Phát huy vai trò công cụ sắc bén trong phòng, chống tội phạm của Bộ Luật hình sự

04/11/2017 11:48

(Baonghean.vn) - Sáng 4/11, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc quán triệt việc thi hành Bộ Luật hình sự và Luật tiếp cận thông tin.

Dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Nghệ An, có các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Hội nghị đã được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ Luật hình sự năm 2015.

anh 11
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quỳnh Lan

Mục tiêu của việc xây dựng BLHS năm 2015 nhằm xây dựng một Bộ luật phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bộ Luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển ở mức cao hơn nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1945 đến nay, nhất là của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Bộ luật tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

BLHS năm 2015 gồm 26 chương, 426 điều (tăng 2 chương và 72 điều so với BLHS năm 1999). Bộ luật có kết cầu 3 phần. Phần thứ nhất: Những quy định chung, gồm 12 chương, 107 điều. Phần thứ hai: Các tội phạm, gồm 14 chương, 318 điều, quy định về 14 nhóm tội phạm cụ thể. Phần thứ 3: Điều khoản thi hành gồm 1 điều quy định về hiệu lực của BLHS.

Ngày 20/6/2017, cùng với việc thông qua Luật số 12/2017/QH14, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành BLHS năm 2015, áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc tổ chức triển khai thi hành BLHS năm 2015, đặc biệt là giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao trong việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành BLHS.

Tại Kế hoạch triển khai thi hành Bộ Luật hình sự được ban hành kèm theo Quyết định số 1359/QĐ-TTg đã nêu cụ thể 7 nội dung cần triển khai và Thủ tướng đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và thời gian thực hiện.

Tiếp đó, hội nghị đã nghe Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin và quán triệt nội dung công việc cần triển khai khi thi hành.

Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật gồm 5 chương, 37 Điều. Luật quy về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai các biện pháp thi hành Luật của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, Luật đã giao Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn các biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin. Theo đó, ngày 17/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin và ngày 14/3/2017 đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh, thành đã đóng góp tham luận về cách thức, lộ trình triển khai thực hiện hai bộ luật quan trọng này trong mỗi ngành, địa phương mình.

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Phát huy vai trò công cụ sắc bén trong phòng, chống tội phạm của Bộ Luật hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO