Phạt mũ bảo hiểm giả: Cần triệt để từ “gốc”
Từ ngày 15/4, người đi xe máy nếu đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị xử phạt. Quy định này liệu có khả thi khi mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng vẫn được các nhà sản xuất tung ra thị trường. Trong khi đó, người kinh doanh thì vì cái lợi trước mắt, còn người tiêu dùng thì cứ “rẻ và đẹp” là mua sử dụng mà không cần quan tâm đến chất lượng.
(Baonghean.vn) - Từ ngày 15/4, người đi xe máy nếu đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị xử phạt. Quy định này liệu có khả thi khi mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng vẫn được các nhà sản xuất tung ra thị trường. Trong khi đó, người kinh doanh thì vì cái lợi trước mắt, còn người tiêu dùng thì cứ “rẻ và đẹp” là mua sử dụng mà không cần quan tâm đến chất lượng.
Mặc dù Thông tư quy định không được đội mũ bảo hiểm giả từ ngày 15/4 được tuyên truyền dưới nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng từ đầu tháng 3, nhưng đến thời điểm hiện tại, ở các quầy hàng bán mũ bảo hiểm trong đình chính chợ Vinh, đường Quang Trung và khu vực vỉa hè ngã tư chợ Vinh, mũ bảo hiểm giả vẫn được bày bán tràn lan.
Tại một quầy bán mũ trên vỉa hè đường Quang Trung, chị Hồ Thị Thùy Liên – khối Phúc Vinh, phường Vinh Tân sau một hồi ngắm nghía, nhấc lên, đặt xuống, cuối cùng chị chọn mua một cái mũ bảo hiểm thời trang màu đen có giá 30.000 đồng. Chị cho biết: “Mấy hôm nay có nghe đài, báo tuyên truyền việc xử phạt người điều khiển xe máy tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả, nhưng tôi vẫn chọn mua loại mũ này vì hình thức đẹp, giá rẻ, mũ nhẹ, phù hợp với lứa tuổi thanh niên như tôi”.
Chị Hồ Thị Thùy Liên (Phúc Vinh – Vinh Tân) mua mũ bảo hiểm giả với giá 30.000 đồng tại cửa hàng bán mũ trên đường Quang Trung
Chị Nguyễn Thị Hương – chủ quầy hàng mũ bảo hiểm tại đường Quang Trung chia sẻ: “Tôi cũng muốn bán mũ thật chứ không muốn bán mũ giả, mũ nhái vì lợi nhuận của mũ thật cao hơn, có thương hiệu, đảm bảo uy tín. Tuy nhiên, người ta bán mũ giả, mũ nhái mẫu mã đẹp, giá rẻ được người tiêu dùng ưa chuộng thì tôi cũng phải lấy loại hàng này về bán để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thanh niên thời nay rất ưa chuộng mẫu mã, hình thức. Nhà sản xuất đánh trúng tâm lý này của lớp trẻ nên mặc dù phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền nhiều nhưng mấy hôm nay mũ giả, mũ nhái, kém chất lượng vẫn được lớp trẻ chọn mua”.
Ngoài một bộ phận thanh niên ưa sử dụng mũ thời trang, thì phần lớn người dân muốn sử dụng một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, có gắn tem hợp quy chuẩn theo đúng quy định của các cơ quan chức năng nhưng hiện nay, mũ bảo hiểm giả được các cơ sở sản xuất làm rất tinh vi, có gắn tem, nhãn giống như mũ thật, người tiêu dùng rất khó phân biệt. Có khi bỏ số tiền lớn ra để mua một chiếc mũ thật nhưng lại mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Anh Trần Văn Trung ở khối Trung Hòa, phường Lê Mao đang chọn mua mũ tại quầy hàng trước ngã tư chợ Vinh nói: “Thông tư quy định thì chúng tôi chấp hành thôi, bởi cũng muốn sử dụng một chiếc mũ đảm bảo chất lượng để bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân. Nhưng hiện nay trên thị trường, mũ giả, mũ kém chất lượng bày bán tràn lan, có gắn tem, nhãn mác, bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là mũ thật, đâu là mũ giả. Vì vậy, để người tiêu dùng chúng tôi tránh bị “phạt oan”, đề nghị các cơ quan chức năng cần xử phạt triệt để các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả”.
Anh Trần Văn Trung (Trung Hòa – Lê Mao) mua mũ bảo hiểm tại quầy hàng trước Ngã tư chợ Vinh
Đồng quan điểm trên, anh Hồ Sỹ Nghĩa ở xóm 18, xã Nghi Phú, nhân viên đại lý hãng mì chính Ajinomoto cho rằng: “Để người dân chấp hành tốt quy định không đội mũ bảo hiểm giả thì trước hết các cơ quan chức năng cần phải phạt triệt để từ “gốc”, đó là nghiêm cấm các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Anh Hồ Sỹ Nghĩa (xóm 18 – Nghi Phú) mua mũ bảo hiểm tại quầy hàng Liên Sơn đình chính chợ Vinh
Đa phần ý kiến đều cho rằng cần phải xử phạt các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm, còn người tiêu dùng chỉ là nạn nhân của việc kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Khi được hỏi vì sao mũ giả, mũ kém chất lượng vẫn được bày bán công khai tại quầy, chị Phạm Thị Liên – Chủ quầy hàng Liên Sơn chuyên bán sỉ mũ bảo hiểm tại đình chính chợ Vinh chống chế: “Đây là mũ thời trang dành cho người đi bộ, người tập thể thao, không dành cho người đi xe máy.”
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thọ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra kiểm soát ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán mũ bảo hiểm giả trên thị trường, thu giữ 831 mũ bảo hiểm không đúng hồ sơ thủ tục, không đảm bảo chất lượng, không gắn dấu hợp quy CR. Để ngăn chặn triệt để việc mũ bảo hiểm giả lưu thông trên thị trường, bên cạnh sự ra quân đồng loạt của Chi cục quản lý thị trường, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cần phải lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia phối hợp giữa Phòng CSGT, Sở Công thương, Chi cục tiêu chuẩn ĐLCL (Sở KH&CN), UBND tỉnh và BQL các chợ. Đồng thời, để nâng cao ý thức người dân không đội mũ bảo hiểm giả thì việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết”.
Dự thảo Thông tư liên tịch do 4 Bộ (Giao thông - Vận tải, Khoa học -Công nghệ, Công an và Công thương) ký kết có quy định người đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng, theo Nghị định 71.
Võ Huyền (Đài Vinh)