Phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng tốc phát triển

11/03/2015 08:53

(Baonghean) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiệm kỳ qua, xã miền núi Tân Sơn (huyện Quỳnh Lưu) đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yếu tố quan trọng, động lực lớn để Tân Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, tạo bứt phá trong thực hiện các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Một góc nông thôn mới xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu).
Một góc nông thôn mới xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu).

Chúng tôi về xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) khi Ban Chấp hành Đảng bộ xã đang kiểm tra những công tác chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng chí Lê Đức Lục, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã khóa X, trong bối cảnh có nhiều tác động với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; những bất cập vốn có của một xã miền núi, địa bàn phức tạp, dân trí không đồng đều, cách xa trung tâm huyện. Song bằng sự đoàn kết đồng lòng, với các biện pháp năng động sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nên kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển với tốc độ khá nhanh và tương đối toàn diện.

Nhiệm kỳ qua, BCH Đảng bộ xã Tân Sơn đã có nhiều chủ trương, nghị quyết sát đúng, kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như nghị quyết về xây dựng cánh đồng thu nhập cao; phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung và bảo vệ, phát triển rừng trồng... Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất năm cuối nhiệm kỳ đạt 207 tỷ đồng, tăng 112,4 tỷ đồng và 2,19 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng, tăng 12,1 triệu đồng và 2,1 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 15,7%/ chỉ tiêu đại hội là 14%. Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích cuối nhiệm kỳ ước đạt 95 triệu đồng/ha/năm, tăng 25 triệu đồng/ha (chỉ tiêu đại hội là 70 triệu đồng/ha/năm 2015).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và đến nay 3 mũi nhọn phát triển kinh tế của Tân Sơn là sản xuất rau hàng hóa, chăn nuôi và trồng rừng đều đạt kết quả khả quan. Là xã miền núi, nhưng sản xuất vụ đông của Tân Sơn đứng đầu huyện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt 86,94 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010, bình quân 5 năm tăng 8%.

Lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã đến nay đã có 102 ô tô các loại để vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh, vận chuyển hành khách đi khắp các vùng, miền của đất nước. Bên cạnh đó, xã có hàng nghìn người đi lao động ở các địa phương khác và xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng được củng cố, đặc biệt là phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được đại bộ phận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Về văn hóa - xã hội, đã xây dựng được thiết chế văn hóa - thể thao đồng bộ, làm mới cổng chào ngoài trời, mua sắm và trang bị lại một số dụng cụ khác để phục vụ cho các phong trào hoạt động văn hóa; các thôn đã hoàn thiện nhà văn hóa và nơi vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” luôn được nhân dân hưởng ứng tích cực và hiệu quả. Tỷ lệ đạt Gia đình Văn hóa là 88,8% tăng 19,8% so với năm 2010, có 8/10 thôn đạt danh hiệu Làng Văn hóa (tăng 2 làng so với nhiệm kỳ trước) đạt chỉ tiêu đại hội đề ra.

Đối với công tác giáo dục và đào tạo, quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển đúng kế hoạch, chất lượng dạy học được nâng lên với cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ I và là xã miền núi đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu đạt mục tiêu này. Chất lượng đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực, giáo viên giỏi huyện là 44 lượt người; hàng nghìn học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, hoạt động của hội khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng ngày càng tích cực và có hiệu quả hơn. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, y tế - DS/KHHGĐ có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đựơc giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố và phát triển, năng lực lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ trưởng thành trong cơ chế mới. Những thành tựu nổi bật đáng ghi nhận trên đây là yếu tố hết sức quan trọng, tạo tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Lãnh đạo xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) kiểm tra mô hình trồng dưa chuột.
Lãnh đạo xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) kiểm tra mô hình trồng dưa chuột ở Tân Sơn.

Kết quả đạt được, ghi nhận là Tân Sơn đã có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng ủy đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sự đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Thường vụ, BCH, trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện qua việc phát huy nội lực trong khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương về xây dựng mô hình cánh đồng có thu nhập cao, các hoạt động dịch vụ về vận chuyển hành khách, vận tải hàng hóa đi tiêu thụ và khai thác tiềm năng của ngành Lâm nghiệp, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi của địa phương.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tân Sơn đề ra mục tiêu tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng cường thu hút đầu tư, nỗ lực phấn đấu đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh. Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh với chất lượng ngày càng cao; Đảng bộ vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu, xây dựng Tân Sơn trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới tăng từ 10 - 11%. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 42 - 43 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác đạt từ 110 - 115 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng lương thực đạt 4.000 tấn. Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm là 15%, trong đó nguồn thu tại địa phương tăng bình quân 16%. Cả 10/10 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa; giữ vững 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và phấn đấu 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%. Phấn đấu mỗi năm kết nạp được từ 6 - 8 đảng viên mới; trên 80% chi bộ đạt TSVM. Trước mắt, trong năm 2015, xã phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu, xã đã đề ra 3 chương trình trọng tâm cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đó là: Tập trung xây dựng cánh đồng có thu nhập cao từ 150 - 180 triệu đồng/ ha/ năm với tổng diện tích từ 160 - 180 ha; phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung, làm tốt công tác bảo vệ phát triển rừng, trồng mới rừng, nâng độ che phủ rừng; đẩy mạnh đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Cùng với phát triển kinh tế, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Tân Sơn đề ra các giải pháp cụ thể trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thông tin - thể dục thể thao, quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh.

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và trí tuệ, dựa trên nền tảng phát huy tính dân chủ, Đại hội Đảng bộ xã Tân Sơn lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là sự tập trung cao của ý chí, nguyện vọng, sức mạnh của hệ thống chính trị và của toàn dân. Đây là dấu mốc quan trọng để xã tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vượt qua mọi khó khăn thử thách, khơi dậy các tiềm năng, lợi thế để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đặt ra, đưa xã Tân Sơn tăng tốc phát triển trong những năm tới.

Thu Huyền

Phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng tốc phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO