Phạt nặng hành vi uống rượu, bia vẫn lái xe

Đặng Nguyễn 14/05/2019 16:08

(Baonghean) - Trước sự gia tăng tình trạng người điều khiển xe ô tô gây tai nạn sau khi sử dụng rượu, bia, Công an Nghệ An đã tăng cường lực lượng, phương tiện, tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế TNGT. Nhưng thực tế cho thấy để giải quyết tận gốc vấn nạn này cần có chế tài nghiêm khắc...

Say rượu vẫn lái xe

Dù nói năng vẫn còn khó khăn, nhưng anh Nguyễn Thanh T ở xã Nghi Long (Nghi Lộc), hiện nằm điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực - Bệnh viện HNĐK Nghệ An vẫn gắng gượng tiếp chuyện khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu viết bài cảnh báo về việc sử dụng rượu, bia dẫn đến tai nạn.

Với vẻ mặt đầy tiếc nuối, anh T. cho hay: “Hôm đó mấy anh em trước cùng đi xuất khẩu lao động với nhau về hội tụ “chén chú chén anh” không biết điểm dừng. Sau cuộc nhậu, khi lái xe về đến địa bàn xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) tôi không làm chủ được tay lái nên lao xe xuống ruộng. Cùng ngồi trên xe với tôi lúc đó còn có 1 người bạn hiện đang điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vì nặng hơn. “Tôi ân hận lắm, tất cả cũng do rượu dẫn đến mất kiểm soát”, anh T nói.

Theo người nhà anh T, vụ tai nạn nói trên xảy ra cách đây hơn 1 tháng, cả 2 người ngồi trên xe ô tô đều bị đa chấn thương, ảnh hưởng đến sọ não. Tại Khoa Hồi sức Tích cực, Khoa Gây mê hồi sức... trường hợp như anh T không phải là hiếm, chưa kể những trường hợp là nạn nhân của các lái xe uống rượu, bia gây nên.

Ảnh: Đặng Cường
Đội CSGT 1.46 phòng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Đặng Cường

Theo bác sỹ Trần Bá Biên - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện HNĐK Nghệ An: Mặc dù không phân loại nguyên nhân đối với từng ca TNGT, nhưng thực tế đa số nạn nhân liên quan đến rượu, bia đều bị tai nạn nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia làm chậm khoảng 10 - 30% tốc độ phản ứng, đồng thời hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết vật từ xa, tầm nhìn ban đêm giảm tới 25%...

Để có cái nhìn thực tế hơn về tình trạng vi phạm nồng độ cồn, chúng tôi đã theo chân tổ công tác của Đội CSGT 1.46 (phòng CSGT tỉnh) kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trong khoảng thời gian từ 12-13h tại km12+800 đường Vinh - Cửa Lò. Kết quả có 2/10 trường hợp được kiểm tra có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.

Phần lớn lái xe được kiểm tra tỏ ra đồng tình với cách làm của CSGT. Anh Ngô Quốc Cường, một lái xe cho rằng, cần kiểm soát thường xuyên, liên tục, bởi lẽ người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là hiểm họa không chỉ trực tiếp gây TNGT mà còn ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, có lái xe say xỉn vẫn cự cãi, tìm lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình.

Ảnh: Đặng Cường
Công an huyện Quỳnh Lưu khống chế đối tượng say rượu điều khiển xe máy. Ảnh: Xuân Bảy

Quý I/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ TNGT, làm chết 45 người, bị thương 46 người (so với cùng kỳ năm 2018 giảm 8 vụ, giảm 1 người chết, 7 người bị thương). Trong các vụ tai nạn xảy ra thì có 15% số vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân bắt đầu từ việc lạm dụng rượu, bia.

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó phòng CSGT (Công an tỉnh)

Chính bởi vậy, thời gian qua lực lượng CSGT Công an Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó tăng cường lực lượng, phương tiện kỹ thuật tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong đó tập trung ở các tuyến đường, địa bàn “nóng” về tình trạng thanh, thiếu niên uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây mất ATGT.

Trong năm 2018, lực lượng CSGT Công an Nghệ An triển khai 3 đợt ra quân tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Qua đó, lập biên bản 4.866 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thu nộp Kho bạc Nhà nước 8,6 tỷ đồng, tạm giữ 4.866 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 4.150 trường hợp.

Riêng năm 2019 (từ 1/1- 1/5) lập biên bản 2.060 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thu nộp Kho bạc Nhà nước tương đương 4,6 tỷ đồng, tạm giữ 2.060 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 1.690 trường hợp.

Cần chế tài đủ mạnh

Thực tế cho thấy, trong số các nguyên nhân dẫn đến TNGT, không ít vụ việc do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia làm mất khả năng tập trung, dẫn đến đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định… Những vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra bi kịch cho nhiều gia đình, khiến dư luận bức xúc…

Theo bác sĩ Phan Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An: Khi lái xe, con người cần có chức năng não ổn định để kiểm soát mắt, tay và chân để nhận thức, ứng phó nhanh nhạy và đưa ra quyết định chính xác. Tuy nhiên, uống rượu, bia làm chậm phản ứng của não, ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng lái xe, do đó rất dễ gây ra tai nạn. Vì vậy, đã uống rượu, bia thì không nên cầm vô lăng.

Ảnh: Đặng Cường
Người vi phạm làm thủ tục nộp phạt tại phòng CSGT Công an tỉnh. Ảnh: Đặng Cường

Còn theo Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, để ngăn chặn những nguy cơ rình rập khi người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia, lực lượng CSGT Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quân số, tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm. "Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra mạnh vào buổi trưa, tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông. Ngoài ra, lực lượng CSGT công an 21 huyện, thành, thị sẽ đồng loạt triển khai các tổ công tác để kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý".

Không ít người cho rằng, hiện nay tình trạng uống rượu, bia vẫn lái xe diễn ra hàng ngày, thực tế đó, phải chăng xuất phát từ chỗ ở một số nước trên thế giới đã cấm triệt để và xử lý nghiêm việc lái xe khi uống rượu, bia, nhưng nước ta vẫn quy định nồng độ cồn cho phép nên nhiều người lách luật, biết là nguy hiểm nhưng vẫn không sợ.

Mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe hiện còn thấp và chưa có tính răn đe. Vì vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng như hình phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe nhằm tác động mạnh tới ý thức chấp hành của người tham gia giao thông để hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cũng theo Luật sư Hải, cần xem xét sửa đổi các văn bản luật, đặc biệt là Bộ Luật Hình sự đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông...

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự

Thiết nghĩ, để góp phần kiềm chế, đẩy lùi TNGT có nguyên nhân từ uống rượu, bia, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tác hại và hậu quả do rượu, bia gây ra trong quá trình tham gia giao thông, tổ chức ký cam kết không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia không lái xe”, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Mới đây, sau vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 2 người tại hầm chui Kim Liên (Hà Nội), hàng loạt người dùng Facebook đã đổi hình đại diện lan truyền mạnh mẽ thông điệp này. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề vẫn cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, đi liền với đó là những chế tài xử lý mạnh và có tính cưỡng chế để mọi người chấp hành tốt hơn việc không uống rượu, bia khi lái xe.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 quy định, nhóm lỗi vi phạm về nồng độ cồn được điều chỉnh tăng nặng nhằm tăng cường sự răn đe.

Cụ thể, tăng mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng lên từ 16 - 18 triệu đồng đối với tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Đối với người điều khiển môtô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng, vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng.

Mới nhất
x
Phạt nặng hành vi uống rượu, bia vẫn lái xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO