Phát triển bền vững nghề trồng nấm tại Yên Thành
(Baonghean) - Ở huyện Yên Thành, đã có hai thời kỳ (từ năm 1998-2000 và từ năm 2005-2006) nghề trồng nấm phát triển rất mạnh. Trong năm 2006, có nhiều hộ đạt thu nhập từ sản phẩm nấm lên đến 100 triệu đồng. Từ năm 2007-2008, nghề trồng nấm ở Yên Thành có xu hướng đi xuống do nhiều nguyên nhân như: Thị trường đầu ra chưa được khơi thông; cách thức tổ chức sản xuất chưa hợp lý; kỹ thuật sản xuất không tiện dụng và chưa được hoàn thiện.
Tuy nhiên, nhận thấy nghề trồng nấm ở Yên Thành rất có tiềm năng để phát triển, nên lãnh đạo UBND huyện cùng người dân đã quyết tâm đưa nghề trồng nấm trở lại Yên Thành.
UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm trồng nấm, cách thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm tại Bắc Giang và Hưng Yên. UBND huyện cũng đã tuyên truyền phổ biến, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng nấm, đến nay đã mở 22 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt người. Bên cạnh đó, UBND huyện còn có chính sách hỗ trợ xây dựng được 4 tổ sản xuất với 25 triệu đồng/tổ; trong năm 2011, huyện trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ 100% giống nấm; đến năm 2012, hỗ trợ 50% giống nấm.
Trồng nấm ở xã Nam Thành (Yên Thành). Ảnh: X.Hoàng
Ngoài ra, huyện còn có chính sách hỗ trợ 200.000- 300.000 đồng/người/tháng cho cán bộ kỹ thuật chỉ đạo trồng nấm. Từ quyết tâm và cách thức triển khai phù hợp, đến nay, mô hình này đã được thực hiện tốt tại 22/39 xã, thị trấn với hơn 500 hộ sản xuất, trong đó có 47 hộ chủ chốt sản xuất 20 tấn nấm/hộ/năm. Nét mới trong lần đưa nấm trở lại Yên Thành này là không đầu tư đại trà mà đầu tư có tính chiến lược cho gần 50 hộ chủ chốt, và đây trở thành đầu mối để sản xuất, cung cấp cho các hộ lân cận chăm sóc, bảo quản.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là, quy mô sản xuất nấm còn nhỏ lẻ. Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thành có hơn 500 hộ sản xuất nấm nhưng chỉ mới có gần 50 hộ sản xuất được khoảng 20 tấn nấm/năm. Điều này khiến cho việc tạo lập thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Các thương lái rất khó gom sản phẩm với số lượng lớn đi tiêu thụ ở các địa phương khác hay để chế biến.
Do đó, mặc dù sản lượng nấm tương đối nhiều nhưng chủ yếu được bán tại chỗ, giá thấp mà không ổn định. Trong năm 2013, đã có lúc nấm không bán được, huyện phải chỉ đạo bảo quản tại chỗ để tiêu thụ dần.
Vấn đề thứ hai là, chủng loại nấm chưa phong phú, sản phẩm chủ yếu chỉ có nấm sò, nấm rơm và nấm mỡ mà chưa có nhiều sản phẩm “cao cấp” như nấm linh chi… bên cạnh đó, do chưa có công nghệ chế biến nên nhìn chung các sản phẩm vẫn là nấm tươi.
Thứ ba là, đầu ra chưa ổn định, hiện tại sản phẩm nấm Yên Thành mới chủ yếu là nấm tươi được nội tiêu trong huyện với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi đó tại các chợ ở Thành phố Vinh và các địa phương khác, giá bán là 30.000 - 40.000 đồng/kg, ở các siêu thị giá bán còn cao hơn nhiều.
Thứ tư là thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên sâu. Mặc dù UBND huyện đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật song các cán bộ này mới chỉ nắm bắt được quy trình để sản xuất mà chưa có kiến thức chuyên sâu về cây nấm, vì vậy, khi có những vấn đề phát sinh như thời tiết thay đổi đột ngột, nguồn nước thay đổi,.. thì không xử lý được. Thực tế đã có vụ nấm do nguồn nước thay đổi nên nấm bị đen, thối mà cán bộ kỹ thuật chưa xử lý được, dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Để trồng nấm có thể trở thành một nghề ổn định, bền vững tại huyện Yên Thành, cần thực hiện ngay một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện mô hình sản xuất để tăng quy mô sản xuất. Tìm kiếm doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết để hình thành liên minh giữa doanh nghiệp và người dân mà hướng đến là những hộ đã đầu tư sản xuất lớn. Từ những điều kiện thực tế của 2 xã Nam Thành, Khánh Thành, cũng như quy mô sản xuất nấm tại các hộ, có thể lựa chọn một số hộ chủ chốt làm doanh nghiệp. Để làm được điều này, huyện cần nghiên cứu xây dựng phương án thành lập tổ, nhóm sản xuất và kinh doanh nấm: Chuẩn bị các điều kiện để thành lập tổ nhóm sản xuất và kinh doanh nấm; tổ chức, triển khai hoạt động tổ sản xuất và kinh doanh nấm.
Thứ hai, cần có biện pháp nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và người dân để có thể hoàn toàn chủ động trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất.
Thứ ba, làm chủ nguồn giống tại chỗ để đảm bảo tính chủ động trong sản xuất bằng cách xây dựng Trạm nhân giống cấp 2, Phòng cấy nhân giống cấp 2, cấp 3; Phòng nuôi giống nấm cấp 2, cấp 3; Kho chứa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất giống nấm; Phòng đóng gói, xuất bán giống nấm. Bên cạnh đó, cần đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác sản xuất giống nấm và đặc biệt cần có tổ chức, quản lý Trạm nhân giống nấm.
Thứ tư, cần đầu tư xây dựng các mô hình bảo quản và chế biển sản phẩm nấm: Xây dựng hệ thống cơ sở bảo quản và sơ chế nguyên liệu; xử lý, đóng gói, hấp sấy cơ chất. Chuyển giao các quy trình công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm nấm; Đầu tư các trang thiết bị, máy móc,..
Thứ năm, làm chủ thị trường: Xây dựng hệ thống phân phối tại các chợ huyện như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu… Ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm đến các cửa hàng ở các chợ, nhà hàng, khách sạn, siêu thị (siêu thị BigC, Siêu thị Intimex…). Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm nấm bằng nhiều hình thức: Giới thiệu sản phẩm ở Sàn giao dịch Công nghệ và thiết bị Nghệ An; Tuyên truyền quảng cáo trên truyền hình, in phát tờ rơi, tổ chức các chương trình khuyến mại đến người tiêu dùng,..
Thứ sáu, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nấm: Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và công bố tiêu chuẩn chất lượng nấm Yên Thành; Xây dựng logo, nhãn, bao bì sản phẩm; Thiết kế, in ấn tờ rơi, băng rôn quảng bá sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; làm pano, poster giới thiệu sản phẩm đặt tại vùng sản xuất và kinh doanh nấm tập trung; Thiết kế gian hàng, tủ, kệ, giá trưng bày sản phẩm để có thể sử dụng trong các hội chợ, triển lãm và đặt tại các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm.
Lê Văn Khánh (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An)