Phát huy vai trò trung tâm học tập cộng đồng

15/04/2014 10:39

(Baonghean) - Bên cạnh thực hiện việc phổ biến, tư vấn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, hoạt động của TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được tiếp thu kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn…

Dạy thêu ren tại TTHTCĐ xã Nam Thanh (Nam Đàn).
Dạy thêu ren tại TTHTCĐ xã Nam Thanh (Nam Đàn).

Những mô hình điểm

Đến TTHTCĐ xã Nghi Liên (TP Vinh) khi ở đây đang tổ chức khóa học thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Các học viên chăm chú lắng nghe cán bộ Trung tâm Y tế thành phố trình bày những kiến thức về dinh dưỡng, cách thức tổ chức bữa ăn gia đình… Chị Đậu Thị Nga ở xóm 4, xã Nghi Liên chia sẻ “Tôi là nông dân quanh năm làm lụng, không có điều kiện để đọc sách vở, tìm hiểu về thực hành dinh dưỡng nên thấy đây là lớp học rất hữu ích. Lớp học không chỉ trang bị kiến thức dinh dưỡng mà còn là động lực thúc đẩy mình học tập, tìm hiểu thêm những kiến thức xã hội”.

Được thành lập vào tháng 9/2004, TTHTCĐ xã Nghi Liên được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động nề nếp, hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Giám đốc TTHTCĐ đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn thể liên quan tiến hành mở các lớp tập huấn sát với yêu cầu của người dân. Trung bình mỗi năm trung tâm tổ chức trên 60 khóa học, thu hút trên 5 ngàn học viên tham gia học tập theo 4 nhóm chuyên đề, trong đó tập trung vào 2 nhóm chính là: học tập nghị quyết, chủ trương, chính sách và phổ biến khoa học kỹ thuật. Trong năm 2013, TTHTCĐ xã đã tổ chức 68 khóa học, thu hút 6.850 học viên tham gia, nội dung tập trung vào các chuyên đề phổ biến khoa học kỹ thuật trồng các loại rau màu, hoa, chăm sóc cây cảnh. Ngoài ra, TTHTCĐ còn phối hợp với Trạm Y tế mở các lớp về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức các lớp học dưỡng sinh; phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức các lớp thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, giáo dục kỹ năng nuôi và dạy con dưới 16 tuổi; phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp dạy múa, khiêu vũ cho thanh thiếu niên…

Hoạt động của TTHTCĐ đã góp phần khởi sắc đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn xã, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Huy Liên – Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Giám đốc Thường trực TTHTCĐ xã Nghi Liên cho biết: “Sở dĩ TTHTCĐ xã hoạt động hiệu quả là do nhận thức đúng đắn của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể về vai trò, chức năng của trung tâm, từ đó tích cực phối hợp trong điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của nhân dân và tổ chức các lớp học. Ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên của trung tâm do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chi trả, hàng năm, UBND xã còn trích kinh phí từ 10 – 15 triệu đồng hỗ trợ Trung tâm chi trả thù lao cho báo cáo viên, hướng dẫn viên, in ấn tài liệu”...

Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm, Đảng uỷ, UBND xã Diễn Trung (Diễn Châu) tập trung chỉ đạo hoạt động của TTHTCĐ (được thành lập năm 2003) đưa kiến thức, khoa học kỹ thuật đến với các hộ dân, phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của xã. Hàng năm, trung tâm đã triển khai hàng chục lớp chuyên đề về pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyên đề về chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, chính sách dân số… và các vấn đề liên quan đến canh tác, chăn nuôi; tổ chức những buổi thực nghiệm sản xuất, chăn nuôi.

Năm học 2013, TTHTCĐ Diễn Trung đã mở được 32 lớp với hơn 3.600 lượt người tham dự, với đầy đủ 4 nhóm chuyên đề thời sự, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức nâng cao chất lượng cuộc sống và chuyên đề về giáo dục. Ngoài ra, phối hợp với chương trình chăn nuôi sạch VietGAP mời cán bộ Sở NN & PTNT mở thêm 7 lớp chuyên đề về kiến thức nuôi gà và lợn, 1 lớp nuôi thuỷ sản, 2 lớp sản xuất vụ xuân và vụ đông. Từ các lớp này đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như gia đình anh Ngô Đại với mô hình nuôi tôm công nghiệp, gia đình ông Nguyễn Hoàng với mô hình VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong 2 năm liền (2012, 2013), TTHTCĐ xã Diễn Trung đã được phòng GD&ĐT xếp loại tốt và được UBND huyện tặng giấy khen.

Từ 1 TTHTCĐ xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) được thành lập tháng 12/2002 thì đến năm 2012 đã có 480 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ, đạt tỷ lệ 100%. Nhiều TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, điển hình như Nghi Liên, Hưng Hòa (TP Vinh), Hưng Tân, Hưng Tây (Hưng Nguyên), Nghi Lâm (Nghi Lộc), Nghi Thu, Nghi Hải (TX Cửa Lò), Diễn Trung, Diễn Vạn (Diễn Châu), Ngọc Sơn, Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu), Hòa Sơn (Đô Lương), Thanh Hưng (Thanh Chương),…

Khó khăn cần tháo gỡ

Không thể phủ nhận, việc thành lập TTHTCĐ ở xã, phường, thị trấn đã hình thành nên một xã hội học tập. Tuy nhiên, ở một số TTHTCĐ trên thực tế vẫn chưa phát huy hiệu quả, lợi ích và ý nghĩa của mô hình này. Điều đó xuất phát từ nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất.

Theo Quyết định số 2434/QĐ.UB – VX ngày 1/7/2004, các trung tâm thành lập mới được hỗ trợ 15 triệu đồng; còn từ năm 2008, theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ, các trung tâm thành lập mới được hỗ trợ 30 triệu đồng. Về kinh phí hoạt động thường xuyên, theo Thông tư số 40/2010/TT-BGĐT ngày 30/12/2010 của Bộ GD&ĐT, tài chính của TTHTCĐ bao gồm ngân sách nhà nước hỗ trợ và kinh phí huy động từ các nguồn khác, trong đó có sự tài trợ của các cá nhân và các tổ chức kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của các TTHTCĐ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước theo Thông tư 96 của Bộ Tài chính, nhưng cũng mới chỉ có ở những xã thuộc khu vực I, II, III (khu vực I là 20 triệu đồng/năm, khu vực II, III là 25 triệu đồng/năm); còn lại các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố, thị xã, vùng nông thôn, miền biển không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, do đó tỉnh phải trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi trung tâm từ 5 triệu đồng (năm 2008) lên 10 triệu đồng (năm 2012) theo Quyết định 3779/QĐ-UBND-VX ngày 3/8/2009 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các TTHTCĐ.

Ông Bùi Văn Toán – chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Hiện nay, hầu hết các TTHTCĐ đều chưa có trụ sở riêng nên phải “mượn” các phòng chức năng của UBND xã, trường học hoặc hoạt động kết hợp với nhà văn hóa xã. Theo tiêu chí đánh giá, xếp loại TTHTCĐ được ban hành tại Quyết định số 390/QĐ-SGD-ĐT ngày 8/3/2007 của Sở Giáo dục và Đào tạo, một TTHTCĐ cần phải có hội trường, bàn ghế, loa máy, ti vi, máy vi tính, máy chiếu, thư viện và một số thiết bị giảng dạy khác. Tuy nhiên, đa số các trung tâm đều thiếu các thiết bị như máy vi tính, máy chiếu, thiếu tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề… Mặt khác, nhân lực của các TTHTCĐ hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, ở tất cả các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các trung tâm là cán bộ xã, lãnh đạo các nhà trường làm kiêm nhiệm nên chưa chuyên tâm, sát sao với hoạt động của trung tâm. Theo Thông tư 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi xã, phường, thị trấn phải cử một giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở sang làm chuyên trách tại TTHTCĐ. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 330/480 (chiếm tỷ lệ 69%) TTHTCĐ có giáo viên chuyên trách.

Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương về TTHTCĐ còn có những hạn chế, dẫn đến việc chỉ đạo chưa sát sao nên rất khó xây dựng được cơ chế phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án trên địa bàn để vận dụng nguồn kinh phí, tổ chức hoạt động có hiệu quả. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến nay chỉ có khoảng gần 30% số TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả, còn lại hoạt động cầm chừng.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2012 – 2020” đặt mục tiêu: “Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững các TTHTCĐ xã, phường, thị trấn, trong đó có 40% trung tâm hoạt động hiệu quả vào năm 2015 và đạt 70% vào năm 2020”. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các TTHTCĐ, các cấp ủy đảng cần tăng cường quán triệt Chỉ thị số 20/CT-TU ngày 23/2/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, xây dựng và phát triển các TTHTCĐ ở phường, xã, thị trấn, đề ra biện pháp tiếp tục chỉ đạo trong tình hình mới; đưa nội dung hoạt động của TTHTCĐ vào nghị quyết của đại hội và nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hàng năm của cấp ủy đảng xã, phường, thị trấn. Chính quyền các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ; tăng cường phối hợp và lồng ghép hoạt động của các TTHTCĐ với các chương trình, dự án khuyến nông, lâm, công... trên địa bàn. Trong đó TTHTCĐ đóng vai trò là đơn vị khâu nối phối hợp để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tuyên truyền, chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất... đến đúng đối tượng cần được thụ hưởng.

Minh Quân

Phát huy vai trò trung tâm học tập cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO