Pháp luật

Bài 2: Không khoan nhượng trước mọi trường hợp vi phạm

Nhóm Phóng viên Pháp luật 23/06/2024 12:31

Hiện nay ý thức “Đã uống rượu, bia không lái xe” đã thành một thói quen rõ trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp không chấp hành quy định, không hợp tác khi kiểm tra nồng độ cồn, thậm chí có những hành vi manh động như chạy ô tô vào đường ngược chiều, tông thẳng xe vào cảnh sát giao thông...

Kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn - cover-2
Kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn - b2-tit1

Tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên Quốc lộ 1A, thuộc Km 418, đoạn qua địa bàn xã Diễn Hồng (Diễn Châu) của Trạm CSGT Diễn Châu vào trưa ngày 20/5/2024; Tổ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu tài xế điều khiển xe ô tô mang BKS 29A-99xxx dừng xe và chấp hành kiểm tra nồng độ cồn theo quy định. Tuy nhiên, người đàn ông này không những không hợp tác mà còn lớn tiếng lăng mạ.

Đến khi thấy cảnh sát giao thông có thái độ cương quyết, người đàn ông bắt đầu hạ giọng, đưa điện thoại ra gọi cho người thân, “ép” cán bộ trong tổ công tác nghe máy. Thế nhưng, cán bộ tổ công tác cương quyết từ chối, không nghe điện thoại và thuyết phục tài xế đo nồng độ cồn. Lúc này người đàn ông lại ngậm máy mà không chịu thổi. Phải đến khi cảnh sát giao thông làm mẫu, người này mới chịu thổi đúng cách để máy cho kết quả, với mức vi phạm nồng độ cồn 0,352 mg/lít khí thở. Đáng nói dù bị lực lượng lập biên bản vi phạm, nhưng tài xế này vẫn tiếp tục dây dưa gọi điện thoại cầu cứu, mãi sau mới chịu ký.

Một đối tượng cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông.
Một trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông. Ảnh: Lê Thắng

Nhiều cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông cho hay, việc kiểm tra nồng độ cồn khá phức tạp. Thực tế, không chỉ là những hành vi báo chốt, né chốt công khai trên mạng xã hội mà tại những thời điểm lực lượng chức năng triển khai kiểm tra, một số trường hợp vi phạm còn có những hành vi chống đối, lăng mạ, không chấp hành việc kiểm tra… Đơn cử như trường hợp ông N.V.T (SN 1987), trú phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.

Theo đó, vào tối 8/2/2024, ông T. điều khiển ô tô BKS 37H.065.xx lưu thông trên tuyến đường Trần Thánh Tông, thuộc phường Quỳnh Phương. Khi Tổ công tác Công an thị xã Hoàng Mai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu ông T. đo nồng độ cồn thì ông này không chấp hành và có những lời lẽ xúc phạm lực lượng chức năng. Ngay tại thời điểm kiểm tra, tài xế này không xuất trình được giấy phép lái xe, không mang theo giấy đăng ký xe và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, tài xế T. bị phạt 35 triệu đồng; lỗi điều khiển ô tô không có giấy phép lái xe phạt 11 triệu đồng; các lỗi không mang theo giấy đăng ký xe và giấy đăng kiểm, bị phạt mỗi lỗi 300 nghìn đồng.

Gọi điện thoại cầu cứu người thân
Một trường hợp vi phạm đang gọi điện nhờ sự trợ giúp từ người thân. Ảnh: Lê Thắng

Không chỉ là những hành vi báo chốt, né chốt công khai trên mạng xã hội mà tại những thời điểm lực lượng chức năng triển khai kiểm tra, một số trường hợp vi phạm còn có những hành vi chống đối, lăng mạ, không chấp hành việc kiểm tra…

Thực tế vì điều khiển phương tiện trong tình trạng có bia rượu, thường mất kiểm soát trong hành vi, lời nói nên nhiều người đã chửi bới, xúc phạm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Thậm chí, còn có trường hợp đe dọa; hoặc xưng danh đang công tác tại cơ quan A, cơ quan B, quen người nọ người kia để tạo áp lực… Theo cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, với bất cứ trường hợp nào, qua kiểm tra nồng độ cồn khi đã phát hiện vi phạm thì tất cả đều sẽ bị xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chính vì vậy, trong số các trường hợp bị xử phạt không ít người vi phạm là đảng viên, làm trong lực lượng vũ trang, lái xe cho lãnh đạo các ngành, địa phương… Đơn cử như vào lúc 20h55' ngày 23/9/2023, Tổ công tác của Bộ Công an trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại thành phố Vinh đã phát hiện 1 lái xe biển xanh vi phạm. Đó là ô tô biển xanh BKS 37A - 000.XX, do tài xế Lê Xuân Hùng ở huyện Tương Dương điều khiển, thời điểm kiểm tra, tài xế Hùng vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,173 mg/lít khí thở.

Theo lực lượng chức năng, không chỉ dừng lại ở việc tạo áp lực, chống đối, lăng mạ, nhiều trường hợp người vi phạm còn có những hành vi manh động, liều lĩnh như chạy ô tô vào đường ngược chiều, tông thẳng xe vào cảnh sát giao thông khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.

Đại tá Trần Ngọc Tuấn- Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, động viên và tặng quà Trung tá Hoàng Quang Vinh; Hiện trường sự việc khiến Trung tá Hoàng Quang Vinh bị gãy chân (ảnh nhỏ). Ảnh Văn Hậu - CSCC
Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, động viên và tặng quà Trung tá Hoàng Quang Vinh; Hiện trường sự việc khiến Trung tá Hoàng Quang Vinh bị gãy chân (ảnh nhỏ). Ảnh: Văn Hậu - CSCC

Đơn cử, vào khoảng 21h ngày 15/5/2024, tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện Nghi Lộc làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 48E, đoạn qua địa bàn xã Nghi Thạch (Nghi Lộc) phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, có dấu hiệu sử dụng rượu, bia nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, nam thanh niên không chấp hành hiệu lệnh mà lao thẳng xe vào tổ công tác, khiến Trung tá Hoàng Quang Vinh bị gãy chân.

Sau khi xảy ra sự việc, tổ công tác đã nhanh chóng đưa Trung tá Hoàng Quang Vinh đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An; đồng thời, tiến hành khống chế, đưa đối tượng nói trên về trụ sở Công an huyện để phục vụ điều tra. Tại đây, đối tượng khai tên là Lê Thanh Hoàng (SN 1996), trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc. Trước khi điều khiển xe lao vào tổ công tác, đối tượng này đã sử dụng rượu, bia. Hiện, Công an huyện Nghi Lộc đang tạm giữ đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi chống người thi hành công vụ.

Đối tượng Lê Thanh Hoàng. Ảnh Văn Hậu
Đối tượng Lê Thanh Hoàng. Ảnh: Văn Hậu

Trước đó, vào khoảng 20h, ngày 21/1/2024, tổ công tác thuộc Đội CSGT-TT, Công an thành phố Vinh triển khai tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Km464+800, Quốc lộ 1A (đường Trần Phú, thành phố Vinh) phát hiện xe ô tô màu đỏ, mang BKS 37K-270.92 đang di chuyển trên đường có biểu hiện vi phạm nồng độ cồn. Khi Đại úy Nguyễn Minh Thông ra hiệu lệnh cho xe ô tô trên đi chậm lại và hướng dẫn vào làn kiểm tra nồng độ cồn thì tài xế không chấp hành mà cho xe lùi, sau đó điều khiển xe quay đầu đi ngược chiều. Đáng chú ý, khi lực lượng của tổ công tác tiếp cận, người điều khiển phương tiện trên không dừng lại mà lao thẳng vào thành viên tổ công tác. Khi xe ô tô trên bỏ chạy đến khu vực đường Chu Văn An thì bị lực lượng chốt chặn, bắt giữ và đưa về trụ sở Công an thành phố Vinh tiến hành lập biên bản, bắt người phạm tội về hành vi chống người thi hành công vụ. Qua kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng xác định tài xế điều khiển xe ô tô nói trên là Phan Công Đoàn đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,399 mg/khí thở.

Đối tượng Phan Công Đoàn tại cơ quan Công an. Ảnh: Minh Khôi
Đối tượng Phan Công Đoàn tại cơ quan Công an. Ảnh: Minh Khôi

Qua các sự việc trên, nhiều người dân cho rằng hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia và khi bị phát hiện còn chạy trốn, hoặc đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát giao thông cần bị xử lý nghiêm. “Đây là những hành vi không lý do gì có thể biện minh, mà đó là hành vi côn đồ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác”- ông Võ Quý Hoàng, người dân ở thành phố Vinh cho hay.

Kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn - b2-tit2

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong thực hiện chuyên đề nồng độ cồn đã xảy ra 5 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó đã khởi tố 4 vụ, 8 đối tượng và hiện đang tạm giữ 1 đối tượng.

Nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống người thi hành công vụ nói chung, cảnh sát giao thông trong khi kiểm tra nồng độ cồn nói riêng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nhận thức về luật pháp chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên. Các trường hợp chống đối coi việc bị xử phạt là sự mất mát, bức xúc mà không nghĩ rằng lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Chưa kể một bộ phận thanh niên có tính côn đồ, do sử dụng rượu, bia trước đó nên không kiểm soát được hành vi.

Ngân Văn Hùng (giữa), trú tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã không chấp hành và có hành động chống đối, điều khiển phương tiện tiến về phía trước đâm vào xe của Tổ công tác khiến xe đổ xuống đường, làm 1 đồng chí CSGT bị thương, sau đó tăng ga bỏ chạy. Ảnh tư liệu: Ngọc Anh
Ngân Văn Hùng (giữa), trú tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã không chấp hành và có hành động chống đối, điều khiển phương tiện tiến về phía trước đâm vào xe của Tổ công tác khiến xe đổ xuống đường, làm 1 đồng chí CSGT bị thương, sau đó tăng ga bỏ chạy. Ảnh tư liệu: Ngọc Anh

Theo đó, các đối tượng chống đối không chỉ có những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, mà còn thực hiện những hành vi ngày càng manh động như chạy ô tô vào đường ngược chiều, tông thẳng xe vào cảnh sát giao thông gây tâm lý trong lực lượng, bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Vấn đề này, ông Phan Huy Chương - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT tỉnh, cho rằng: Dù bất cứ nguyên nhân nào, hành vi không tuân thủ yêu cầu, chống đối lực lượng thi hành công vụ đều là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải xử lý thật nghiêm.

Những hành vi như vậy đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của những lực lượng thực thi công vụ trên đường. Nếu còn tái diễn sẽ tạo ra những tiền lệ xấu khiến người tham gia giao thông coi thường pháp luật, thách thức pháp luật”.

Ông Phan Huy Chương - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh

Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đ.C
Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đ.C

Tiến sĩ, Luật sư Trọng Hải - Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự cho rằng, việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện. Bởi vậy, ngoài việc áp dụng hình phạt thật nghiêm khắc khi người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100, cần xem xét xử lý hình sự các đối tượng theo quy định.

Cụ thể, trong các trường hợp nghiêm trọng, nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù. Các trường hợp này cũng cần được đưa ra xét xử lưu động tại khu dân cư để tuyên truyền, răn đe giáo dục chung, bên cạnh đó, ngành chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt so với quy định hiện nay.

Đội CSGT- TT Công an TP. Vinh luôn duy trì các tổ công tác để kiểm tra xử lý
Đội CSGT- TT Công an TP. Vinh luôn duy trì các tổ công tác để kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Ảnh: Đ.C

Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông và từng bước hình thành xây dựng nét văn hóa giao thông “đã uống rượu bia không lái xe”. Thời gian tới, các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn vẫn sẽ tiếp tục được triển khai thường xuyên. Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống đối, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng lực lượng thực thi công vụ, Công an tỉnh sẽ yêu cầu các đơn vị tiến hành điều tra, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Bài 2: Không khoan nhượng trước mọi trường hợp vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO