Phát triển du lịch: Học hỏi để kích cầu phù hợp

28/09/2015 19:18

(Baonghean) - Vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đến một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan thực hiện khảo sát, xúc tiến, quảng bá tuyến du lịch bằng đường bộ và đường hàng không Nghệ An - Lào và Đông Bắc Thái Lan. Những ngày lưu lại trên đất Thái, khảo sát, nghiên cứu hoạt động dịch vụ du lịch của họ, nhận thấy có nhiều điều cần suy ngẫm, trăn trở...

Ấn tượng Phu Kệt

Đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An do đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Thị xã Cửa Lò, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành và Thành phố Vinh. Suốt chuyến đi, trong tất cả các câu chuyện mà mọi người đưa ra bàn bạc, thảo luận đều hướng đến nội dung: cách làm du lịch của người Thái. Và, tất cả dường như thống nhất rằng: Về tiềm năng nói chung thì Nghệ An không thua kém các tỉnh như Khỏn Kèn, Phu Kệt, Noọng Khai hay Udonthani của Thái Lan, thậm chí tài nguyên du lịch xứ Nghệ còn hơn hẳn các địa phương của nước bạn. Nhưng tại sao lượng khách du lịch nước ngoài, cụ thể là Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan đến Nghệ An còn ít? Và chỉ đến khi được sống trong không gian du lịch của họ mới thấy rõ sự vận hành của ngành Du lịch dịch vụ đã được nâng lên thành một nền công nghiệp thực sự.

Bãi biển trên đảo Phi Phi (Phu Kệt, Thái Lan).
Bãi biển trên đảo Phi Phi (Phu Kệt, Thái Lan).

Từ tỉnh Udonthani chúng tôi đáp máy bay để đến Phu Kệt - tỉnh cực Nam của Vương quốc Thái Lan. Ngay khi đặt chân xuống sân bay, mọi người trong đoàn đã phải ngỡ ngàng vì cách đón tiếp của bạn. Chúng tôi được đại diện ngành Du lịch miền Nam Thái Lan đón tiếp bằng những chuỗi hoa phong lan khoác lên ngực áo. Có đến 10 cảnh sát sắc phục chỉnh tề đón đoàn từ cổng hải quan. Trong thời gian chờ hành lý được bộ phận phục vụ sân bay mang ra ô tô, cả đoàn được nghỉ ngơi và ăn nhẹ tại phòng VIP. Sự trọng thị ngay trong cung cách tiếp đón của ngành Du lịch tỉnh Khỏn Kèn khiến cho khách cảm thấy mình hết sức được trân trọng và luôn được chào đón khi đến đây. Phải nói rằng đã có một sự phối hợp tuyệt vời giữa cơ quan quản lý du lịch và các ngành: hải quan, cảnh sát, hàng không…

Đó mới chỉ là một trong rất nhiều cách làm du lịch chuyên nghiệp của người Thái. Trên chuyến xe từ sân bay quốc tế Phu Kệt về khách sạn, mọi người trong đoàn công tác đã bàn luận rất sôi nổi về những điều mình đã được mắt thấy, tai nghe. Anh Nguyễn Tất Hậu - hướng dẫn viên của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Anh Em làm nhiệm vụ hướng dẫn đoàn trong chuyến đi lần này nói rằng: Thái Lan được biết đến là xã hội du lịch, có nghĩa là cả xã hội cùng tham gia làm du lịch. Từ Chính phủ đến chính quyền các địa phương, các cấp, ngành và từng cá nhân đều góp phần để vận hành hệ thống du lịch dịch vụ. Với 10 năm làm nghề hướng dẫn viên du lịch trên đất Lào và Thái Lan, anh Hậu cho biết “miếng bánh” lợi nhuận thu được từ du lịch, dịch vụ được chia cho tất cả các khâu, các thành phần. Chính vì vậy người Thái ý thức rất rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc làm hài lòng du khách khi đến đất nước của họ.

Tại tỉnh Phu Kệt, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã tham quan một số điểm đến, danh lam thắng cảnh của hòn đảo với 543km2 và dân số hơn 247.000 người này. Đi đến đâu mọi người cũng được chào đón bởi những cái chắp tay kín đáo, thân thiện. Ngay những người phục vụ như: hướng dẫn viên, lái xe, lễ tân cũng thể hiện sự nhiệt tình và khiêm nhường. Tham quan bãi tắm Batong và cụm đảo Phi Phi cách Phu Kệt trên 50 km, mọi người có những giây phút hào hứng với xuồng cao tốc. Cũng cần nói thêm, tại đây hệ thống cơ sở vật chất như: bến cảng, hạ tầng giao thông, phương tiện phục vụ được quy hoạch rất quy củ. Có đến cả nghìn du thuyền, xà lan và xuồng cao tốc phục vụ đưa, đón du khách tham quan vùng biển đảo Phu Kệt, nhưng không hề có sự lộn xộn, tranh giành trong hoạt động này.

Giữa vùng biển đảo và các bãi cạn san hô, du khách có những phút giây thả mình thư thái hòa mình cùng sóng nước, được lặn ngắm san hô với đàn cá đủ màu sắc vây quanh. Phu Kệt là điểm đến ưa thích của du khách đến từ Trung Quốc, Nga, các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Vậy nên ở các điểm du lịch hệ thống bảng, biển chỉ dẫn ngoài tiếng Anh còn được viết bằng chữ Hoa và chữ Nga. Đương nhiên các hướng dẫn viên đều sử dụng thành thạo các ngoại ngữ nói trên. Đây cũng là một trong những cách ngành Du lịch Thái Lan xác định đối tượng và thị trường du lịch để kích cầu.

Du khách vui đùa cũng những chú khỉ tại đảo Phi Phi Don (Thái Lan).
Du khách vui đùa cũng những chú khỉ tại đảo Phi Phi Don (Thái Lan).

Không bao giờ lãng phí thời gian - đó là phương châm của các tour du lịch trên đất Thái Lan. Lịch trình điểm đến luôn phủ kín thời gian trong ngày, nếu du khách khước từ điểm đến này hướng dẫn viên sẽ đưa tham quan địa danh khác. Các công ty du lịch Thái Lan luôn luôn chủ động để khai thác tối đa công năng. Mục đích cuối cùng là thu hút, quảng bá hình ảnh và lấy tiền du khách một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất.

“Trông người, ngẫm đến ta”

Trở lại vấn đề du lịch trong nước, trong tỉnh, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Tất Hậu nói rằng, lâu nay các công ty du lịch lữ hành quốc tế ở ta hoạt động theo kiểu “ăn đong”, đang tồn tại sự cạnh tranh ít lành mạnh với nhau. Ở Nghệ An có 32 công ty du lịch lữ hành, trong đó có hơn 10 đơn vị lữ hành quốc tế, nhưng năng lực của nhiều đơn vị còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp cũng tham gia trung chuyển, nhận lại tour là chủ yếu. Đặc biệt ngành Du lịch còn những hạn chế trong công tác phối hợp, liên kết. Đơn cử như hoạt động vận tải du lịch, lâu nay khi nhận các hợp đồng phục vụ du khách, các công ty du lịch phải thuê phương tiện ngoại tỉnh như: Hà Nội, Đà Nẵng. Nếu thuê và sử dụng xe trong tỉnh chi phí chiếm 50% tổng chi phí của hành trình.

Hiện tại Nghệ An cũng có doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch. Vậy nhưng hoàn toàn không có sự liên kết giữa vận tải và lữ hành. Vì chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để phục vụ du lịch nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà Nghệ An đang sở hữu. Việc quảng bá, xúc tiến hành lang cũng như tổ chức hoạt động du lịch chỉ được thực hiện bởi chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp lữ hành. Liên quan đến vấn đề này cũng thấy rằng thời gian qua lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã dành sự quan tâm đặc biệt để đẩy mạnh hiệu quả của ngành Du lịch. Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng và xúc tiến, quảng bá, tỉnh Nghệ An còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách với mục tiêu kích cầu cho ngành đặc thù này. UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, trong đó xác định các khu vực trọng điểm cần đầu tư và khai thác như: Cửa Lò, Vinh, Nam Đàn, khu vực miền Tây xứ Nghệ.

Nhiều lần trong hành trình trên vùng Đông Bắc Thái Lan, anh Lê Hồng Thắng - Giám đốc công ty cổ phần du lịch quốc tế Hoàng Sơn nói với chúng tôi rằng, người Việt lâu nay khi tham gia hoạt động du lịch vẫn có thói quen coi trọng cái ăn, việc mua sắm hơn cái chơi. Trong khi khách du lịch các nước họ chủ yếu dành thời gian và tiền bạc để thưởng ngoạn các danh lam, thắng cảnh, tham gia các chương trình, dịch vụ giải trí thì người Việt lại dành sự quan tâm quá lớn cho khẩu vị của bữa ăn và tìm đến các trung tâm mua sắm. Phải chăng tính cách này đã ít nhiều tác động đến việc hình thành hệ thống du lịch ngay trong nước, trong tỉnh?

Vĩ thanh

Trong những lần trao đổi của đoàn công tác những ngày trên đất Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh cho rằng, việc Nghệ An xác định tuyến du lịch bằng đường bộ và đường hàng không đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là hoàn toàn phù hợp với điều kiện, nhu cầu và tính chất vùng miền. Khu vực Đông Bắc Thái Lan tập trung một lượng lớn kiều bào và lao động Việt Nam đang sinh sống, làm ăn. Tuyến giao thông bằng đường bộ và hàng không này lại nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây rất thuận lợi trong giao lưu thương mại, xúc tiến đầu tư. Điều đặc biệt hơn cả, việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, các giá trị di sản vật chất, văn hóa tinh thần và xây dựng tour, tuyến sẽ góp phần đưa Nghệ An đến gần với khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu xây dựng cộng đồng chung Asean. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này không bao giờ là câu chuyện dễ dàng. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chúng ta không thể kích cầu bằng mọi giá nhưng sẽ làm bằng tất cả những gì mình có và việc tìm kiếm, nghiên cứu học hỏi cách làm du lịch của Thái Lan là sự cần thiết” - đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh chia sẻ.

Về tiềm năng thắm cảnh “họ” không hơn “ta”. Vậy vì sao du khách khắp nơi trên thế giới cứ nườm nượp đến tham quan và thưởng ngoạn. Cả tỉnh Phu Kệt có hơn 247.000 dân và họ đang phục vụ trên 5 triệu lượt du khách có mặt hàng năm đấy thôi! – dẫn chứng ấy cũng là câu hỏi đau đáu cho ngành Du lịch của “ta” vậy!..

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất
x
Phát triển du lịch: Học hỏi để kích cầu phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO