Pháp luật

Bài 1: Chuyển biến tích cực

Nhóm Phóng viên Pháp luật 23/06/2024 12:16

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm, công khai kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên thời gian gần đây số người vi phạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều hướng giảm. Đáng nói, từ chỗ cho rằng, thói quen uống rượu, bia khó thay đổi, người sử dụng rượu, bia đã dần hình thành thói quen mới như nhờ người nhà đưa đón, sử dụng taxi, dịch vụ lái xe hộ…

Kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn - cover
Kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn - b1-tit

Có mặt ở chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Nguyễn Sỹ Sách vào tối 28/5, sau khi phân làn, tổ công tác của Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh liên tục dừng các phương tiện để kiểm tra. Theo ghi nhận, hầu hết lái xe đều tỏ ra thoải mái và chấp hành tốt việc kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông.

Anh Nghiêm Anh Châu, trú ở phường Lê Lợi, TP. Vinh, một lái xe ô tô con, cho rằng: Việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cần được duy trì thường xuyên. Bởi thực tế, nếu để những người đã uống rượu, bia cầm lái không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho những người cùng tham gia giao thông trên đường.

Trong nhiều trường hợp, vào thời điểm CSGT dừng xe kiểm tra, khi hạ kính không khó nhận biết trong xe có người đã sử dụng rượu, bia nhưng không cầm lái, còn người lái xe thì không vi phạm. Trong lúc kiểm tra tài xế xe ô tô mang BKS 37K- 225xx, người điều khiển là phụ nữ, người này cho biết: Sau một lần bị xử phạt hành chính 7 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe gần 1 năm, thì nay mỗi lần đi ăn uống ở đâu, chủ yếu là giao lưu với anh em, bạn bè thân thiết, chồng tôi đều nhờ vợ chở, bí lắm mới gọi taxi. Nay vợ chồng tôi đã hình thành thói quen này”.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ bắt đầu từ 8h, tổ công tác chỉ phát hiện 2 trường hợp vi phạm. Với mỗi trường hợp vi phạm là một lý do để biện minh, như vì nhà có giỗ, gặp gỡ bạn bè buộc phải uống rượu, bia. Anh N.Đ.A điều khiển xe máy mang BKS 37B2-70xxx, có kết quả nồng độ cồn trong hơi thở 0,072 mg/lít khí thở, phân bua: “Có người bạn lâu năm ở nước ngoài về mời qua nhà ăn cơm nên khó từ chối. Tôi không uống nhiều, chỉ uống khoảng 3 chén rượu. Khi được kiểm tra, đã bị tạm giữ Giấy phép lái xe 23 tháng, nộp phạt 7 triệu đồng. Với tôi đây là giá quá đắt…".

Lập biên bản lái xe vi phạm nồng độ cồn trên Quốc lộ 46
Lập biên bản lái xe vi phạm nồng độ cồn trên Quốc lộ 46. Ảnh: Đình Tuyên

Tôi không uống nhiều, chỉ uống khoảng 3 chén rượu. Khi được kiểm tra, đã bị tạm giữ Giấy phép lái xe 23 tháng, nộp phạt 7 triệu đồng. Với tôi đây là giá quá đắt…”.

Anh N.Đ.A - người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn

Trên thực tế, không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở nông thôn, miền núi, từ khi có Nghị định 100 với những quy định xử phạt nặng, ý thức của phần lớn người dân đã dần thay đổi, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”.

Là cán bộ văn hóa huyện rẻo cao Tương Dương, anh Vi Hoàng thường xuyên xuống cơ sở gặp gỡ bà con đồng bào ở các bản làng. Trước đây, mỗi lần như vậy rất khó tránh khỏi việc bà con mời uống rượu, bởi thực tế trong quan niệm của đồng bào phải là khách quý mới mời rượu và dĩ nhiên khách cũng không thể từ chối gia chủ. Nhưng từ khi có Nghị định 100 kết hợp Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định không uống rượu, bia trong giờ hành chính thì những cán bộ hay phải xuống cơ sở như anh đã bớt áp lực về việc này.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: PV
Xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đặng Cường

Anh Hoàng cho hay, hiện nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà con ở vùng sâu, vùng xa đã nắm rất rõ những nội dung chủ yếu của Nghị định số 100 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến an toàn giao thông, đến vi phạm nồng độ cồn. “Chỉ những chuyến công tác nhiều ngày, ở lại qua đêm thì mới mời rượu, mời bia. Bởi bà con biết nếu lái xe sau khi uống rượu, bia, dù ít cũng sẽ bị xử phạt nặng nên không dám mời…”, anh Hoàng cho biết.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q
Kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn - b1-tit2

Cùng với việc hình thành thói quen mới, hiện nay, nhiều người đã biết đến và sử dụng dịch vụ lái xe hộ sau mỗi lần uống rượu, bia. Đó là sự thay đổi về ý thức tham gia giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Sử dụng dịch vụ gọi lái xe hộ đã vài lần, anh Võ Khanh ở thành phố Vinh cảm thấy rất hài lòng về dịch vụ này. Anh Khanh cho biết, do đặc thù công việc, anh thường có những cuộc hẹn bất ngờ hoặc phải đi tiếp khách. Sau khi uống bia, rượu, lái xe về nhà vừa nguy hiểm, vừa vi phạm Luật Giao thông, để xe lại cũng không an tâm, nên kể từ khi có dịch vụ lái xe hộ, tôi thường sử dụng và chưa gặp khó khăn gì, tài xế có mặt rất nhanh. “Thói quen uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của cá nhân tôi, cũng như nhiều người đã thực sự thay đổi. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng để chúng tôi tìm lái xe đưa cả người và xe về nhà một cách an toàn”, anh Khanh nói.

Anh Dương Sỹ Đình ở thành phố Vinh cũng cho biết, sau khi được một người bạn giới thiệu về ứng dụng gọi lái xe hộ, từ đó, anh không bao giờ tự lái xe về sau mỗi lần uống rượu, bia nữa. “Một lần sau khi tôi đi tiếp khách lái xe về đã bị cảnh sát giao thông gọi vào kiểm tra nồng độ cồn và bị xử phạt đến 7 triệu đồng, nên từ khi biết tới dịch vụ này tôi thường xuyên sử dụng. Chi phí mỗi lần gọi lái xe hộ là 100.000 đồng cho bán kính dưới 10 km, tôi thấy cũng phù hợp vì tài xế phải cùng 1 người khác chạy xe máy đến, sau khi lái xe hộ cho tôi, họ còn phải quay về. Nên mức chi phí đó, tôi thấy hợp lý, bởi trong tình trạng quá chén nhưng vẫn cố điều khiển xe, thì chưa nói đến bị phạt, nếu lỡ va chạm không biết điều gì có thể xảy ra”, anh Đình cho hay.

Qua tìm hiểu, hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có trên 30 hội, nhóm làm dịch vụ lái xe hộ. Dịch vụ này ra đời là một giải pháp thiết thực cho những người đi ô tô mà đã sử dụng bia, rượu; người sử dụng dịch vụ chỉ cần vài giây thao tác trên điện thoại, sau một khoảng thời gian ngắn, tài xế đã đứng chờ ở quán để sẵn sàng lái xe hộ đưa khách hàng về nhà.

CSGT gọi taxi cho lái xe vi phạm nồng độ cồn sau khi bị giữ phương tiện
CSGT gọi taxi cho lái xe vi phạm nồng độ cồn sau khi bị giữ phương tiện. Ảnh: Lê Thắng

Anh Bùi Quang Vinh - người thành lập nhóm lái xe hộ mang tên Driver 76 ở thành phố Vinh chia sẻ: Nhóm được thành lập vào cuối tháng 3/2023, đến nay có gần 20 thành viên, tuổi đời từ 35 trở lên. Các thành viên chủ yếu làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp, tham gia nhóm theo hình thức làm việc ngoài giờ. Đây đều là những lái xe lâu năm, với nhiều kinh nghiệm, có thể lái nhiều loại xe, có nhân thân lai lịch rõ ràng, nắm rõ đường đi lối lại trên địa bàn, không sử dụng chất kích thích, rượu, bia và đồ uống có cồn…

Hiện tại, thông tin về nhóm đều được quảng bá rộng rãi trên các ứng dụng như Zalo, Facebook và tại nhiều nhà hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Về chi phí cho mỗi lần sử dụng dịch vụ lái xe hộ của Driver 76 là 100.000 đồng/bán kính 10 km tính từ nơi xuất phát, quá 10 km thì tính thêm 13.000 đồng/km, trường hợp đi ngoại thành sẽ thỏa thuận trước với khách.

Một trường hợp sử dụng dịch vụ lái xe hộ sau khi sử dụng rượu bia
Một trường hợp sử dụng dịch vụ lái xe hộ sau khi sử dụng rượu bia. Ảnh: PV

Nhiều chủ quán nhậu, quản lý các nhà hàng cũng đã liên kết với dịch vụ lái xe hộ người đã sử dụng rượu, bia. Việc làm này vừa đảm bảo an toàn cho thực khách, vừa để khách hàng yên tâm khi ăn uống tại quán. Như anh Trần Anh Tuấn - chủ nhà hàng H.P ở phường Quán Bàu (TP. Vinh) cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn gắt gao, nhất là thời kỳ đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của quán, có thời điểm sụt giảm đến 30-40%. Tuy nhiên, hiện nay gần như mọi thứ đã đi vào quy củ.

Nếu trước đây, quán phải nghĩ ra cách thức phục vụ để khách hàng của mình có thể yên tâm đến quán, như đối với những khách đến nhà hàng bằng phương tiện cá nhân, khi ra về nếu đã uống rượu, bia, thì trực tiếp hỏi ý kiến khách nếu để xe lại nhà hàng sẽ đảm bảo việc trông coi, đồng thời, sẽ có người chở về… Đây là những phần việc buộc nhà hàng phải tính vào những khoản chi, tuy nhiên, đổi lại khách đến với nhà hàng rất yên tâm, cũng theo đó doanh thu trở lại ổn định. Còn hiện nay, mọi việc đơn giản hơn, chúng tôi đã cập nhật, liên kết giới thiệu đến khách hàng khoảng 5 hội, nhóm về các dịch vụ lái xe hộ và khách hàng phản hồi rất tốt.

Kiểm tra nồng độ cồn tại thành phố Vinh.
Kiểm tra nồng độ cồn tại thành phố Vinh. Ảnh: PV

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Sau khi uống rượu, bia, người dân chủ động thuê các dịch vụ lái xe, các dịch vụ xe công nghệ thì là việc làm rất có ý thức đối với sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Theo đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ cần trang bị kỹ năng lái xe và ứng xử, tư cách người lái xe, góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn. Về phía người dân cũng cần lưu ý, khi gọi dịch vụ lái xe hộ cần gọi vào số tổng đài để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm, không nên vẫy tài xế dọc đường để tránh nguy cơ mất an toàn, mất tài sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức và quan điểm nhất quán “ không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý hành vi đã uống rượu, bia vẫn lái xe đã tạo nên hiệu quả kịp thời về an toàn giao thông. Theo đó, cùng với việc thay đổi ý thức của người dân, sự đa dạng các loại hình dịch vụ thuê lái xe hộ cũng đã và đang trở thành giải pháp tối ưu, để những cuộc vui thực sự trọn vẹn mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

(Còn nữa)

Bài 1: Chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO