Phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu
(Baonghean) - Những năm qua Nghệ An luôn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, phục vụ đa mục tiêu, tăng hiệu quả cấp nước cho sản xuất, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Toàn tỉnh có 1.500 công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước cho 170.000 ha lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả, 7.000 ha thủy sản và tiêu úng cho 5.000 ha cây trồng.
Các công trình nâng cấp phát huy hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều công trình thủy lợi sau khi được nâng cấp, sửa chữa đã phát huy rất tốt như hồ chứa nước Vệ Vừng thuộc các xã Kim Thành, Đồng Thành, Quang Thành (Yên Thành). Sau khi được nâng cấp vào năm 2009, đạt diện tích mặt nước trên 720 ha, trữ lượng 20 triệu mét khối nước. Hồ chứa tưới ổn định cho trên 700 ha lúa và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Ở các huyện khác cũng có những công trình hiệu quả như hồ Xuân Dương (Diễn Châu), hồ Đồn Húng, đập Khe Thần (Tân Kỳ)…
Ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi trên hệ thống Bắc Nghệ An đang ngày càng được củng cố và phát triển. Cụ thể là đã nâng cấp được 15/17 hồ chứa lớn nhỏ… Từ chỗ hàng năm chỉ đáp ứng tưới được trên 52.000 ha, sau khi nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi nâng năng lực tưới lên 68.000 ha lúa, cùng đó, các công trình trạm bơm, tiêu úng cũng được nâng cấp, sửa chữa phát huy hiệu quả.
Ở hệ thống Thủy lợi Nam, phục vụ chủ yếu các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP. Vinh, các công trình mới được nâng cấp như: cầu, kết hợp tràn Rào Đừng 2, đê quai bảo vệ mới đưa vào sử năm 2015, công trình này ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích canh tác 500 ha xã Hưng Hòa (TP. Vinh) và xã Nghi Thái (Nghi Lộc), tiêu thoát nước cho TP. Vinh và xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đang phát huy tác dụng rất tốt. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cho biết thêm: Trước đây, khi chưa có công trình này, nước mặn thường xâm nhập đồng ruộng, năng suất lúa kém, nhiều diện tích phải bỏ hoang. Nay công trình đưa vào sử dụng, kết hợp với đê quai ngăn lũ, người dân yên tâm sản xuất một năm 2 vụ lúa với diện tích gần 200 ha lúa.
Hiện tại hệ thống Thủy lợi Nam bao gồm 34 trạm bơm điện đã được nâng cấp, 3 hồ chứa đang sửa chữa và 3 cống đầu mối, cống ba ra Nam Đàn, ba ra Bến Thủy, ba ra Nghi Quang cơ bản đã được duy tu, nâng cấp, đáp ứng năng lực tưới cho trên 45.000 ha/năm. Các công trình thủy lợi ở các huyện trung du, miền núi cũng phát huy tác dụng. Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau nhiều năm đầu tư, với mục tiêu chủ yếu là đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh có được một mạng lưới công trình thủy lợi trải khắp trên địa bàn, bao gồm: 2 hệ thống thủy lợi lớn là hệ thống Thủy lợi Bắc, hệ thống Thủy lợi Nam, 624 hồ chứa nước, 599 trạm bơm điện, 400 đập dâng, 6.300 km kênh mương, trong đó 4.700 km đã được kiên cố hóa. Hàng năm công trình thủy lợi đã cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Tổng năng lực các công trình cấp nước tưới cho gần 170.000 ha lúa, tiêu 50.000 ha, nuôi trồng thủy sản 7.000 ha, tưới cây công nghiệp và cây ăn quả 1.485 ha.
Hệ thống đê biển, đê sông với tổng chiều dài 444 km, bảo vệ cho 13 vạn ha và trên 1 triệu dân, ngăn mặn cho 5.000 ha đất canh tác. Các công trình thủy lợi đã được xây dựng mới gồm hồ Khe Lại, cống Nam Đàn 2; nâng cấp cụm hồ huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, cụm hồ Vệ Vừng - Quán Hài, hồ Xuân Dương, sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ chứa lớn nhỏ ở các địa phương; Tu sửa, nâng cấp hệ thống đê Tả Lam, hệ thống đê biển khá hoàn chỉnh, đảm bảo chống được bão cấp 10, ứng phó với triều cường như đê Quỳnh Lộc, đê Long - Thuận - Thọ, đê Kim - Hải - Hùng, đê Bãi Ngang, đê Trung - Thịnh - Thành, đê Bích - Kỷ - Vạn - Ngọc, đê La Vân Nghi Yên... Các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng tăng sản lượng lương thực của Nghệ An lên 1,2 triệu tấn.
Công trình cầu kết hợp tràn Rào Đừng 2 ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đang phát huy hiệu quả. |
Phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi
Bên cạnh những đóng góp to lớn nêu trên, hạ tầng thủy lợi trên địa bàn vẫn còn khá nhiều bất cập. Có nhiều hệ thống thuỷ lợi chưa phát huy hết năng lực so với đầu tư của Nhà nước. Theo thống kê của Sở NN&PTNT thì riêng đối với hệ thống hồ chứa, bằng các nguồn vốn WB, vốn trái phiếu Chính phủ… những năm qua tỉnh ta đã nâng cấp, tu sửa gần 200 hồ chứa lớn nhỏ nhưng chưa đồng bộ. Chủ yếu nâng cấp công trình đầu mối, các công trình kèm theo là kênh mương chưa được kiên cố, còn nhiều kênh đất. Nhiều kênh trục chính đã được xây dựng nhưng thiếu công trình điều tiết, hệ thống kênh mương nội đồng chưa hoàn chỉnh, quản lý thiếu chặt chẽ nên không phát huy đủ khả năng. Một số doanh nghiệp quản lý thủy lợi tưới chưa đúng quy trình khoa học gây thất thoát nguồn nước.
Các công trình tiêu lũ chưa được đầu tư quan tâm nạo vét, thường ách tắc làm thoát lũ chậm. Chưa kể là có không ít công trình thủy lợi đang xuống cấp nhanh do thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, như cống tiêu Diễn Thủy (Diễn Châu) được xây dựng từ năm 1978 giữ ngọt, ngăn mặn cho 3.800 ha và tiêu úng cho 7.500 ha đất canh tác cho 2 huyện Yên Thành, Diễn Châu, nhưng hiện tại 3 cửa cống đã bị ải mục, nước mặn đã xâm nhập qua sông Bùng. Hiện tại nhiều công trình thủy lợi bị lấn chiếm, bồi lấp, xói lở giảm khả năng phục vụ cho sản xuất. Như hệ thống kênh tiêu Vách Bắc và kênh N18 (đoạn đi qua xã Đô Thành - Yên Thành) bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm hành lang công trình, (lấn chiếm xây nhà cửa ngay trên bờ kênh) và xả rác thải bừa bãi đã làm chặn dòng chảy. Đối với các công trình thủy lợi do huyện làm chủ đầu tư vẫn còn tình trạng công trình thi công kém chất lượng, để xảy ra tình trạng vỡ hồ chứa… Theo đánh giá của Sở NN&PTNT các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp mới khai thác được 60-65% năng lực thiết kế.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xu thế lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng khốc liệt hơn thì hạ tầng thủy lợi càng có vai trò quan trọng. Theo đó, mục tiêu đề ra của ngành Nông nghiệp đến năm 2020 là mỗi năm các công trình thủy lợi phục vụ tốt công tác tưới tiêu cho 180.000 ha lúa, 50.000 ha màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 90% dân số nông thôn, cấp nước nuôi trồng thủy sản 10.000 ha, cấp và tiêu thoát nước cho đô thị và khu công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất phải được chú trọng hơn nữa.
Tuy nhiên, để làm được việc này, điều quan trọng là phải nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có. Cụ thể là tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình lớn như: nâng cấp cống lấy nước Nam Đàn, dự kiến cuối năm 2015 đưa vào sử dụng; lập dự án cống kiểm soát mặn và cải tạo môi trường vùng hạ lưu sông Hoàng Mai phục vụ nuôi trồng thủy sản; xúc tiến đầu tư các dự án như cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam, sông Cấm, trạm bơm cấp nước cho kênh Nam Đàn để lợi dụng nước ở thượng nguồn sông Cả đưa nước vào đồng ruộng, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt hiện nay, Dự án JICA (Nhật Bản) tài trợ với tổng mức đầu tư là 5.700 tỷ đồng, cải tạo hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An (công trình thủy lợi lớn nhất Nghệ An, xây dựng năm 1930, sử dụng từ năm 1936 đến nay), gồm: cải tạo, nâng cấp đập dâng Đô Lương (công trình đầu mối) để đủ nước tưới cho 28.000 ha đồng lúa thuộc 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; phá dỡ một số cống cũ, mở rộng cống tiêu úng Diễn Thành, giảm ngập cho 1.920 ha vùng trũng; nạo vét các trục tiêu chính... Bên cạnh đó, cần thực hiện xã hội hoá công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Trong các hệ thống thủy lợi, kiểm tra đánh giá chất lượng từng hạng mục để có kế hoạch tu bổ, thay thế và hoàn thiện hệ thống. Tiếp tục nâng cao năng lực vận hành trong các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi.
Phát triển thủy lợi đáp ứng yêu cầu mới cần giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, vốn đến giải pháp khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát quy hoạch thủy lợi trên địa bàn phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Văn Trường