Phát triển du lịch cộng đồng ở Tương Dương: Tiềm năng và bài toán nhân lực
Huyện Tương Dương có nhiều dân tộc cùng cư trú trên địa bàn tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa. Phong cảnh núi sông nơi đây hùng vĩ, huyện chủ trương phát huy lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng.
Trên địa bàn huyện Tương Dương có 6 dân tộc (Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Tày Poọng và Kinh) cùng sinh sống. Sự cộng sinh của nhiều dân tộc anh em tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa về cả phương diện vật thể và phi vật thể.
Tuy vậy, qua thời gian, những nét văn hóa mang tính đặc trưng của từng dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bên cạnh đó, quá trình giao lưu kinh tế - xã hội cũng đem đến nguy cơ đồng hóa về bản sắc của một số dân tộc thiểu số. Ý thức được điều này, huyện Tương Dương xác định việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Du thuyền dưới lòng hồ Bản Vẽ. |
Tương Dương tập trung chỉ đạo 137 làng bản trong toàn huyện thành lập được đội văn nghệ quần chúng, tổ chức khôi phục đám cưới cổ của dân tộc Thái tại bản Chắn (xã Thạch Giám), khôi phục lễ hội văn hóa dân tộc Mông ở xã Tam Hợp, nghiên cứu và phục dựng lễ hội Xăng Khan của người Thái ở bản Chà Luân (xã Luân Mai cũ) và lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào (xã Xá Lượng). Đồng thời, phục dựng một số nét đặc trưng văn hóa dân tộc Khơ mú ở bản Xốp Pột (xã Kim Đa cũ), mở các lớp chế tác và hướng dẫn sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, tổ chức lớp phổ biến tiếng Ơ đu tại bản Văng Môn (xã Nga My) và 5 lớp phổ biến chữ Thái Lai Pao. UBND huyện còn chỉ đạo biên soạn thành công công trình "Địa chí huyện Tương Dương" và thành lập CLB VHNT, cho ra đời tập san "Mường Xủng" nhằm mục đích khảo cứu và quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc.
Hàng năm, ngành Văn hóa tổ chức hội thi hát dân ca, dân nhạc, dân vũ và các trò chơi dân gian nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và niềm say mê của toàn thể cộng đồng. Từ đó, những điệu dân ca xuối, khắp, lăm, nhôn của đồng bào Thái, điệu hát tơm của đồng bào Khơ mú, điệu cự xia, lù tẩu của đồng bào Mông, điệu hát Đu đu điềng điềng của bà con Tày Poọng cùng trò chơi ném còn, đẩy gậy, đua thuyền có cơ may được hồi sinh và phát triển.
Huyện còn đầu tư xây dựng nhà truyền thống, tổ chức sưu tầm, lưu giữ các loại vật dụng, nhạc cụ, trang phục của các dân tộc cư trú trên địa bàn. Mô hình làng bản văn hóa thuần dân tộc, được nhân rộng tạo điều kiện thuận lợi về mặt không gian cho công tác bảo tồn bản sắc văn hóa. Đồng thời, huyện còn chủ trương khôi phục và mở rộng một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát ở các xã Thạch Giám, Xá Lượng, Nga My...
Cùng với đa dạng bản sắc văn hoá, Tương Dương còn được đất trời ưu đãi nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp và kỳ thú. Đó là rừng săng lẻ (xã Tam Đình) với diện tích trên 70 ha (dự kiến mở rộng tới 300 ha), một khu rừng còn giữ được đặc tính nguyên sinh. Ngoài ra, Tương Dương còn có rừng cây lùn ở xã Tam Quang, rừng lạnh nguyên sinh ở xã Tam Hợp (thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát) là những điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Tương Dương còn có lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có diện tích lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, sắp tới còn có lòng hồ thủy điện Khe Bố là những điểm thu hút khách tham quan du lịch.
Đặc biệt, lòng hồ Bản Vẽ có vô số ốc đảo, luồng lạch, có hang Thẳm Nặm với hệ thống nhũ đá nhiều hình dáng, sắc màu, trong lòng hang có dòng suối ngầm, dòng nước trong mát hấp dẫn không ít du khách mỗi khi đến thưởng ngoạn, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của lòng hồ. Ngoài hang Thẳm Nặm, ở Tương Dương còn có nhiều hang động đẹp như Thẳm Kèo (xã Hữu Khuông), Thẳm Cùng (xã Tam Đình), Thẳm Cóng (Tam Quang), Thẳm Tẩu (Yên Thắng), Thẳm Áng (Xá Lượng)...
Ở khu vực Cửa Rào, nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ hình thành nên dòng sông Lam có một ngôi đền thiêng, tọa lạc ở một vị trí tuyệt đẹp, phong cảnh nên thơ, đó là đền Vạn- Cửa Rào. Đền thờ Đoàn Nhữ Hài (Đốc tướng nhà Trần) và Tam Tòa Thánh Mẫu.
Vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa văn nghệ để gặp gỡ và trao đổi tâm tình. Các dân tộc cư trú trên địa bàn Tương Dương vẫn còn lưu giữ được những nét bản sắc, tiêu biểu như dân tộc Ơ đu với lễ đón tiếng sấm đầu năm, dân tộc Thái với lễ cưới đặc sắc, dân tộc Khơ mú với lễ mừng nhà mới, dân tộc Mông với hội chọi trâu đầu xuân...
Một số bản như bản Chắn, bản Mác, bản Lau, bản Phòng (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, Lưu Phong (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn) vẫn còn lưu giữ những nét đẹp về không gian làng bản và các phong tục đẹp của dân tộc Thái. Ngoài ra, Tương Dương còn có những sản vật mang đậm hương vị núi rừng và đã trở thành đặc sản như cá lăng, cá mát, lợn đen, măng đắng, bí xanh, xoài...
Tiềm năng phát triển du lịch của Tương Dương là không thể phủ nhận nhưng trên thực tế nguồn nhân lực để biến tiềm năng thành hiện thực, góp phần phát triển đời sống, xóa đói giảm nghèo vẫn là một bài toán cần sớm có lời giải.
Theo đánh giá của UBND huyện, đội ngũ làm công tác văn hóa và du lịch từ huyện đến xã còn rất hạn chế về trình độ và năng lực, hầu hết không có kiến thức và khả năng tổ chức hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch. Vì thế, để phát triển du lịch cộng đồng sớm mang lại hiệu quả thiết thực, huyện Tương Dương cần tập trung đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ngành văn hóa và du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong phát triển và hội nhập.
Công Kiên