Phát huy sức trẻ lập nghiệp trên quê hương

26/03/2015 08:15

(Baonghean) - Hiện nay thanh niên Nghệ An từ 16 đến 30 tuổi có hơn 1 triệu người, trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm 48,83%. Những năm qua, các tổ chức Đoàn - hội đã có nhiều giải pháp, cách làm hỗ trợ thanh niên nhất là thanh niên nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương...

(Baonghean) - Hiện nay thanh niên Nghệ An từ 16 đến 30 tuổi có hơn 1 triệu người, trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm 48,83%. Những năm qua, các tổ chức Đoàn - hội đã có nhiều giải pháp, cách làm hỗ trợ thanh niên nhất là thanh niên nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương...

Trang trại của anh Trần Văn Đức,   ở xã Nam Sơn (Đô Lương).
Trang trại của anh Trần Văn Đức, ở xã Nam Sơn (Đô Lương).

Nuôi chí làm giàu

Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Hồ Sỹ Phượng, Bí thư Chi đoàn xóm Liên Yên (xã Thanh Liên – Thanh Chương) được xem là điển hình kinh tế giỏi của tuổi trẻ Thanh Chương. Dịp Tết vừa qua, khu vườn 700 gốc bưởi Diễn của anh không đủ để cung cấp cho thị trường, trừ chi phí nhân công gia đình anh lãi ròng 400 triệu đồng từ bán bưởi. Tuy nhiên, để có được thành quả hôm nay, vợ chồng anh đã nếm đủ “cay đắng ngọt bùi” với bưởi Diễn. Bắt đầu từ lúc hình thành ý tưởng, đến quá trình triển khai, việc vay vốn đến tìm thị trường đầu ra anh đều gặp khó, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Hai, ba năm đầu cơ bản là “mất trắng”, mỗi buổi chợ anh chị thồ vài trăm quả nhưng chỉ bán được vài quả, hết ngày này qua ngày khác, ai “lỡ mua” đều chê bưởi đắng, thế là cả vườn bưởi thu hoạch xong đành đổ đi. Tìm hiểu mới biết, giống bưởi này sau 5 năm mới cho trái ngọt nên đã kiên trì chờ đợi. Trời không phụ lòng người, đến nay thì giống bưởi Diễn của anh không đủ cung cấp cho thị trường.

Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Hồ Sỹ Phượng ở xã Thanh Liên (Thanh Chương).
Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Hồ Sỹ Phượng ở xã Thanh Liên (Thanh Chương).

Bí thư Chi đoàn 5, xã Nam Sơn – Đô Lương Trần Văn Đức cũng gặp muôn vàn khó khăn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Anh từng bôn ba khắp nơi, làm nhiều việc để chọn cho mình hướng đi đúng và bền vững. Từng là giáo viên karate tại thị trấn, từng là lái xe taxi cho hãng Mai Linh 4 năm liền, đã nếm trải tất cả những cay đắng từ nghề. Quay về quê hương, thấy đồng đất bao la, anh nung nấu ý chí làm giàu. Anh bắt tay vào trồng cam, nuôi gà, trồng keo, nuôi bò lai sind, mỗi năm anh cũng thu được vài trăm triệu đồng. Qua tìm hiểu, thấy cây lát hoa là loại cây lấy gỗ cho giá trị kinh tế cao, lại dễ trồng phù hợp với đất vườn đồi, trung bình 1 cây lát có giá trị kinh tế bằng 100 cây keo, chỉ có điều nếu trồng lát thì phải 10 năm sau mới cho thu hoạch. Bằng phương thức lấy ngắn nuôi dài anh trồng keo, nuôi gà, bò dê, và trồng hơn 300 gốc lát hoa xen kẽ, anh tin rằng trong tương lai trang trại của anh sẽ thu về tiền tỷ.

Ngoài ra, để phát triển kinh tế, nhiều cán bộ Đoàn còn mạnh dạn vận dụng kiến thức đã học được để mở những dịch vụ phù hợp với thị trường quê mình. Một trong số đó là mô hình may gia công, công nghiệp của anh Phạm Công Định ở Mỹ Thành – Yên Thành cho thu nhập mỗi năm trên dưới 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương; mô hình CLB khiêu vũ và chuỗi nhà hàng cà phê của Nguyễn Đăng Bảo (Thành phố Vinh) mỗi năm cho thu nhập 500 triệu đồng thu hút và đào tạo nghề cho khoảng 30 lao động; mô hình của Bí thư Chi đoàn Giai Xuân (Tân Kỳ) Nguyễn Văn Đại, sinh năm 1985 - điển hình làm kinh tế giỏi được nhận Giải thưởng Lương Định Của trong lĩnh vực trồng rừng, chăn nuôi cho thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 10 lao động, thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng…

Phát huy vai trò tổ chức đoàn

Trên tinh thần Nghị quyết 01 của BCH Tỉnh đoàn khóa XV về “Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế”, các cấp bộ Đoàn – Hội trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực vận động, hỗ trợ và tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú; đội ngũ cán bộ Đoàn đã có nhiều cố gắng, năng động, sáng tạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong thanh niên. Một trong những cách làm sáng tạo đó là Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập Quỹ “Thanh niên lập nghiệp” từ phương thức phát động xổ số kiến thiết, huy động được số vốn ban đầu 1,7 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được phân bổ đồng đều cho các cơ sở Đoàn có các mô hình thanh niên phát triển kinh tế với số vốn vay từ 10 - 20 triệu đồng. Song song với Quỹ “Thanh niên lập nghiệp” của Tỉnh đoàn thì nhiều cơ cở Đoàn cấp huyện đều thành lập được quỹ thanh niên lập nghiệp cấp huyện, và cũng có cơ chế hỗ trợ đối với những mô hình được đề xuất từ cấp Đoàn xã.

Trang trại của Đức ở Nam Sơn, Đô Lương
Trang trại của Đức ở Nam Sơn, Đô Lương

Điển hình như tại huyện Đô Lương, Huyện đoàn đã huy động được nguồn vốn 650 triệu đồng để hỗ trợ cho các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện. Mỗi hộ ĐVTN được vay vốn sẽ có cơ chế tín chấp từ xã và cơ sở Đoàn ở đó và phải thanh toán lãi suất sau mỗi năm và tất toán cả vốn lẫn lãi sau 3 năm được vay vốn. Số vốn mới lại được quay vòng cho những đoàn viên có mô hình kinh tế khác trên địa bàn. Kể từ năm 2006 đến nay, đã có 70 lượt ĐVTN có mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn này. Đồng thời huyện cũng đã đề xuất, tham mưu giải ngân từ Quỹ Thanh niên lập nghiệp của tỉnh cho 4 mô hình tập thể thanh niên tại các xã: Trung Sơn, Nam Sơn, Mỹ Sơn, Thuận Sơn với tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng. Phối hợp với MTTQ huyện giải ngân từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện cho 30 hộ ĐVTN nghèo với số tiền 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội LHTN huyện đã thành lập được CLB thanh niên lập nghiệp, là nơi ĐVTN có khát vọng làm giàu giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cây, con giống và nguồn vốn, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Huyện đoàn Thanh Chương ngoài phát huy hiệu quả mô hình CLB thanh niên lập nghiệp; quỹ thanh niên lập nghiệp để phát triển kinh tế, còn chủ động phối hợp với Viện Rau quả Trung ương mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ giống cây, con cho ĐVTN trên địa bàn, xây dựng thành công các mô hình như: Trồng cam xen ổi, thanh long ruột đỏ; cấy ghép thành công giống trám đen, cung cấp 500 cây giống miễn phí cho các mô hình trồng trám ghép ở Thanh Nho, Thanh Thủy, Hạnh Lâm, Thanh Đức... Anh Lê Đình Thọ, Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho biết: Ngoài nhu cầu về vốn, điểm yếu của thanh niên nông thôn là thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên chúng tôi rất quan tâm đến việc trang bị kiến thức cần thiết liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt cho thanh niên.

Đồng chí Phạm Văn Toàn, Phó Ban Thanh niên công nhân và Đô thị cho biết: Ngoài nguồn quỹ thanh niên lập nghiệp cấp tỉnh, đến nay đã có 14/21 huyện, thành, thị thành lập được quỹ thanh niên lập nghiệp cấp huyện và có số dư nợ tăng theo mỗi năm. Nhiệm kỳ qua, có hơn 200 thanh niên được vay với số tiền gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay từ Quỹ “Giải quyết việc làm” của Trung ương Đoàn thông qua Ngân hàng Chính sách cũng được phát huy hiệu quả, với số dư nợ hơn 3,8 tỷ cho 20 dự án, trong đó có 2 dự án được vay 500 triệu đồng. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm mới cho 10.250 thanh niên.

Bên cạnh công tác hỗ trợ thanh niên tiếp cận với nguồn vốn để phát triển kinh tế, việc nâng cao nhận thức của thanh niên về học nghề, lập nghiệp cũng được Tỉnh đoàn coi trọng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã giao cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các huyện, thành, thị Đoàn tổ chức các diễn đàn định hướng nghề nghiệp cho học sinh; phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh và các Huyện đoàn tổ chức “Ngày hội tư vấn tuyển sinh và học nghề”, các hoạt động tư vấn trực tiếp “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề” thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia. Đoàn Thanh niên tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành xây dựng các mô hình, dự án điểm phát triển kinh tế.

Cần nhân rộng các mô hình

Mặc dù đạt nhiều kết quả, song các hoạt động hỗ trợ thanh niên chưa cao và chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hiện nay điểm yếu của thanh niên nông thôn trình độ học vấn còn thấp, thiếu việc làm, ít có cơ hội được đào tạo nghề, vì vậy thu nhập bấp bênh, không ổn định, mang tính thời vụ. Thanh niên ly hương đi làm ăn xa chiếm số lượng lớn khiến việc lựa chọn thủ lĩnh chi đoàn thôn xóm và nhân tố gây dựng phong trào Đoàn - Hội ở cơ sở gặp không ít khó khăn. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn trong việc tập hợp và giải quyết việc làm cho thanh niên. Đồng chí Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn cho hay: Bên cạnh tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 04 của Trung ương Đoàn về tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc vận động, tổ chức thanh niên tham gia phát triển kinh tế, phát động thanh niên nông thôn thi đua thực hiện phong trào 4 mới (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Công tác phối hợp hướng nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn KHKT cũng sẽ được tổ chức Đoàn - Hội các cấp đổi mới theo hướng gắn với chương trình quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, nhu cầu xã hội, nguyện vọng của người lao động. Nhân rộng các mô hình tổ, nhóm hỗ trợ vốn, công lao động, hỗ trợ vật tư sản xuất giúp nhau phát triển kinh tế tại các chi đoàn, chi hội, các CLB thanh niên lập nghiệp. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội làm cầu nối trong việc phát triển mối liên kết “4 nhà” (Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao; vận động các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh tế của thanh niên như nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, các trang trại trẻ, làng thanh niên lập nghiệp, HTX thanh niên… đồng thời liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm...

Thanh Nga - Khánh Ly

Mới nhất

x
Phát huy sức trẻ lập nghiệp trên quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO