Phát triển cụm công nghiệp: Cần có cơ chế thông thoáng

21/03/2014 15:29

(Baonghean) - Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp và đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN)… là những việc làm thiết thực của các cấp, ngành chức năng trong việc phát triển CCN. Nhờ đó tại nhiều địa phương có những CCN phát huy hiệu quả và tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Tuy nhiên, tại các CCN hiện vẫn còn nhiều bất cập, như quy hoạch chưa hợp lý, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường...

Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế

TP Vinh là một trong những địa phương phát triển mạnh cụm công nghiệp. Có được kết quả đó, cùng với việc ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng trong việc thuê đất, thuế, hỗ trợ đào tạo nghề… TP Vinh còn trích ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chính vì vậy, trên địa bàn thành phố đã có 5 CCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 90,18 ha, trong đó, 3 CCN Nghi Phú, Hưng Lộc, Đông Vĩnh đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy diện tích…

Sản xuất phân bón NPK ở Công ty TNHH Việt Mỹ tại CCN Nghi Phú - TP. Vinh.
Sản xuất phân bón NPK ở Công ty TNHH Việt Mỹ tại CCN Nghi Phú - TP. Vinh.

Ông Phạm Văn Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Việt Mỹ đóng tại CCN Nghi Phú cho biết: “Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của CCN cơ bản đã hoàn thiện và cùng với đó, cơ chế chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nên với quy mô 10,5 ha đã có 18 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Các DN trong CCN chủ yếu kinh doanh các lĩnh vực như phân bón, mây tre đan, cửa cuốn, khí đốt... Trong đó, Công ty TNHH Việt Mỹ đã đầu tư vốn xây dựng nhà máy sản xuất phân bón công suất lớn và sản xuất - kinh doanh ổn định”. Hay tại CCN Hưng Lộc, Công ty TNHH Vinh An được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, đã đầu tư nhà máy chế biến bột đá và nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vốn lớn lắp đặt thiết bị sản xuất hiện đại, tạo ra những sản phẩm uy tín trên thị trường, như các mặt hàng về nhôm, kính, cửa cuốn, gỗ ván ép… Được biết, tại 3 CCN (Hưng Lộc, Nghi Phú, Đông Vĩnh) nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là hơn 46 tỷ đồng và 36 doanh nghiệp đã thu hút đầu tư 622 tỷ đồng xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị sản xuất…

Hiện nay, nhiều địa phương phát huy lợi thế về nguồn tài nguyên, nhân lực lao động, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tạo được những khu, CCN hoạt động hiệu quả. Điển hình là tại Diễn Châu, từ năm 2003, khi mà việc phát triển khu, CCN ở nhiều địa phương trong tỉnh còn mới mẻ, thì Diễn Châu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng CCN Diễn Hồng với diện tích 10 ha thu hút 11 doanh nghiệp và 26 hộ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng sản xuất – kinh doanh… Sự thành công của mô hình CCN đầu tiên này là động lực quan trọng để Diễn Châu mạnh dạn phát triển các khu, CCN trên địa bàn huyện. Với cách làm năng động và được các cấp, ngành ủng hộ, cùng vào cuộc một cách quyết liệt, hiện nay CCN Tháp – Hồng – Kỷ (diện tích 23 ha) đã cơ bản hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật, thu hút được 25 dự án. Trong đó có dự án đầu tư vào ngành may công nghiệp của Công ty NAMSUNG VINA của Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư 5,3 triệu USD đầu tư (giai đoạn 1), giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động địa phương. Hay Công ty TNHH Thành Phát đầu tư 32 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất ống thép, mỗi tháng sản xuất gần 90 tấn sản phẩm gồm 20 loại ống thép… Tại khu CCN này, đã có thêm nhiều dự án đi vào hoạt động như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, sản xuất thép, phân bón, đồ nhôm, đồ gia dụng…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 CCN đã và đang triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích quy hoạch là 467 ha, trong đó đất sản xuất công nghiệp là 314 ha. Hiện có 12 CCN đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh về hạ tầng (tổng diện tích 185,8ha) và các CCN này đã thu hút gần 160 dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp đạt 1.913 tỷ đồng (bình quân 15 - 20 tỷ đồng/doanh nghiệp). Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là chế biến khoáng sản, lâm sản, may mặc, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì.

Ngoài 4 dự án đầu tư trên lĩnh vực may mặc (tại các CCN Thị trấn Anh Sơn, CCN Lạc Sơn, CCN Nam Giang, CCN Tháp - Hồng - Kỷ) có quy mô lớn, các dự án còn lại đều có quy mô vừa và nhỏ. Việc hình thành các CCN đã thúc đẩy phát triển công nghiệp, TTCN của địa phương, khai thác tiềm năng và lợi thế của từng vùng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển dịch vụ đi kèm, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp trong CCN phát triển đã góp phần làm thay đổi bộ mặt và cấu trúc mạng lưới thương mại hàng hóa và dịch vụ của tỉnh. Năm 2013, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại các CCN đạt khoảng gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thu ngân sách đạt khoảng 150 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong CCN đã thu hút được khoảng gần 8.300 lao động (bình quân 50 lao động/doanh nghiệp).

Những chính sách kích cầu

Được biết, giai đoạn 2012 - 2020, Nghệ An tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển theo Quy hoạch 38 CCN. Phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2012 - 2015, hoàn chỉnh công tác chuẩn bị đầu tư và tập trung đầu tư phát triển 27 CCN; trong đó tập trung kêu gọi đầu tư ưu tiên nguồn vốn để thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2015 lấp đầy các CCN: Nghĩa Mỹ, Trường Thạch, Nam Giang, Lạc Sơn, Đồng Văn, Nghĩa Hoàn, Thị trấn Yên Thành, cơ bản lấp đầy các CCN Nghĩa Long, Nam Thái, Hưng Đông, Nghi Liên, Nghi Kim, Thọ Sơn I và II. Giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục triển khai đầu tư các cụm còn lại theo quy hoạch.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty NAMSUNG VINA ở CCN Tháp - Hồng - Kỷ  (Diễn Châu).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty NAMSUNG VINA ở CCN Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu).

Xác định phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn là giải pháp hết sức cần thiết và quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ban hành nhiều chương trình, chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển CN ở nông thôn. Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm 2011 - 2015 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020 đã có những chính sách ưu tiên những ngành công nghiệp trực tiếp tác động đến nông nghiệp, nông thôn và sử dụng nhiều lao động. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển CCN, theo đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết từ 100 - 120 triệu đồng/CCN; hỗ trợ bồi thường GPMB 100 triệu đồng/ha; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong CCN gồm đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung với mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/cụm.

Còn đó những bất cập

Thực tế thấy rằng, bên cạnh lợi ích thiết thực từ việc phát triển các CCN, thì trong quá trình thực hiện, còn khó khăn, bất cập, nhất là việc triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN còn chậm và thiếu đồng bộ. Một số dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc thiếu tính bền vững như CCN Diễn Hồng (Diễn Châu), CCN Thị trấn Đô Lương, CCN Đông Vĩnh – TP Vinh… nằm sát khu dân cư. Tại các CCN trên địa bàn tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Người dân đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã thừa nhận những bất cập đó nhưng hầu như không có biện pháp khắc phục triệt để. Khói bụi, tiếng ồn, nước xả thải... của các công ty giấy, ván ép, nhựa tái sinh vẫn thường xuyên gây ô nhiễm môi trường tại các cụm dân cư 2 xóm Hòa Tiến, Mỹ Hạ (xã Hưng Lộc - TP. Vinh). Các doanh nghiệp tận dụng đường, hành lang để tập kết vật liệu và sản xuất khiến cho bộ mặt của CCN trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Hệ thống mương nước thải mất hết nắp đậy, hư hỏng và hầu hết các doanh nghiệp đều xả thẳng nước thải ra môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển các CCN, nhưng thực tế cho thấy rằng, nguồn hỗ trợ cho các CCN vẫn còn hạn chế. Trung bình, mỗi CCN có diện tích ít nhất khoảng 20 ha thì nguồn vốn để lập quy hoạch, bồi thường GPMB, hạ tầng kỹ thuật trong CCN phải cần đến ít nhất là 30 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, chính sách hỗ trợ của tỉnh chỉ khoảng hơn 3 tỷ đồng/CCN. Nhu cầu đầu tư vào CCN nhiều về số lượng trên địa bàn tỉnh nhưng manh mún đối với các CCN. Vì vậy, việc đầu tư kinh doanh hạ tầng không có hiệu quả nên ít có doanh nghiệp mặn mà trong lĩnh vực này. Công tác này phần lớn do UBND các huyện thực hiện thông qua Ban quản lý CCN. Nhưng do ngân sách hạn hẹp nên nhiều huyện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này dẫn đến không thu hút được DN vào sản xuất trong CCN. Ông Lê Quang Nhung, Trưởng phòng Công thương huyện Nghĩa Đàn cho biết: Do thiếu kinh phí nên tại CCN Nghĩa Long hiện chưa thực hiện xong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống xử lý nước thải, nền đường và mương thoát nước trong CCN vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Vì thế, các doanh nghiệp muốn vào sản xuất tại đây phải tự bỏ kinh phí san nền. Đây là một “lực cản” khiến cho CCN chưa thể lấp đầy.

Tuy nhiên, hạn chế cơ bản trong phát triển CCN ở Nghệ An hiện nay vẫn là cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc; huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thấp... Để đảm bảo các điều kiện thuận lợi đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp lấp đầy các CCN, vấn đề cốt lõi là phải thực hiện đầu tư nhanh, đạt tiến độ. Muốn vậy, công tác giải phóng mặt bằng cần nhanh gọn, giao đất kịp tiến độ theo yêu cầu của nhà đầu tư. Kết hợp giữa đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, các chương trình phát triển giao thông với đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào CCN để tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, đảm bảo đầy đủ các yếu tố giao thông, cấp điện, cấp thoát nước cho công nghiệp.

Trước những khó khăn trên, để đón luồng đầu tư về nông thôn, các cấp, ngành cần có những giải pháp thiết thực. Về nguồn vốn, tiếp tục huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và gắn đầu tư xây dựng các CCN với các chương trình hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn để giảm bớt chi phí đầu tư cho địa phương. Bên cạnh đó, kêu gọi các DN kinh doanh hạ tầng vào CCN, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ chi phí tự san nền trên diện tích đã thuê để xây dựng nhà máy theo quy hoạch. Tổ chức đảm bảo cung cấp đủ các nguồn lực đầu tư vào và tạo mọi điều kiện thuận lợi như khai thác nguồn nguyên liệu, thủ tục đầu tư… cho các doanh nghiệp CCN phát triển. Ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách nâng mức hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển CN và mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CCN tại nông thôn. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng nhằm hỗ trợ sự phát triển của các DN trên địa bàn.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện. Theo đó, xúc tiến thành lập thí điểm Trung tâm phát triển CCN. Nâng cao chất lượng và tính khoa học trong lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư CCN. Trong đó, đặc biệt quan tâm, bố trí hợp lý mặt bằng, không gian và các biện pháp xử lý môi trường tổng thể. Tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các đầu tư mở rộng phát triển các CCN lên thành khu công nghiệp tập trung khi có điều kiện. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Chính phủ và khả năng huy động nguồn thu từ ngân sách địa phương, sẽ tăng thêm mức hỗ trợ các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng cho các CCN được quy định tại Quyết định số 83/2009/QĐ-UBND ngày 4/9/2009 của UBND tỉnh Nghệ An. Kết hợp hỗ trợ nguồn ngân sách của Trung ương từ các chương trình, kết hợp huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, để tạo nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển các CCN, đồng thời lập quy hoạch chi tiết gắn hình thành các đô thị, thị trấn, thị tứ thực hiện quy hoạch các khu dân cư kèm theo để bán, sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất thu được cho đầu tư phát triển.

Bài, ảnh: H. Vĩnh - P. Bằng

Mới nhất

x
Phát triển cụm công nghiệp: Cần có cơ chế thông thoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO