp, sạch, còn nguyên vẻ hoang sơ, non nước biển trời tươi đẹp, đến đây, du khách còn được thưởng thức hải sản tươi ngon: sò huyết, hải sâm, mực, ốc, ghẹ, cua, nộm sứa, hàu sông, hàu biển, cua đá, cùng các sản vật như nước mắm, cá khô, mực khô... Tin rằng, với tiềm năng, cùng với Nghị quyết 05/NQ-HU về phát triển du lịch, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Quỳnh Lưu, đánh thức tiềm năng du lịch biển, và Quỳnh Lưu sẽ là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn không chỉ cho du khách trong nước mà cả du khách quốc tế.
Năm 2013 qua đi trong bộn bề lo toan, vất vả để cho ra đời Thị xã Hoàng Mai; của gian nan vật lộn với thiên tai mưa lũ để giành giật sự sống, của sự thăng trầm đầy biến động của nền kinh tế, song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của chính quyền, vào cuộc của các ngành, đoàn thể, sự kiên gan của mảnh đất và lòng người dân xứ Quỳnh đã giúp Quỳnh Lưu luôn vững vàng trong gian khó. Một năm mới lại về, nhiệm vụ quan trọng Quỳnh Lưu xác định là triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện NQ 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An; Tiếp tục đổi mới, thu hút đầu tư, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng để cùng với Thị xã Hoàng Mai làm nên một cực tăng trưởng KT-XH của tỉnh nhà.
Nhiệm vụ lớn lao và cũng là điều kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Lưu trước thềm năm mới là, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của nhân dân; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội. Trong đó, tăng cường áp dụng KHKT vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất bình quân đạt 71-73 triệu đồng/ha; phấn đấu sản lượng hải sản khai thác 45.000-46.500 tấn; sản lượng thủy sản nuôi 8.000-8.500 tấn.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020; tập trung xây dựng Thị trấn Cầu Giát cơ bản đủ tiêu chí thị xã; thành lập Thị trấn Sơn Hải, Thị trấn Tuần; các thị tứ Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng và Quỳnh Thạch, quy hoạch cụm công nghiệp Tân Thắng, Quỳnh Châu, Ngọc Sơn để phát triển kinh tế các xã miền núi; nâng cấp hệ thống giao thông nối các xã miền núi phía Tây của huyện, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 48B, Tỉnh lộ 537B, đường nối Quốc lộ 1A từ Quỳnh Thạch, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương với đê biển bãi Ngang, thông tuyến từ Quốc lộ 1A đi Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi, Quỳnh Yên, Quỳnh Minh… tạo thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, liên kết giữa các vùng miền trong phát triển kinh tế.
Nhiệm vụ nặng nề đó, đòi hỏi sự năng động, quyết tâm, đồng thuận của cán bộ và nhân dân, phát huy nội lực, huy động tốt sức dân, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, Trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp đổi mới quê hương.
Lê Đức Cường - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu